• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ tham vọng Mỹ vượt Nga tại Bắc cực và sự thật bất ngờ phía sau

Thế giới 14/10/2019 11:30

(Tổ Quốc) - Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại Bắc cực có thực sự căng thẳng như bên ngoài?

Băng tan chảy đang mở ra lối tiếp cận các nguồn năng lượng mới ở tốc độ nhanh hơn dự đoán – khiến nảy sinh một cuộc tranh đấu lớn giữa các cường quốc tại Bắc Kinh trong bối cảnh bản đồ chính trị và kinh tế toàn cầu không ngừng biến đổi. Đây chính là bức tranh được đưa trong cuộc họp Hội đồng Vòng Bắc cực vừa diễn ra vào cuối tuần trước ở Iceland. Sự kiện là diễn đàn thường niên lớn nhất, quy tụ các chính trị gia, nhà khoa học, chuyên gia môi trường… tham gia thảo luận về Bắc cực.

Kêu gọi "các quốc gia tự do" kháng cự lại những nỗ lực "đang tìm cách thống trị Bắc cực từ bên ngoài". Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry được cho là đang ám chỉ tới Trung Quốc – nước châu Á vẫn tự gọi mình là một cường quốc "gần Bắc cực". Phát biểu tại phiên mở đầu hội nghị hôm thứ năm (10/10), ông Perry cũng cảnh báo các nước đang cố gắng thực thi mục tiêu trên thông qua việc bán dầu – một đề cập khác nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, lời kêu gọi đồng minh của Mỹ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn khi Bắc cực đang nổi lên như một điểm nóng địa chính trị đầy tiềm năng của thế kỷ 21.

Russian-Special-Forces-with-reindeer-sleds

(ảnh minh họa: getty)

Sau ông Perry, thị trường vùng Yamal-Nenets của Nga đã nói về sự hiện diện ngày càng gia tăng của quốc tế trong các khu khí đốt hóa lỏng (LNG) mới và đang được lên kế hoạch tại nơi ông sinh sống.

Từ năm 2016 – 2018, những khu khai thác tại Yamal-Nenets đã góp phần giúp thị phần của Nga trong thị trường LNG thế giới tăng từ 2% lên 8% và chưa dừng lại. Các nhà đầu tư đáng chú ý có Total SA của Pháp, CNOOC Ltd. và Tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Trung Quốc, Mitsui & Co. và Tập đoàn quốc gia dầu mỏ, khí đốt và kim loại của Nhật Bản…

Trong khi đó, Hàn Quốc đang đẩy mạnh đóng mới các siêu tàu phá băng để vận chuyển khí đốt với giá thành lên tới 300 triệu USD/chiếc. Những con tàu này chỉ có thể đi tới châu Á nếu tuyến đường biển Lộ trình Biển Bắc của Nga không bị nhiều băng che phủ. Trong năm nay, lộ trình này về cơ bản đã được thông vào tháng 8 và tàu bè vẫn đang di chuyển qua đây ngay trong tháng 10.

Cũng tại hội nghị, các đại diện từ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã giới thiệu về mối quan hệ hợp tác ba bên giữa họ tại Bắc cực với Nhật Bản. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Á.

Khi được hỏi, liệu Bắc Kinh có từ bỏ việc miêu tả mình là một quốc gia gần Bắc cực sau những phản đối của Mỹ, ông Gao Feng, đại diện đặc biệt trong vấn đề Bắc cực tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, câu trả lời là "không".

"Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một bản đồ kinh tế, kinh doanh và chính trị mới", cựu Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson, một trong những người thành lập Hội đồng Vòng Bắc cực nhận định trước thềm hội nghị. "Những gì đang xảy ra ở hiện tại, đầu tiên là sự trỗi dậy của châu Á với vai trò dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ 21; và thứ hai, sự khai phá Bắc cực kết hợp cùng các công nghệ mới đang tạo ra lối tiếp cận tới các nguồn cung dầu mỏ và khí đốt ngày càng nhiều".

Còn ông Henry Tillman, người đang điều hành ngân hàng đầu tư Grisons Peak LLP và Viện nghiên cứu đầu tư Trung Quốc gọi quá trình hình thành trật tự thế giới mới là "mở đường cho Con đường Tơ lụa Địa cực".

Con đường Tơ lụa Địa cực là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, với mục tiêu nhằm cắt giảm chi phí hậu cần thương mại. Theo ông Tillman, Lộ trình Biển Bắc không chỉ ngắn hơn nhiều so với các tuyến đường vận chuyển năng lượng hiện tại tới châu Á thông qua Ấn Độ Dương và Kênh đào Suez, nó còn giúp giảm thiểu nguy cơ chính trị. Ví dụ như, sẽ không xảy ra trường hợp như Eo biển Hormuz tại Vùng Vịnh nơi căng thẳng liên quan tới Iran liên tục leo thang trong thời gian gần đây.

Mỹ không giấu giếm tham vọng trở thành một trong những nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Họ dự kiến sẽ sản xuất khoảng 100 triệu tấn LNG vào năm 2024. Mặc dù vượt xa so với mức 63 triệu tấn của Nga, nhưng Mỹ có thể phải đối mặt với mức chi phí chiết xuất và vận chuyển cao hơn khi xuất khẩu tới các thị trường như châu Á và châu Âu.

Cựu Tổng thống Grimsson giải thích đây là lý do tại sao Mỹ thể hiện một lập trường cứng rắn đối với đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga tới châu Âu, cũng như trước các hoạt động của Nga và Trung Quốc tại Bắc cực.

Tuy nhiên, ông Shawn Bennett, một trợ lý Thứ trưởng Bộ năng lượng Mỹ cho hay, Mỹ không quan tâm tới cạnh tranh. Theo ông, dự đoán tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên tại Ấn Độ và các nước châu Á khác rất cao, và đòi hỏi đa dạng hóa nguồn cung tại châu Âu cũng rất cấp thiết. "Nhu cầu toàn cầu đối với LNG sẽ chỉ tăng mà thôi", ông Bennett nói với hãng tin Bloomberg.

Washington có thể thực thi những biện pháp đối phó cụ thể. Hôm 30/9, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng từng phạt lên một tập đoàn vận chuyển biển của Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho Iran. Động thái này ngay lập tức ảnh hưởng tới các lộ trình di chuyển tàu chở LNG trong dự án Yamal vì tập đoàn Trung Quốc có cổ phần trong một công ty vận chuyển có liên quan.

Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên gia, hầu hết các thảo luận địa chính trị về Bắc cực đều không quá nghiêm trọng. Năm ngoái, chỉ khoảng 29 triệu tấn hàng được vận chuyển qua tuyến Lộ trình Biển Bắc của Nga; trong khi Kênh Suez tiếp nhận khoảng 1 tỷ tấn hàng.

Bà Janne Valkonen, một chuyên gia từ tập đoàn đánh giá rủi ro hải dương DNV GL cho hay, vấn đề băng tan cũng khó dự đoán và gây ra các nguy cơ cho tàu chở hàng.

"Cãi cọ, chạy đua, tranh giành – hãy dừng sử dụng những thuật ngữ đó", bà Liv Monica Stubholt, một luật sư người Na Uy chuyên về Bắc cực nói. "Hiện không có tranh chấp gì tại Bắc cực. Vấn đề lớn nhất cho các khách hàng của tôi là thu hút đầu tư".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ