• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hỗ trợ đại dịch Covid-19 - không bỏ sót một ai

Thời sự 06/04/2020 16:29

(Tổ Quốc) - Sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ theo chính sách do dịch Covid-19 gây ra đã bao phủ gần hết những người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên cũng cần rà soát kỹ tới các đối tượng người lao động tự do tự do bị mất việc… để không bỏ sót một ai.

Hỗ trợ  đại dịch Covid-19 - không bỏ sót một ai - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội

 PV: Thưa ông,  Chính phủ vừa có dự thảo Nghị quyết để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ông nhận xét thế nào về các nhóm đối tượng được hỗ trợ nêu trong dự thảo?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi đánh giá cao chủ trương của Chính phủ đối với "gói hỗ trợ chưa hề có tiền lệ"  cho người dân gặp khó khăn trong thời khắc đặc biệt do bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19. 

Về cơ bản các nhóm đối tượng được nêu trong chính sách đã bao phủ toàn diện người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Chính phủ cũng đã nhấn mạnh nguyên tắc: Chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra. Trước mắt thời gian hỗ trợ 3 tháng là phù hợp. Nếu dịch bệnh diễn biến xấu hơn chắc chắn Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể sau.

Tuy nhiên, thiết nghĩ chúng ta cần tập trung hỗ trợ cho đối tượng là doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm dẫn đến thất nghiệp hoặc thiếu việc làm cục bộ, phải làm việc luân phiên. Vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động cùng gia đình họ. Còn doanh nghiệp bị tác động sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi vốn, khấu hào tài sản, trả lương và các khoản đóng góp cho ngân sách Nhà nước...

PV: Hiện đã có rất nhiều lao động đã phải nghỉ việc không lương, còn chủ doanh nghiệp thì gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Vậy những đối tượng này sẽ được hỗ trợ như thế nào,  thưa ông? 

Ông Bùi Sỹ Lợi: Ngoài  chính sách hỗ trợ theo chính sách trên (dự kiến  khoảng 5.400 tỷ đồng),  Chính phủ còn có 02 chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn lúc này. Cụ thể:

Thứ nhất, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng đóng này khoảng 6.500 tỷ đồng.

Thứ hai, cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng. 

Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng. Mức vay tối đa  50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động). 

Như vậy, với các đối tượng xin nghỉ không lương mà thực chất là cho hay buộc nghỉ không lương đã thuộc vào diện hỗ trợ theo Nghị quyết này rồi.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, một số lao động phi chính thức như: bán hàng rong, gom nhặt phế liệu, người lao động tự do tự do bị mất việc… có thể bị bỏ sót trong chính sách. Theo ông, làm thế nào để họ tiếp cận được gói hỗ trợ an sinh này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đối tượng lao động phi chính thức như: hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, khoảng 760 ngàn hộ; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến khoảng 5 triệu lao động), được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Như vậy, có thể còn một bộ phận người lao động trong tổng số khoảng 20 triệu lao động ở khu vực phi chính thức nếu không thuộc 2 nhóm đối tượng trên, hoặc nhóm hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công có thể bị bỏ sót. Cho nên cần tiếp tục rà soát nếu có khó khăn cũng cần  hỗ trợ cho họ để bảo đảm an sinh xã hội. Và chúng ta hoàn toàn có thể xã hội hóa việc hỗ trợ trong những trường hợp như thế này.

Thực tế đã xuất hiện hình ảnh các chủ sử dụng lao động, chủ hộ kinh doanh, chủ cơ sở bán vé số, người dân bình thường… bằng nhiều hình thức khác nhau đã có những chia sẻ, đóng góp hỗ trợ đầy nghĩa tình cho người lao động vượt qua khó khăn tạm thời trước mắt này. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã tồn tại và phát huy từ ngàn đời nay và ngày càng thấm đượm tinh thần "không để ại bị bỏ lại phía sau".

PV: Vậy để chính sách này thực hiện có hiệu quả, đến đúng  các đối tượng được thụ hưởng chúng ta nên làm như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, các ngành, các cấp, các địa phương phải kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; thống kê, tổng hợp công khai minh bạch. Đặc biệt, phải tổng hợp đúng đối tượng, tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót. 

Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội. 

Đây là chính sách thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước lúc khó khăn vì vậy, phải bảo đảm đúng nguyên tắc công bằng, hiệu quả, đúng đối tượng bảo đảm ổn định xã hội. Tuy nhiên, phải tăng cương công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các trương hợp vi phạm. 

Chúng ta cũng rất hy vọng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn dân đồng lòng chung sức thực hiện phòng chống dịch một cách nghiêm túc, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, dich Covid 19 sẽ sớm được dập tắt.

Sáu nhóm đối tượng hưởng chính sách:

1. Các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng .

2. Các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia theo danh sách đến ngày 31/12/2019.

3. Các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp

4. Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng…

5. Các đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm .

Lý Hà thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ