Học cách trao niềm tin thông minh từ lời khuyên của cha đẻ cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt”

Vân Thảo | 21-11-2020 - 13:11 PM

(Tổ Quốc) - Theo Tiến sĩ Stephen Covey, trong một thế giới “khủng hoảng niềm tin” như hiện tại thì học cách trao niềm tin một cách khôn ngoan là điều cần thiết.

Trong cuốn Niềm tin thông minh, ông viết, niềm tin là thứ rất quan trọng giúp con người thành công. Bởi lẽ những gì chúng ta tin quan trọng hơn những gì chúng ta biết. Niềm tin thúc đẩy hành vi và hành động của mỗi người cho dù chúng đúng hay sai.

Những niềm tin mù quáng

Có lẽ bạn đã từng nghe câu chuyện về một người đàn ông đi thăm thành phố New York. Sau khi được cảnh báo về tình trạng trấn lột trên phố, ông rất lo lắng nhưng vẫn quyết định đi dạo phố phường. Dĩ nhiên là chưa đi được bao xa thì ông bị một người chạy bộ đâm sầm vào, và phát hiện ra cái ví của mình đã "không cánh mà bay".

Ngay lập tức, ông đuổi theo tên móc túi. Ông chộp cổ áo hắn, quăng quật người hắn dữ dội và hét lên: "Đưa cho tao cái ví kia!" Hết sức kinh hãi, người này ngay lập tức đưa lại cái ví. Và ngay sau khi ông buông tay, hắn quay người chạy biến.

Người đàn ông quay trở về khách sạn, cảm thấy bực mình khi có người bất lương muốn lấy cắp ví của mình nhưng tâm trạng cũng vui đôi chút vì ít ra bản thân đã được cảnh báo trước. Ông mở cửa phòng, và khi bước đến chiếc bàn nhỏ để bỏ chùm chìa khóa xuống, ông khựng lại trong hoảng hốt. Trên bàn là cái ví của ông, nó nằm tại nơi mà ông đã bỏ xuống vào buổi sáng.

Ông đã đánh cướp ví của người chạy bộ!

Học cách trao niềm tin thông minh theo lời khuyên của cha đẻ cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” - Ảnh 1.

Câu chuyện trên là một cảnh nổi tiếng trong vở kịch The Prisoner of Second Avenue của Neil Simon. Niềm tin của người đàn ông đã dẫn dắt hành động của ông ấy – cho dù niềm tin đó là sai lệch – và khiến ông vô tình trở thành chính thứ mà ông ấy e sợ: một tên móc túi thô bạo và trâng tráo.

Stephen Covey gọi việc mất niềm tin (hoài nghi) hay cả tin (ngây ngô) là những niềm tin mù quáng có thể đem lại kết quả không mong muốn. Vậy làm thế nào chúng ta có thể sống với niềm tin cao trong một thế giới niềm tin thấp mà không bị tổn thương?

Giải pháp của Stephen Covey là một lựa chọn tối ưu thứ ba – một cách nhìn nhận và ứng xử mới có tên "niềm tin thông minh".

Trong cuốn sách cùng tên, ông giải thích "niềm tin thông minh là cách mở rộng niềm tin một cách khôn ngoan trong một thế giới dường như đang bảo rằng bạn không nên tin vào người khác". Khi làm việc với những cá nhân, đội ngũ và tổ chức trên thế giới, ông thường thấy những ai chọn phong cách sống và lãnh đạo dựa trên nền tảng niềm tin lại là những người tận hưởng trọn vẹn nhất những lợi ích mà niềm tin đem lại.

Học cách trao niềm tin thông minh theo lời khuyên của cha đẻ cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” - Ảnh 2.

Học cách mở rộng niềm tin

Có lần, cô con gái nhỏ của Stephen Covey kể cho ông nghe về một câu chuyện cổ tích mang tên The Empty Pot. Chuyện kể rằng, có một vị hoàng đế muốn chọn người kế vị. Vì rất yêu hoa nên ông quyết định cho mỗi đứa trẻ trong vương quốc một ít hạt giống hoa, và bảo rằng ai trồng được những bông hoa đẹp nhất sau một năm sẽ được thừa kế ngai vàng.

Bọn trẻ rất hào hứng, nhưng Ping là đứa phấn khích nhất vì cậu rất yêu hoa và trồng hoa rất giỏi. Ping cho vào chậu loại đất tốt nhất và cẩn thận gieo hạt. Cậu tưới nước, chăm sóc và nhìn ngó cái chậu mỗi ngày, nhưng không một mầm non nào mọc lên. Cậu thử lại bằng một cái chậu lớn hơn, và vẫn không có gì xảy ra.

Khi tới ngày bọn trẻ phải mang chậu hoa của mình đến cho hoàng đế, Ping rất xấu hổ khi chậu hoa của những đứa trẻ khác ngập tràn những bông hoa đẹp, còn chậu của cậu thì trống không. Vị hoàng đế ngắm nhìn từng chậu hoa, không nói gì cho đến khi ông tiến đến chậu hoa của Ping. Ông nhìn Ping và hỏi tại sao cậu lại mang đến một chậu hoa trống không, Ping vừa khóc vừa giải thích lại tất cả những gì cậu đã làm để khiến những hạt giống nảy mầm, nhưng đều vô ích.

Vị hoàng đế mỉm cười nói: "Ta tìm thấy rồi! Đây là người xứng đáng kế vị ngai vàng của ta!"

Học cách trao niềm tin thông minh theo lời khuyên của cha đẻ cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” - Ảnh 3.

Sau đó, ông bảo với tất cả rằng những hạt giống ông trao năm trước đều đã được luộc chín nên chúng không thể nảy mầm mọc thành những bông hoa đẹp. Vì Ping là người trung thực khi mang đến một cái chậu trống không, nên cậu được trao tặng vương quốc và làm hoàng đế của toàn bộ xứ sở ấy.

Trong truyện, vị hoàng đế đã đưa ra bài kiểm tra dựa vào lòng trung thực và niềm tin. Ông tin rằng người làm hoàng đế phải là một người đáng tin cậy. Ông tin rằng bằng cách mở rộng niềm tin với Ping, ông sẽ có cơ hội tốt nhất để làm cho vương quốc tràn ngập sự thịnh vượng, năng lượng và niềm tin. Và niềm tin ấy đã dẫn lối cho hành động của ông.

TS. Stephen Covey nhận ra niềm tin là thứ rất quan trọng giúp con người đạt thành quả trong bất kỳ công việc nào. Dù vậy, tin tưởng cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro nhưng không tin cũng đem lại rủi ro. Do đó, ông khuyên mọi người nên tự trang bị cho mình một niềm tin thông minh.

Xuyên suốt hơn 300 trang sách là những câu chuyện thành công lẫn thất bại điển hình của các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới trong việc xây dựng văn hóa tin tưởng và lựa chọn niềm tin. Thông qua đó, tác giả đúc kết 5 hành động thiết yếu có khả năng biến đổi người quản lý trở thành nhà lãnh đạo có tâm và có tầm.

Cuộc sống luôn đầy rẫy các rủi ro và chúng ta không thể tránh khỏi chúng. Dù vậy, chúng ta có quyền lựa chọn tin tưởng vào chúng. Đây là sự lựa chọn cơ bản để từ đó mọi hành động niềm tin thông minh khác sẽ tuôn trào. Bằng cách này, chúng ta truyền cảm hứng cho chính mình để thực hiện những hành động cần thiết nhằm mở rộng niềm tin thông minh.

Tiến sĩ Stephen M. R. Covey là một trong 25 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất nước Mỹ, theo bình chọn của tạp chí Time. Ông cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách best-seller nổi tiếng thế giới như: 7 thói quen của người thành đạt, Lựa chọn tối ưu thứ 3, Tư duy tối ưu… giúp hàng triệu người giải quyết các vấn đề cuộc sống thông qua những tư duy mới và hiệu quả.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM