• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Học phí” sang “giá dịch vụ”: Làm gì để tránh nhầm lẫn như “thu giá BOT”?

Thời sự 31/05/2018 09:04

(Tổ Quốc) - Để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm “thu giá BOT”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết cần giữ nguyên tên gọi là học phí, tuy nhiên việc thu này cần trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo chứ không phải dựa trên Luật phí và lệ phí.

Thảo luận về việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” trong dự thảo Luật Giáo dục đại học, trao đổi trên Báo Dân Việt, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết cần giữ nguyên tên gọi là học phí, tuy nhiên việc thu này cần trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo chứ không phải dựa trên Luật phí và lệ phí.

Theo đại biểu Cường, Dự thảo Luật  có sự thay đổi lớn về cơ chế tài chính trong giáo dục theo hướng đầu tư đi kèm theo chất lượng sao cho hiệu quả. Trước đây, trường chưa tự chủ được đầu tư theo biên chế, quy mô sinh viên... nhưng dự thảo luật đã đổi mới theo hướng "đặt hàng" kèm chất lượng, dịch vụ. Điều này đã giúp "triệt tiêu" tư tưởng nhà nước chỉ đầu tư cho công lập mà không vào trường dân lập, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình trường.

"Một điểm mới cần trao đổi kỹ là quy định về giá dịch vụ đào tạo. Việc phải quy định giá trong dự thảo luật là đúng vì hiện nay các trường đang thu học phí theo Luật Phí và học phí. Phí đó do Nhà nước ấn định”, đại biểu Cường nói.

Đại biểu Cường cho biết thêm, dự thảo Luật cần quy định để các cơ sở giáo dục không thể tính giá bao nhiêu cũng được mà phải quy định những gì được tính giá, những gì không. Toàn bộ những khoản thu vào và chi ra phải công khai để bản thân người học cảm thấy số tiền đã đóng là xứng đáng.

"Để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm thu giá BOT, tên gọi vẫn giữ nguyên là học phí nhưng việc thu học phí phải dựa trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo”, đại biểu Cường đề xuất và nói giữ tên gọi học phí là đúng, còn gọi là thu giá là sai. “Ví dụ giá đào tạo 1.000 đồng/tín chỉ, sinh viên học 10 tín chỉ, tôi thu học phí là 10 nghìn đồng, 10 nghìn đồng này dựa trên giá mỗi tín chỉ 1.000 đồng”, đại biểu Cường giải thích và cho rằng với đề xuất trên sẽ không dẫn tới tình trạng hiểu nhầm kiểu “học giá”.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: VPQH

Trao đổi trên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho rằng cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH không nhất trí về tên gọi hay sử dụng thuật ngữ chứ không phải vấn đề quan điểm điều chỉnh pháp luật.

“Thực ra trong dự thảo luật vẫn tồn tại khái niệm học phí, chỉ khác là trước đây vấn đề học phí được quy định trong Luật phí và lệ phí, và khi gọi là học phí thì cơ chế tính học phí đó chủ yếu trên cơ sở khả năng đóng góp của người học và sự đầu tư của ngân sách để có thể duy trì được giáo dục như vậy. Hiện nay vẫn có thể nói là học phí nhưng cơ chế tính học phí được tính theo cơ chế tính giá dịch vụ đào tạo và được quy định trong Luật giá”, bà Phụng lý giải.

Theo Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, phải thay đổi cơ chế tính giá dịch vụ đào tạo là bởi Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương thực hiện tự chủ đại học và bình đẳng công - tư.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước hạn chế cũng đặt ra yêu cầu cần phải đầu tư có mục đích, có trọng điểm hơn vào giáo dục.

“Ví dụ như trong dự thảo đã xác định ngân sách chủ yếu đầu tư cho các trường chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế và trở thành những trường đầu tầu kéo theo cả hệ thống hoặc là ở những ngành trọng điểm, hoặc ở những vùng trũng, vùng khó khăn hay những ngành học mà thị trường không giải quyết được. Còn khi các trường được tự chủ thì tất cả phần người học phải đóng tiền tính theo cơ chế tính giá dịch vụ được quy định trong luật Giá”, bà Phụng nói thêm.

Về việc quản lý giá nếu thực hiện tính giá dịch vụ đào tạo, bà Phụng cho biết, hiện nay, học phí đặt dưới 2 góc độ.

“Thứ nhất là nhà nước quản lý thì ngay trong điều 65 của dự thảo Luật Giáo dục đại học đã quy định là dịch vụ do nhà nước đặt hàng sẽ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá và khung giá. Các trường công, tức các trường sử dụng tài sản nhà nước cho việc đào tạo của mình cũng được xác định theo cơ chế tính giá dịch vụ nhưng Nhà nước vẫn phải quy định về khung giá vì nó liên quan đến quyền lợi của người học, đến việc sử dụng tài sản nhà nước và liên quan đến chất lượng đào tạo”, bà Phụng cho biết thêm.

Còn đối với trường tư thì giá dịch vụ hay học phí hoàn toàn là do trường tư quyết định, Nhà nước không can thiệp vào vì ở đó còn có sự can thiệp của thị trường.

“Các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc xem mức mà họ đưa ra có tương xứng với dịch vụ đào tạo của họ hay không và thị trường có chấp nhận hay không. Căn cứ vào đó thì nhà đầu tư không thể đưa ra mức giá “trên giời” cũng không thể đưa ra mức giá quá thấp để “vơ bèo vạt tép” vì nếu như vậy thì họ sẽ không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và người học cũng sẽ không mặn mà với nhà trường vì chất lượng đào tạo thấp”, bà nói thêm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Trong lúc đó, thông tin trên Báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lý giải về việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang thu giá dịch vụ đào tạo. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo. Quy định này căn cứ vào Luật giá.

“Học phí” là khái niệm nghe “quen tai”, giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật giá. Việc tính đúng, tính đủ làm sao đảm bảo chất lượng, phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng với chất lượng. Phải tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo”, ông Nhạ lý giải.

Một vấn đề đặt ra là vừa qua trạm thu phí đổi thành trạm thu giá, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị đổi tên. Bản thân ủy ban thẩm tra cũng không nhất trí với thuật ngữ học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo. Vậy Bộ GD&ĐT có ý định rút lại đề xuất này? Về việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dự thảo luật vẫn đang trong giai đoạn Quốc hội họp bàn, cho ý kiến. Tuy nhiên, ông Nhạ nhấn mạnh rằng, về nội hàm có sự khác nhau nên cần cân nhắc tên gọi cho thuận và phản ánh đúng bản chất.

“Đây không phải tên gọi khác mà xét về nội hàm là tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo Luật giá, Luật Phí và lệ phí. Đây là cấu thành toàn bộ chi phí đào tạo. Còn về tên gọi thì vẫn đang bàn, chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội. Nhưng trước hết phải theo pháp luật hiện hành, đó là Luật giá; vận dụng sao cho phù hợp với thực tiễn, không sai Luật giá và phù hợp với đặc điểm của ngành”, ông Phùng Xuân Nhạ cho hay.

PV (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ