• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ mục đích chuyến thăm bất ngờ tới Hàn Quốc và Singapore của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc

Thế giới 19/08/2020 17:21

(Tổ Quốc) - Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của chính sách ngoại giao Trung Quốc đương đại, Dương Khiết Trì sẽ có chuyến công du tới Singapore và Hàn Quốc trong tuần này.

Tờ SCMP đăng tải, cuối tuần này, Trung Quốc sẽ cử nhà ngoại giao hàng đầu tới Singapore và Hàn Quốc. Đây được coi như một động thái của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ với các láng giềng châu Á trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời là một trong những kiến trúc sư hàng đầu của chính sách ngoại giao Trung Quốc đương đại, Dương Khiết Trì sẽ tới Busan, Hàn Quốc vào thứ 6 (21/8) và có cuộc gặp gỡ với cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc là Suh Hoon. Trước đó, ông Dương cũng sẽ có một chuyến đi khác tới Singapore.

Hé lộ mục đích chuyến thăm bất ngờ tới Hàn Quốc và Singapore của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì có chuyến công du tới Singapore và Hàn Quốc vào cuối tuần này (ảnh: SCMP)

Chuyến công du sắp tới sẽ là lần đầu tiên ông Dương tới Hàn Quốc kể từ tháng 7/2018. Phát ngôn viên văn phòng tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho hay, hai bên "có kế hoạch đàm phán vào sáng thứ 7 và có các phiên tham vấn trưa để trao đổi ý kiến về những vấn đề quan tâm chung như hợp tác Trung-Hàn cùng đối phó với COVID-19, quan hệ song phương bao gồm các trao đổi cấp cao cũng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên và an ninh quốc tế".

Hai ông Dương và Suh cũng sẽ thảo luận về khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Hàn Quốc. Trong chuyến công du tới Bắc Kinh năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng mời Chủ tịch Tập thăm Hàn Quốc vào đầu năm 2020, tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã khiến chuyến thăm bị trì hoãn vô thời hạn.

Sự xuất hiện của ông Dương tới hai nước láng giềng Trung Quốc diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục leo thang trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghệ cho tới Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông.

Hồi tháng 7, Mỹ đưa ra lập trường mới về Biển Đông trong đó coi những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về vùng lãnh hải tranh chấp là không có căn cứ pháp lý.

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cảnh báo, mối quan hệ Mỹ-Trung đã tuột dốc tới "mức độ rất nguy hiểm", và Singapore cũng như các nước châu Á khác lo ngại rằng, điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả ngoài dự đoán.

Cũng theo ông Lee, Singapore và các nước ASEAN không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Chuyến công du tới Singapore và Hàn Quốc cũng sẽ là lần ra nước ngoài đầu tiên của ông Dương kể từ khi ông gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hawaii hồi tháng 6. Một quan chức cấp cao Mỹ đánh giá, các cuộc thảo luận giữa ông Dương và Pompeo không quá thành công nếu nhìn vào mục đích của Bắc Kinh là ngăn cản Mỹ mở rộng áp lực lên Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ với Washington ngày càng xấu đi, giới chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các láng giềng châu Á.

"Trọng tâm chủ yếu trong chuyến công du châu Á của ông Dương sẽ là quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt sau cuộc gặp gỡ tại Hawaii với [Ngoại trưởng] Pompeo – mà chính ông Pompeo cho là không thành công", học giả của Đại học Đại dương Trung Quốc là Pang Zhongying phân tích. "Trung Quốc cần ổn định quan hệ với các nước châu Á trước kỳ bầu cử Mỹ".

"Không có nhiều quốc gia tại châu Á mà Trung Quốc có thể coi là bạn bè hoặc có thể ủng hộ cho Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện tại", ông Pang chỉ ra, đồng thời viện dẫn tới những quan hệ "phức tạp" giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Nhật Bản.

"Singapore từ lâu đã đóng một vai trò điều hòa tích cực giữa Trung Quốc và Mỹ. [Thủ tướng] Lý Hiển Long gần đây đã lên tiếng khá nhiều và ý kiến của ông ấy về quan hệ Mỹ-Trung nhận được nhiều sự chú ý tại Trung Quốc", chuyên gia về quan hệ quốc tế đánh giá. "Lời khuyên và các quan sát của ông ấy về những dấu hiệu từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ rất có giá trị cho Trung Quốc".

Liên quan tới Hàn Quốc, một mối quan hệ thắt chặt hơn với Seoul cũng giúp tạo ra những điều kiện cần thiết cho một bán đảo Triều Tiên ổn định, từ đó giúp quan hệ Mỹ-Trung giảm căng thẳng bởi vì giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên luôn là một ưu tiên cho chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Còn theo học giả Collin Koh từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Nanyang, Bắc Kinh cần phải nỗ lực để giành được sự ủng hộ trong khu vực.

"Tất nhiên, bối cảnh và một yếu tố động cơ chủ chốt sẽ là những căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ. Đông Nam Á là một khu vực mà Bắc Kinh cần phải đảm bảo họ được coi là một láng giềng tốt trong tình hình hiện tại", ông Koh cho hay.

"Nói cách khác, trong khi Mỹ, và ở một mức độ khác là cả Nhật Bản, đều đang vươn rộng [ảnh hưởng] ra Đông Nam Á, Bắc Kinh nhận định được rằng, sẽ rất cần thiết phải triển khai một chiến dịch lôi kéo nhằm duy trì được những lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của mình trong khu vực", chuyên gia đang sống và làm việc tại Singapore kết luận.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ