• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hiệu trưởng trường có cây bật gốc đè học sinh tử vong: Vẫn còn ám ảnh câu nói “em học sinh đã mất rồi”

Thời sự 27/05/2020 11:51

(Tổ Quốc) - Sáng 27/5, ông Nguyễn Vạn Phúc đến trường làm việc như mọi ngày. Nhưng tâm trạng của người hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) thật khác vì có những nỗi buồn, nỗi đau không thể diễn tả thành lời.

Khoảnh khắc đáng sợ

6 giờ 22 phút sáng 26/5, ông Phúc đang làm việc trong phòng hiệu trưởng. Một tiếng "rầm" vang rền đổ xuống nền sân trường, kèm theo những tiếng la hét thất thanh của học sinh. Ông Phúc lật đật chạy ra cửa. Một cảnh tượng kinh hoàng trước mặt. Một trong hai cây phượng vĩ của trường đã bật gốc ngã xuống sân, đè cả đám học sinh đang ngồi dưới gốc cây ăn sáng.

Ông Phúc tức tốc gọi bảo vệ, giáo viên, phụ huynh đang chở con đến trường. Tiếng gọi khản cả giọng của ông khiến tất cả ùa vào xúm lại lật từng nhánh cây, khuân từng thân cây đang đè học sinh.

Hiệu trưởng trường học có cây bật gốc đè học sinh tử vong: Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm - Ảnh 1.

Cây phượng vĩ còn lại trong trường sẽ được chặt trong thời gian tới (Ảnh: N.X.P)

"Tôi không nhớ rõ hết khoảnh khắc lúc ấy. Chỉ biết đó là khoảnh khắc đáng sợ. Những em học sinh quá bé nhỏ nằm dưới những thân cây to, những tán cây rộng lớn. Có tất cả 18 học sinh, cả nam và nữ lần lượt được bế ra. Có học sinh nói "con đau quá", có học sinh khóc, có học sinh bảo "con chỉ đau nhẹ thôi, con không sao". Tôi vội gọi xe cứu thương để có thể cấp cứu, chăm sóc các học sinh kịp thời".

Ông Phúc nhớ lại.

Ám ảnh câu nói "em học sinh đã mất rồi"

Những chuyến xe cấp cứu chở học sinh đến các bệnh viện Sài Gòn Ito, Nhi Đồng 2, An Sinh. Đứng cạnh đống cây đổ nát giữa trường, ông Phúc chỉ mong tất cả học sinh sẽ đều ổn.

Cùng lúc, hàng trăm cuộc gọi đến điện thoại ông tới tấp, liên tục, để hỏi về vụ cây phượng vĩ bật gốc, về tình trạng sức khỏe học sinh... khiến ông Phúc rối bời.

Một tiếng sau, cuộc gọi từ đơn vị cấp cứu thông báo với ông Phúc, nạn nhân N.T.K đã không qua khỏi, "em học sinh đã mất rồi". K chấn thương sọ não, dập nát chân, chèn ép ngực bụng... Dù các y bác sĩ đã cố gắng hồi sức tim phổi, thuốc vận mạch, đặt nội khí quản… nhưng vô vọng.

"Thông tin ấy bóp nghẹt tim tôi, thông tin ấy khiến tôi sốc. Sốc vì mất mát ấy quá lớn. Sốc vì cách đó chưa đầy một tiếng đồng hồ, khi giáo viên đưa nước uống, hỏi thăm tình trạng trong lúc chờ cứu thương, K là một trong những học sinh tỉnh táo, chỉ nói "con mệt quá" và muốn được nằm nghỉ. Tôi không nghĩ K mất. Đó là hung tin khiến tôi muốn ngã quỵ. Nó đau vô cùng. Đến giờ này, tôi vẫn còn ám ảnh giây phút biết tin K tử vong".


Nỗi đau lớn nhất

Ông cho biết cây phượng vĩ bật gốc được trồng được 24 năm. Hằng năm, trường đều thuê Công ty cây xanh đến mé nhánh, chăm sóc cây. Mới đây, trường cũng thay đất, chăm sóc và mé nhánh cây không an toàn.

"Nhưng mọi điều không thể đoán định được. Những tai ương bất ngờ đã ập đến. Đó là tai nạn bất ngờ. Cây bật gốc và đè học sinh. Một em đã không qua khỏi. Lúc này đừng quy trách nhiệm về đơn vị nào cả. Cây phượng vĩ trong khuôn viên của trường THCS Bạch Đằng, tôi là hiệu trưởng, đứng đầu trường nên tôi sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Phúc chia sẻ.

Ông Nguyễn Vạn Phúc
Tôi là hiệu trưởng, đứng đầu trường nên tôi sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ông Phúc có lẽ là một trong những hiệu trưởng có thâm niên nhất ở TP.HCM. Trước khi về nhận nhiệm vụ ở trường THCS Bạch Đằng, ông Phúc là hiệu trưởng lâu năm ở trường THCS Kiến Thiết (Q.3).

Ông Phúc kể: "Hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục, tôi trải qua đủ cả những buồn vui. Nhưng câu chuyện của ngày hôm qua, là nỗi đau lớn nhất".

Sáng nay ông Phúc đến trường làm việc, điều hành công tác giảng dạy của giáo viên như mọi khi. Vẫn ngôi trường đã gắn bó với ông đã 3 năm, vẫn hình ảnh những học sinh quen thuộc... Nhưng ông Phúc thấy có những nỗi buồn, nỗi đau không thể diễn tả hết được. Vì mới hôm qua, tại ngôi trường này, cây phượng vĩ đã bật gốc đè học sinh, trong đó có một học sinh tử vong.

"Việc giảng dạy vẫn diễn ra và cơ bản đã ổn định. Tôi yêu cầu, đốc thúc giáo viên trong trường liên tục động viên, sốc lại tinh thần, tư vấn tâm lý cho học sinh để vượt qua những lo âu sợ hãi, nhất là với học sinh lớp 6/8, lớp có 18 nạn nhân trong vụ bị cây đè.

Hiện, những học sinh bị xây xát, chấn thương nhẹ đã đi học trở lại. Những học sinh nặng hơn còn tiếp tục điều trị. Mong sao các em ấy nhanh chóng hồi phục", ông Phúc nói.

Qua tai nạn bất ngờ xảy ra ở trường mà ông là người đứng đầu, ông Phúc cho rằng đó là bài học kinh nghiệm cho các trường khác.

"Phải công tâm mà nói một điều, là chúng tôi, những giáo viên, không có chuyên môn về cây cối. Rất cần sự tư vấn của những người có chuyên môn về vấn đề chăm sóc, bảo dưỡng cây. Dẫu vậy, tôi đã thấy mình có lỗi trong vụ việc vừa xảy ra khi sai sót, không kiểm tra, điều nghiên kỹ những tình huống có thể xảy ra, dẫn đến việc cây bị bật gốc.

Trường cũng đang làm văn bản gởi các cơ quan chức năng để chặt cây phượng vĩ còn lại, nhằm tránh lặp lại tai nạn tương tự sáng hôm qua 26/5", ông Phúc cho biết.

Nguyễn Xuân Phương

NỔI BẬT TRANG CHỦ