• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ nguy cơ từ chiến thắng chiến lược của Nga trong thoả thuận hoà bình Armenia-Azerbaijan

Thế giới 22/11/2020 10:12

(Tổ Quốc) - Tờ Washington Post đăng tải, cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh hiện đã chấm dứt theo một thỏa thuận hòa bình do Moscow làm trung gian, tuy nhiên những chi phí của nó vẫn đang được các bên liên quan tính toán.

Bên cạnh những tổn thất to lớn về người và của, một vấn đề lớn nảy sinh là: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành một yếu tố trung gian chủ chốt trong cuộc xung đột kéo dài hơn 30 năm từ thời Liên Xô.

Sự hiện diện của lính gìn giữ hòa bình Nga đã tái khẳng định ảnh hưởng của Moscow trong khu vực. Nó cũng là một thế lực đối trọng với đối thủ địa chính trị của Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hiện là một đồng minh thân cận đồng thời là khách hàng lớn mua khí đốt và dầu mỏ từ Azerbaijan.

Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Azerbaijan được minh chứng là mang tính quyết định trong cuộc chiến giữa hai quốc gia đều từng thuộc Liên Xô. Tuy nhiên, ông Putin đã thành công ngăn chặn tham vọng của Ankara gửi lính gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh. Thay vào đó, Thổ chỉ tham gia một phần trong một trung tâm giám sát cùng với Nga.

"Những gì Nga làm là hệ thống hóa các chiến thắng trên chiến trường", giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford – ông Michael McFaul nói. "Hiệp định này là một thắng lợi ngoại giao thực sự cho ông Putin và cho phép ông ấy đóng vai trò của người kiến tạo hòa bình. Đó chính là những gì ông Putin và những người xung quanh đã mơ ước trong suốt 20 năm qua".

Hé lộ nguy cơ từ chiến thắng chiến lược của Nga trong thỏa thuận hòa bình Armenia-Azerbaijan - Ảnh 1.

(ảnh minh hoạ: Washington Post)

Lệnh đình chiến có vững bền?

Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình mới vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản dẫn tới cuộc chiến từ những năm 1990: tình trạng của Nagorno-Karabakh. Giới phân tích e ngại, nếu không có một hiệp định hòa bình toàn diện, thỏa thuận ngừng bắn có thể sẽ không vững bền về lâu dài.

Sự hiện diện của Nga không còn xa lạ tại các vùng xung đột như tại Syria, đông Ukraine hay Libya. Tuy nhiên, mọi chuyện tại Nagorno-Karabakh lại khác biệt. Việc duy trì lính gìn giữ hòa bình trong nhiều năm là rất đắt đỏ và nhiều nguy cơ.

"Tôi khá do dự khi gọi đó là một thỏa thuận hòa bình", chuyên gia về khu vực Caucasus tại tổ chức tư vấn chính sách Chatham House – ông Laurence Broers cho hay. "Vấn đề Nagorno-Karabakh vốn có nguồn gốc nguyên thủy là tranh chấp giữa hai bên, thậm chí còn không được đề cập tới trong văn kiện. Vì vậy về cơ bản nó không phải là nền tảng cho một giải pháp lâu dài trong cuộc xung đột".

Quá trình hòa bình kéo dài nhiều thập kỷ sụp đổ vào tháng Chín vừa qua khi Azerbaijan, với sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, tìm cách lấy lại các vùng lãnh thổ bị mất do thất bại trước Armenia trong cuộc chiến năm 1988-94.

Thoả thuận ngày 10/11 đem lại những lợi ích về mặt quân sự cho Azerbaijan, bao gồm khoảng 40% lãnh thổ Nagorno-Karabakh và một số khu vực xung quanh. Armenia cũng phải rút quân khỏi khu vực lân cận. Cuối tuần trước, Tổng thống Azerbaijan là Aiham Aliyev tuyên bố, quân đội của Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát những vùng quan trọng từng bị Armenia nắm giữ.

An ninh của Nagorno-Karabakh chủ yếu dựa vào lực lượng gìn giữ hòa bình từ Nga. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một tương lai ổn định vì sau 5 năm cả Azerbaijan và Armenia đều có quyền phủ quyết lực lượng này.

Sự vắng mặt của Mỹ

Cuộc chiến kéo dài 6 tuần đã đảo ngược chiến thắng quân sự năm 1994 của Armenia trước Azerbaijan – và khiến Yerevan mất đi lợi thế trong bất kỳ cuộc thương lượng nào sắp tới với đối thủ về Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, Tổng thống Aliyev ca ngợi, hành động quân sự đã giúp Azerbaijan chiến thắng những gì mà thỏa thuận hòa bình do Nga, Mỹ và Pháp (Nhóm Minsk) khởi xướng từ năm 1992, vẫn chưa làm được.

Tuy nhiên, sự oán giận và thù hằn tại Armenia sẽ vẫn kéo dài trong nhiều năm tới và có lẽ sẽ trở thành một nguồn cơn khác đe dọa ổn định khu vực. Các phe phái đối lập tại Armenia đã đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Russia-24, Tổng thống Putin gọi đó là hành động "tự sát".

Theo nhà lãnh đạo Nga, tình hình Nagorno-Karabakh sẽ được giải quyết "nếu các quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan được khôi phục, bao gồm cả quan hệ giữa người dân ở cấp độ xã hội" – điều khó có thể xảy ra nếu không có các cuộc đàm phán hòa bình thường xuyên.

Tổng thống Aliyev đã kiên quyết phủ nhận việc trao quyền tự trị cho Nagorno-Karabakh, đồng thời đe dọa khả năng xảy ra xung đột trong tương lai. Armenia đối mặt với chi phí lớn nếu muốn tái xây dựng hạ tầng cơ sở tại Nagorno-Karabakh và gần như chắc chắn sẽ không thể theo kịp sức mạnh quân sự của Azerbaijan trong thời gian tới.

"Mục tiêu lâu dài cho Nga là duy trì ảnh hưởng tại cả Armenia và Azerbaijan", ông Broers từ Chatham House nhận định. Tuy nhiên, ông chỉ ra, Nga phải nỗ lực cân bằng quan hệ với cả hai bên nếu muốn ngăn ngừa xung đột, và rõ ràng đây là một công việc không hề dễ dàng.

Động thái ngoại giao quyết liệt và việc nhanh chóng triển khai quân đội của Nga, cũng đã loại hai nước còn lại trong Nhóm Minsk là Mỹ và Pháp "ra rìa".

"Điều khiên tôi ngạc nhiên là sự vắng mặt hoàn toàn của Nhóm Minsk, trong đó đáng nói nhất chính là việc Mỹ không có bất kỳ tiếng nói nào", ông McFaul nói.

"Nếu bạn nhìn vào Trung Á, Caucasus hay Belarus, Mỹ không có nhiều sự hiện diện tại những địa điểm này nhưng những gì chúng tôi đã có thì chính quyền Tổng thống Donald Trump lại chọn không sử dụng", chuyên gia từ Đại học Stanford bình luận thêm.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ