Hiệu ứng Mandela "tưởng là có": Hiện tượng kì bí khi kí ức của con người khác hẳn với thực tế

Minh Châu | 02-07-2020 - 12:44 PM

(Tổ Quốc) - Có bao giờ bạn và một số người khác cùng nhớ một chi tiết như nhau, nhưng khi tìm hiểu thì lại thấy nó không tồn tại hoặc trái ngược hoàn toàn với thực tế? Hiệu ứng Mandela được coi là một bí ẩn với hàng loạt giả thuyết cực kì thú vị.

Nguồn gốc tên gọi

Hiệu ứng Mandela có một cái tên chính thức trong khoa học là (Collective) False Memory – kí ức sai (tập thể), tuy nhiên tên gọi hiện tại được phổ biến hóa sau sự kiện liên quan tới cựu tổng thống Châu Phi Nelson Mandela. Năm 2013 khi cựu tổng thống qua đời, rất nhiều người đã bất ngờ vì họ có kí ức Mandela đã mất vào… những năm 1980 rồi. Rất nhiều người còn kí ức về thời sự thông báo về sự việc, kể cả một bài phát biểu từ vợ của cựu tổng thống. Fiona Broome là một trong những người có kí ức “sai” và đã đặt tên cho hiện tượng kì bí này sau khi phát hiện không chỉ riêng cô ghi nhớ những sự kiện không có thật đó.

Hiệu ứng Mandela tưởng là có: Hiện tượng kì bí khi kí ức của con người khác hẳn với thực tế - Ảnh 1.

Nelson Mandela và bí ẩn về ngày mất của ông

Nhiều chuyên gia cho rằng tập thể những người có kí ức sai về ngày mất của Nelson Mandela chỉ là nhầm lẫn, tuy nhiên sau đó một đoạn văn từ cuốn sách English Alive của một trường cấp ba ở Nam Phi được viết năm 1991 đã làm tăng thêm sự bí ẩn của hiệu ứng này. Đoạn văn kể về sự hỗn loạn trong xã hội sau khi “Nelson Mandela mất vào ngày 23 tháng 7 năm 1991”. Sau đó, các diễn đàn đã được thành lập để tìm kiếm những “Hiệu ứng Mandela” khác trong trí nhớ của họ.

Những ví dụ khác về Hiệu ứng Mandela

Một bộ phim hoạt hình nổi tiếng về gia đình những chú gấu cũng trở thành một ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng này. Những người lớn đã coi bộ hoạt hình này vào thời thơ ấu đã nhớ tên gọi chương trình là “Berenstein Bears” – Những chú gấu Berenstein. Tuy nhiên khi họ tìm lại hình ảnh chương trình trên mạng thì tên gọi lại là “Berenstain Bears”. Sự khác biệt giữa chữ E và A có thể được coi là nhỏ nhặt, nhưng rất nhiều người quả quyết là chữ E trong trí nhớ của họ và rất bất ngờ khi thấy chữ A. Một số bằng chứng cũng được đưa ra giống trường hợp về Nelson Mandela khi có người tìm được một cuộn băng cũ của bộ phim hoạt hình này dưới cái tên Berenstein Bears.

Hiệu ứng Mandela tưởng là có: Hiện tượng kì bí khi kí ức của con người khác hẳn với thực tế - Ảnh 2.

Là chữ E hay chữ A? Cuộc đối thoại về tên gọi này ở Mỹ rất sôi nổi.

Trích đoạn phù thủy gọi gương thần trong Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn (Nguồn: Youtube)

Trích đoạn phù thủy gọi gương thần trong Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn có một câu nói trở nên phổ biến được dịch tiếng Việt là “Gương kia ngự ở trên tường, thế gian ai đẹp được dường như ta”. Rất nhiều người nhớ câu nói tiếng Anh là “Mirror Mirror on the Wall, Who’s the Fairest of Them All”, nhưng trên thực tế câu nói lại là “Magic Mirror on the Wall, Who’s the Fairest One of All”. Điều này rất kì lạ vì rất nhiều bộ phim và bài hát đã sử dụng câu nói “Mirror Mirror on the Wall” với cảm hứng từ Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn, điển hình như bài hát Mirror Mirror của nhóm nhạc M2M hay bộ phim Mirror Mirror năm 2012 về Bạch Tuyết. Theo trí nhớ của bạn thì như thế nào?

Những ví dụ khác:

Hiệu ứng Mandela tưởng là có: Hiện tượng kì bí khi kí ức của con người khác hẳn với thực tế - Ảnh 4.

Rất nhiều người nhớ bộ phim hoạt hình với chữ “Toons” trong Cartoon, nhưng thực tế lại là “Tunes”

Hiệu ứng Mandela tưởng là có: Hiện tượng kì bí khi kí ức của con người khác hẳn với thực tế - Ảnh 5.

Chú khỉ tinh nghịch George được nhớ là có đuôi, khác với những video hiện tại trên mạng là không đuôi, tuy nhiên lại có một trò chơi “gắn đuôi” cho chú khỉ này cũng rất phổ biến.

Hiệu ứng Mandela tưởng là có: Hiện tượng kì bí khi kí ức của con người khác hẳn với thực tế - Ảnh 6.

Đuôi của Pikachu có màu đen hay không? Trên thực tế là không nhưng nhiều người nhớ là có.

Hiệu ứng Mandela tưởng là có: Hiện tượng kì bí khi kí ức của con người khác hẳn với thực tế - Ảnh 7.

Bộ phim “Chuyện ấy là chuyện nhỏ” với cái tên tiếng Anh “Sex and the City” cũng gây ra bối rối khi có những bài báo, video trao giải và quà lưu niệm gọi tên bộ phim là “Sex in the City”.

Những giả thuyết cho hiện tượng kì bí này

Một giải thích khoa học bởi các nhà tâm lý học đó là não bộ chúng ta khi thông tin quá tải, chúng sẽ “đơn giản hóa” cách ghi nhớ của chúng ta và làm kí ức bị sai lệch với thực tế. Ví dụ về trường hợp bộ phim hoạt hình về những chú gấu, có người cho rằng kí ức sai về tên “Berenstein Bears” là do sư phổ biến của những cái tên khác kết thúc bằng “stein” như Einstein hay quái vật Frankenstein. Tuy nhiên với những trường hợp có bằng chứng về hiệu ứng Mandela thì cách giải thích này không đủ thỏa mãn với những người tin vào hiện tượng này.

Những giả thuyết thú vị hơn đó là “đa vũ trụ” hoặc thuyết du hành xuyên thời gian. Cả hai giả thuyết này giờ đây đã rất trở nên phổ biến sau những bộ phim hành động và siêu anh hùng những năm gần đây. Với thuyết đa vũ trụ, nhiều người cho rằng những người có kí ức khác đơn giản là do họ… đến từ vũ trụ khác. Giả thuyết cho rằng có thể trong vũ trụ của họ, Nelson Mandela thực sự mất vào những năm 1980-1990, nhưng vào một thời điểm nào đó vũ trụ của họ được gộp lại với vũ trụ hiện tại của chúng ta và những kí ức của họ trở thành sai lệch với thực tế này. 

Nhiều người cho rằng hiệu ứng Mandela có thể liên quan tới hiệu ứng bươm bướm – Butterfly Effect trong du hành thời gian, tức là nếu bạn trở về quá khứ và thay đổi 1 điều thì sẽ dẫn tới thay đổi diện rộng. Giả thuyết cho rằng có thể trong tương lai khi du hành thời gian trở thành hiện thực, ai đó đã trở về quá khứ và thay đổi điều gì và theo hiệu ứng bươm bướm làm vô số điều khác thay đổi theo, và hiệu ứng Mandela là những người nhớ được bản gốc trước khi bị thay đổi.

Bạn có kí ức gì mà bạn bất ngờ khi biết rằng nó khác với thực tế không? Hãy hỏi thử những người xung quanh xem họ có ghi nhớ điều đó giống bạn không vì bạn có thể là một trong những người trải nghiệm hiệu ứng Mandela rồi đấy.

Tham khảo: Vox.com

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM