• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hoàng Tích Linh: Cả một đời lặm lụi với Kịch

Văn hoá 17/09/2019 07:15

(Tổ Quốc)- Khi chạm ngõ văn chương nghệ thuật, Hoàng Tích Linh may mắn được gặp gỡ những nhà văn, nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng, như: Kim Lân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Trần Hoạt, Lộng Chương, Xuân Trình… Cuộc gặp gỡ này đã tác động đến ông sâu sắc, bền bỉ.

Gia đình, quê hương - nơi vịn bám thiêng liêng

Hoàng Tích Linh (Hội Vũ) sinh ngày 18/9/1919 trong gia đình Nho học yêu nước tại làng Chợ Giầu (tên Nôm) - Phù Lưu (tên chữ), phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Mảnh đất này là nơi khởi đầu con sông Tiêu Tương – con sông gắn với huyền thoại Trương Chi - Mỵ Nương nổi tiếng của vùng Kinh Bắc. Ông mất ngày 26/01/1990 tại Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi.

Thân phụ là cử nhân Hoàng Tích Phụng (1862-1940) học rộng tài cao, thông thạo Hán học, giỏi tiếng Pháp, sống thanh bạch đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Trường, cụ học Trường Hậu bổ và ra làm Tri phủ. Cụ sống giản dị, thương cảm số phận nhân dân, nên đi đến đâu cụ cũng được người dân nể trọng, quý mến. Quan phủ Hoàng Tích Phụng từ quan về làng, giữ cương vị Chánh hội và dạy học. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Khoan là người con gái Kinh Bắc đẹp người, đẹp nết, tảo tần, đảm đang, cả một đời cúc cung tận tụy cho chồng con sự nghiệp hiển vinh.

HTLinh

Chân dung nhà viết kịch Hoàng Tích Linh

Sự thành danh của con cháu đã đáp đền công lao dưỡng dục của dòng họ để trở thành những trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu cho đất nước, như: nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, bác sĩ ngoại khoa cao cấp Hoàng Tích Tộ. Đặc biệt, hai anh em: Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Chỉ đều vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Hoàng Tích Linh luôn tự hào về truyền thống văn hiến của quê hương Chợ Giầu - Phù Lưu (một trong sáu làng ở Kinh Bắc có chữ Phù mở đầu: Phù Ninh, Phù Khê, Phù Đổng, Phù Chẩn, Phù Dực). Làng có Văn Chỉ gọi là Hương Hiền Từ thờ các bậc khoa bảng, đỗ đạt. Phù Lưu vì thế đã mang sứ mệnh lịch sử của vùng đất địa linh sinh ra những nhân kiệt ưu tú cho đất nước, như: nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng; anh em Hoàng Tích Chu, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Chỉ; dịch giả Thúy Toàn, nhạc sỹ Hồ Bắc, NSND Nguyễn Đăng Bảy; chị em họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương...

Phù Lưu - Chợ Giầu nơi ít ruộng đất nên buôn bán trở thành nghề chính. Nói như dịch giả Thúy Toàn người con làng Phù Lưu thì "Ruộng đất làng Giầu vốn ít nay biến thành thổ cư. Làng đã thành phố rồi…". Nhưng vẫn còn đó con đường lát đá xanh trong truyện ngắn "Làng" của nhà văn Kim Lân – một người con của Chợ Giầu "Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...".

Giochuyenmua

Bìa sách "Gió chuyển mùa" - Nhà xuất bản Sân khấu Hà Nội 1997

Là con nhà Nho, anh chị em Hoàng Tích Linh được gia đình quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Làm Tri phủ ở đâu, cha đều mang các con đi theo ăn học chu đáo. Ông theo anh Hoàng Tích Chu về Hà Nội học. Anh trai Hoàng Tích Chu mất sớm ông lại trở về làng học Tiểu học sơ lược và rồi lại lên Hà Nội học tiếp Thành chung. Ước mơ học Ban Tú tài không thực hiện được vì hoàn cảnh gia đình khi đó rất khó khăn. Ông trở về quê tự học. Năm 1940, ông được cấp Chứng chỉ Diplom.

Quê hương, dòng họ giàu truyền thống văn hóa, gia đình là điểm tựa vững chãi, ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp văn chương của ông và đồng thời là nguồn sức mạnh lớn giúp ông vững vàng, vượt qua những thách thức trong đường đời. Hoàng Tích Linh được truyền cảm hứng nghệ thuật từ gia đình Nho học, hai người anh trai: nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sĩ Hoàng Tích Chu và người em Hoàng Tích Chỉ.

Con đường văn chương nghệ thuật

Khi chạm ngõ văn chương nghệ thuật, Hoàng Tích Linh may mắn được gặp gỡ những nhà văn, nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng, như: Kim Lân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Trần Hoạt, Lộng Chương, Xuân Trình… Cuộc gặp gỡ này đã tác động đến ông sâu sắc, bền bỉ.

Từ những năm 40 của thế kỷ XX, không khí lịch sử đất nước trước Cách mạng tháng 8 - 1945, đặc biệt văn chương nghệ thuật đã tác động trực tiếp đến làng quê, gia đình và bản thân Hoàng Tích Linh. Người Phù Lưu yêu nước, anh dũng, trung kiên, sớm giác ngộ cách mạng. Chỉ sau 3 năm Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, làng Phù Lưu – Chợ Giầu đã thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia Việt Minh trong kịch tuyên truyền kháng chiến. Em trai Hoàng Tích Chỉ mới 14 tuổi đã trở thành trinh sát của Ty Liêm phóng Bắc Ninh và 2 năm sau trở thành Đội trưởng Đội điệp báo. Hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chí Minh 19-12-1946, Hoàng Tích Linh gia nhập Vệ quốc đoàn. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông có mặt trong Tổng đội Văn công Tổng cục Chính trị (ngày 1/10/1955 là Đoàn Kịch nói quân đội do nhà thơ Hoàng Cầm làm Đoàn trưởng; năm 2001, Đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Những kịch mục của Đoàn đã góp phần cổ vũ quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau Hiệp định Giơnevơ, Hoàng Tích Linh cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Năm 1955, ông làm việc ở Phòng Văn nghệ Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chuyển ngành, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, làm nhiều công việc khác cho đến lúc nghỉ hưu. Trước khi rời xa cõi tạm, ông vẫn một niềm thủy chung với sáng tác kịch bản. Dồn bao tâm huyết cho vở kịch cuối cùng "Em và bầu trời ánh sáng", nhưng rất tiếc Hoàng Tích Linh chưa kịp hoàn thành vở kịch đó…

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Hoàng Tích Linh đã được tiếp cận với Ban Kịch Hà Nội và đạo diễn Chu Ngọc. Từ đó, ông có điều kiện được tiếp xúc với văn nghệ. Hai anh em Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh đã tham gia hoạt động sân khấu cùng nhóm văn nhân Bắc Ninh, như: Trần Hoạt, Hoàng Cầm, Kim Lân... Sau khi vở "Bóng giai nhân" (Yến Lan) được diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) gây tiếng vang bởi diễn viên là các nhà thơ nổi tiếng: Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính… Hoàng Tích Linh cùng Hoàng Tích Chù, Hoàng Cầm, Kim Lân… mang vở kịch này về diễn ở đình làng Phù Lưu. Tháng 9/1945, nhóm văn nghệ sĩ Bắc Ninh (Hoàng Cầm, Hoàng Tích Chù, Kim Lân, Hoàng Tích Linh, Trần Hoạt, vợ chồng nhạc sĩ văn Chung, Tuyết Khanh, Trúc Lâm…) quyết định thành lập Ban kịch Đông Phương. Hoàng Tích Linh và Trần Hoạt đảm nhận vai trò đạo diễn. Nhóm kịch Bắc Ninh mượn kịch bản "Bóng giai nhân" dàn dựng, luyện tập trong hai ngày diễn cùng vở hài kịch "Cái tủ chè" của Vũ Trọng Can đã tạo nên một đêm sân khấu đặc sắc, ấn tượng. Nhà thơ Hoàng Cầm vào vai "tráng sĩ" trong "Bóng giai nhân" rất đạt. Vở "Bóng giai nhân" được Ban kịch diễn ở nhiều nơi từ Nhà hát Lớn Hà Nội, Hải Phòng đến nhiều thôn làng của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - nơi mà khói lửa của cuộc chiến tranh chưa bén tới". Tính đến giữa năm 1948, vở "Bóng giai nhân" đã diễn khoảng 60 buổi.

Ngay sau khi thành lập, Ban kịch Đông Phương đã lên ngay kế hoạch dựng vở "Kiều Loan". Đây là vở kịch thơ Hoàng Cầm viết cuối năm 1942 về số phận bi thương của nàng Kiều Loan thời cuối Tây Sơn đầu Nguyễn. Bao công phu chuẩn bị cho công diễn thì Nhật đảo chính Pháp, Hoàng Tích Linh lại trở về quê hương và tham gia Việt Minh. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông lại trở ra Hà Nội đạo diễn vở kịch thơ "Kiều Loan". Sức hấp dẫn và thu hút của "Kiều Loan" lúc đó rất lớn. Ban Kịch Đông Phương đã được giới văn nghệ Thủ đô chung tay, góp sức cho buổi công diễn thành công. Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bìa cho program quảng cáo. Hai nhà viết kịch Trúc Đường, Lưu Quang Thuận đảm nhận vai trò nhà báo viết tuyên truyền trước cho vở diễn. Nhà thơ Trần Huyền Trân - Trưởng Ban kịch Tháng Tám đã điều Tuyết Khanh đảm nhận vai chính Kiều Loan, Hoàng Cầm vai Hiệu Úy, Kim Lân vai ông già... Các họa sĩ Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đình Hàm, Hoàng Tích Chù, Hoàng Lập Ngôn…lo đảm nhiệm thiết kế sân khấu, phục trang, hóa trang. Sự động viên ban kịch tập luyện đã góp phần làm nên thành công. Vào Chủ nhật cuối tháng 11/1946, vở "Kiều Loan" đã ra mắt tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Hơn bốn tiếng đồng hồ, vở diễn đã hoàn toàn chinh phục khán giả Thủ đô. Song dự kiến diễn "Kiều Loan" 5 buổi thì chỉ diễn được một buổi vì tình hình chiến sự thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Dù chỉ sáng đèn sân khấu Thủ đô một buổi duy nhất, nhưng cùng với "Bắc Sơn" của Nguyễn Huy Tưởng (diễn ngày 6/4/1946 tại Nhà hát Lớn - Hà Nội), "Kiều Loan" là hai vở diễn đánh dấu sự ra đời của sân khấu cách mạng Việt Nam.

phu luuanhKienGiang

Đình cổ Phù Lưu được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI. Ảnh Kiên Giang

Hoàng Tích Linh là người có tinh thần học hỏi và đam mê viết. Gặp gỡ, giao lưu, nghiền ngẫm, đọc tác phẩm của các nhà văn Kim Lân, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Nguyễn Huy Tưởng… ông đã được truyền nguồn cảm hứng văn chương. Sau khi tích lũy kiến văn, lại được nhà văn Kim Lân khuyến khích, năm 1947, Hoàng Tích Linh bắt tay vào viết. Từ vở kịch đầu tiên "Tiếng đập cửa" nói về cuộc kháng chiến ở Hà Nội cho đến năm 1990 trở về cõi vĩnh hằng, ông đã viết gần 30 vở kịch nói (chưa kể vai trò đạo diễn). Đó là những vở kịch tiêu biểu, như: "Tiếng đập cửa" (1947), "Anh bộ đội cụ Hồ" (1952), "Luyện chắc tay súng" (1953), "Ánh sáng Hà Nội" (1955), "Cơm mới" (1956), "Vết sẹo" (1962), "Cô giáo Hồng" (1964), "Ô Quan Chưởng" (1975), "Gió chuyển mùa" (1980), "Trai gái làng hoa" (1984)…

Hiện thực cuộc sống, sự trải nghiệm cuộc sống, lịch sử đất nước đã cho ông nhiều chất liệu sáng tác. Những tác phẩm đó được đăng trên nhiều báo ở Hà Nội. Nhìn vào tác phẩm của ông, điều dễ nhận thấy là ông đã xác tín một nghề nghiệp để từ đó hình thành phong cách cho mình. Trước hết, hầu hết các vở kịch của ông đều bám sát thực tế cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống, nhịp bước cùng lịch sử dân tộc: phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (Tiếng đập cửa, Bên kia sống Đuống, Luyện chắc tay súng…); tái hiện cuộc Cách mạng tháng Tám (Ô Quan Chưởng); xây dựng hình tượng anh bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ cách mạng có vở (Anh bộ đội cụ Hồ, Ánh sáng Hà Nội, Ô Quan Chưởng…); đề tài xây dựng đời sống nông thôn (Gió chuyển mùa, Sân thượng, Trai gái làng hoa…).

Nhân vật trong tác phẩm của Hoàng Tích Linh đầy đủ các giai tầng xã hội. Các tuyến nhân vật được xây dựng rõ nét, nhất là tâm lý nhân vật. Ông gửi bao yêu thương xây dựng vẻ đẹp gần gũi, đời thường của các nhân vật: anh bộ đội Cụ Hồ, công nhân, thợ thuyền, nông dân… Nội dung kịch bản giàu kịch tính. Những xung đột kịch, mâu thuẫn nội tâm được ông khai thác khéo léo.

Những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, vở kịch "Ánh sáng Hà Nội" của Hoàng Tích Linh đã được Đoàn Kịch nói Quân đội dàn dựng, biểu diễn cùng với các vở kịch dài tiêu biểu, như: "Chị Nhàn", "Nổi gió" (Đào Hồng Cẩm, đạo diễn Thành Ngọc Căn) đã tạo nên sức hấp dẫn về kịch bản và diễn xuất về hình tượng người chiến sĩ cách mạng. Vở kịch "Ánh sáng Hà Nội" đề cập đến tinh thần yêu nước của công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội đã tham gia đấu tranh bảo vệ, giữ gìn máy móc, kiên quyết không cho chủ Pháp tháo gỡ máy khi địch thất bại rút khỏi Hà Nội và làm thất bại âm mưu của Pháp là không có ánh sáng điện trong ngày giải phóng Thủ đô. Vở kịch thăm thẳm một tình yêu Hà Nội của ông đã được nhận giải thưởng Văn nghệ 1954-1955 cùng với các tác phẩm: "Đất nước đứng lên" (Nguyên Ngọc), "Truyện Tây Bắc" (Tô Hoài), "Truyện anh Lục" (Nguyễn Huy Tưởng), "Con trâu" (Nguyễn Văn Bổng), kịch "Chị Hòa" (Học Phi), kịch "Chiến đấu trong lòng địch" (Lộng Chương); bút ký "Lên công trường" (Hồng Hà), "Gặp gỡ" (Bùi Hiển), "Cá bống mú" (Đoàn Giỏi)…

Ghi nhận những công lao đóng góp của trên cả hai lĩnh vực văn học và sân khấu, Hoàng Tích Linh trở thành hội viên "kép"của cả hai Hội: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông vinh dự cùng 277 nhà văn Bắc - Trung – Nam dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam; tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I...

Như bất kỳ văn nghệ sĩ với trách nhiệm cầm bút, Hoàng Tích Linh luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Những điều nung nấu tâm can, ông gửi vào những vở kịch ngắn. Năm 1979 đi trại viết về nông thôn, ông viết vở "Gió chuyển mùa" và được Nhà hát Kịch Hà Nội dựng. Được nghệ sĩ Dương Ngọc Đức giới thiệu tên Hoàng Tích Linh khiến ông rất cảm động. Chính niềm tin của đồng nghiệp đã cho ông điểm tựa vững vàng để sự nỗ lực được đền bù xứng đáng. Ông đã "cầm tay, chỉ việc" đóng góp cho Hà Nội một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đam mê sân khấu, có nhiều kịch mục nổi tiếng trong các kỳ hội diễn, như: Bác sĩ Vũ Dũng Minh viết vở kịch "Đôi mắt"; bác sĩ Trần Quán Anh viết vở "Tiền tuyến gọi"; nhà giáo Lê Nhị Hà viết vở "Người giám khảo cuối cùng"; kỹ sư địa chất Phương Văn viết kịch bản "Dải than chìm"... Đầu năm 1970, ông được Sở điều làm việc ở Nhà Nghệ thuật quần chúng làm công tác phong trào. Nhiệm vụ của ông một năm phải tổ chức 2 trại (nội, ngoại thành) và dàn dựng kịch mục cho cuối năm tổ chức hội diễn toàn thành phố. Lúc này, ông không có thời gian dành cho viết mà chủ yếu khơi dậy phong trào văn nghệ trong quần chúng, trong công nhân viên chức, lao động. Sở Văn hóa và Công đoàn Thủ đô đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng sân khấu (ở 77 Hàng Buồm, 19 Mã Mây, Hà Nội). Nhờ sự hướng dẫn của thầy Hoàng Tích Linh, một đội ngũ người viết nghiệp dư ra đời, phản ánh hiện thực của từng ngành làm phong phú cho sân khấu Thủ đô. Chính nhờ phong trào văn nghệ quần chúng đó, một số nhà biên kịch đã xuất hiện, như: Vũ Dũng Minh, Lê Nhị Hà, Trần Quán Anh, Phương Văn…

Mặc dù công việc hành chính choán hết thời gian, dẫu tốc độ viết chậm, nhưng Hoàng Tích Linh vẫn lặm lụi làm việc. Sáng tác kịch là niềm hạnh phúc với ông. Trăn trở với đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là Cách mạng tháng Tám, ông viết vở kịch 5 cảnh "Ô Quan Chưởng" trong suốt 5 năm (1970-1975). Ngày sau khi ra đời, vở "Ô Quang Chưởng" đã được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng. Hình tượng trung tâm của vở là Ô Quan Chưởng - một trong năm cửa ô của Thủ đô: Ô Cầu Giấy, Cầu Dền, Chợ Dừa, Ðống Mác và Quan Chưởng.

Hoàng Tích Linh luôn nghiêm túc, cầu thị và lao động không ngừng nghỉ. Năm 1980, ông nghỉ hưu. Sau một năm nghỉ ngơi, năm 1981, ông tiếp tục viết kịch bản sân khấu. Từ năm 1981 đến 1985, ông đã viết 4-5 vở kịch.

Cả một đời khắc khoải, đam mê viết dẫu phải đối mặt với muôn vàn thử thách thì "tằm vẫn nhả tơ". Chặng đường lao động suốt 40 năm từ tác phẩm đầu tay (năm 1947) cho đến trước khi mất (năm 1990), nhà viết kịch Hoàng Tích Linh đã lao động nghiêm túc, có trách nhiệm chỉ với niềm mong có sức khỏe để viết tiếp vở kịch "Em và bầu trời ánh sáng"; một niềm tha thiết với cuộc đời để bạn đọc thấy "nắng mai lên"...


PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ