Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Hội An vừa được trao tặng danh hiệu Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) lần thứ 26.
Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 1.

Khu phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam. Khu phố cổ Hội An gói gọn trong phường Minh An với diện tích chỉ tầm 2km2 với một địa thế thật đặc biệt theo kiểu bàn cờ mà đặc trưng ở đó là những con đường ngắn và hẹp, chạy uốn lượn, ngang dọc, khiến người ta rẽ lối nào rồi cũng dễ dàng gặp được nhau.

Theo thống kê Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Mặc cho không gian và thời gian cứ chuyển dời, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa nhất. Đó như một nơi chốn mà người ta có thể tìm thấy một quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại. Trong năm 2019, tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới Travel + Leisure của Mỹ đã công bố danh sách 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới, trong đó Hội An đứng đầu bảng với 90,39 điểm. Độc giả của tạp chí này gọi Hội An là “viên ngọc nhỏ của một vùng đất”.

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 3.

Những ngôi chùa được xây dựng từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII là một trong những điểm đến hấp dẫn ở phố cổ Hội An. Đó là Chùa Bà, Chùa Ông, Chùa Chúc Thánh, Chùa Phước Lâm, Chùa Vạn Đức, Chùa Hải Tạng.

Có thể chúng ta đã quen với một Hội An đầy màu sắc qua lăng kính của những chiếc đèn lồng, một Hội An tấp nập kẻ đến người đi, một Hội An đã trở thành biểu tượng du lịch. Những điều đó không sai, nhưng đôi khi ta chợt hỏi, rằng Hội An còn có gì khác không? Buổi sáng, khi mặt trời còn lấp ló sau những mái ngói rêu phong, Hội An như một bức tranh tĩnh lặng đẹp đến mê hồn. Như cô thiếu nữ đang còn ngủ say dưới tấm mền hoài cổ, Hội An e ấp, quyến rũ vô cùng.

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 5.

Làng gốm Thanh Hà đậm chất là một làng nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời trong thế kỷ XVI. Trước đây, làng gốm đã được hình thành tại làng Thanh Chiêm rồi sau đó mới chuyển về địa chỉ phường Thanh Hà, Hội An tp. Hội An Quảng Nam như hiện hay. Cùng trải qua lịch sử bao thăng trầm nơi phố cảng Hội An, làng nghề cũng đã có những thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ XVII – XVII nổi danh như một “thổ sản quốc gia” được tiến vua cũng vì thế mà tiếng lành đồn xa.

Khám phá làng Thanh Hà du khách không chỉ được hoà mình trong không gian làng quê mộc mạc, thanh bình mà còn được tha hồ lựa chọn những món quà lưu niệm cho người thân và bạn bè hay trải nghiệm tự tay làm ra những sản phẩm gốm độc đáo. Đồ gốm Thanh Hà đặc biệt bởi được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao. Cũng chính vì lẽ đó, khi đi dọc phố cổ Hội An bạn sẽ thấy màu chủ đạo là nâu, vàng, đỏ thẫm… Đó là màu đất, màu gỗ và cũng là màu mái ngói được làm từ làng gốm.

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 7.

Đến đây, bạn còn được chứng kiến quá trình tạo ra những sản phẩm gốm tuyệt mỹ của các nghệ nhân tài hoa và khéo léo. Qua nhiều công đoạn, các khối đất được tạo hình bằng tay trên bàn xoay. Sau đó, họ mang sản phẩm của mình ra phơi nắng hay hong bếp củi cho mau khô. Cuối cùng, những vật phẩm này được đưa vào lò nung. Một món đồ gốm được làm ra bởi sự công phu và cầu kỳ như thế. Người thợ Thanh Hà không chỉ khéo léo, sáng tạo mà họ còn là người có lòng yêu nghề, yêu quê, nâng niu, chắt chiu và gửi hồn vào từng hòn đất. Mọi người không những được quan sát trực tiếp các công đoạn để tạo ra một sản phẩm đồ gốm qua bàn tay tài hoa nghệ sĩ của những nghệ nhân trong làng và mà còn có thể sáng tạo riêng cho mình những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân.

Cùng với sự phát triển du lịch của phố cổ Hội An, những sản phẩm của làng gốm Thanh Hà Quảng Nam đã được đến gần hơn với du khách mọi miền. Và từ đó, khách du lịch tìm đến làng Thanh Hà để tham quan, mua sắm và chìm đắm trong thế giới đồ gốm ngày một đông. Du khách rời Thanh Hà mà không sắm cho mình một món đồ gốm nhỏ xinh làm quà lưu niệm mang về làm quà cho bạn bè và người thân và bạn bè thì thật là lãng phí chuyến đi.

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 9.

Tại phố cổ Hội An,hát bài chòi được diễn xướng hàng đêm, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

.

Ở sân vườn tượng Hội An, “chị hiệu” (là người hô hát) hô hát những làn điệu dân ca xứ Quảng. Trò chơi từ 5 đến 7 phút. Mỗi thẻ bài gồm có 3 từ. Nó cũng tương tự  như trò chơi lô tô nhưng trò chơi dân gian bài chòi bằng chữ 3 chữ. Trong mỗi trò chơi nếu mình trúng 3 chữ thì mình sẽ là người trúng thưởng. Người ta dùng bộ bài Tam Cúc 27 cặp, đem mỗi lá bài dán vào một thẻ tre. Bộ bài chia ra làm đôi: một nửa bỏ vào ống do người hô hiệu giữ, một nửa đem phân phối cho 9 chòi, mỗi chòi 3 lá. Lúc vào cuộc, anh hiệu rút bài trong ống ra, hô lên, chòi nào trúng lá ấy thì gọi hiệu đem lại. Khi có một chòi trúng đến lá thứ 3 là xong một ván. Một vị khách đến từ Hà Nội hứng thú với trò chơi cho biết: "Dân ca khuyên con người cái hay, cái tốt. Tôi trúng nhiều lắm, cũng may mắn mà vui nữa. Vui là vì mình được một kỷ niệm về một trò chơi dân gian, lại được nghe những điệu dân ca mà, mình thích". Mới đây “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 11.

Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 14 âm lịch, phố cổ Hội An lại lộng lẫy với lễ hội hoa đăng trên sông Hoài. Lúc này, khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn sáng trưng vội tắt đi, nhường chỗ cho không gian huyền ảo của những chiếc đèn lồng.

Và đặc biệt, chỉ trong đêm trăng rằm, phố cổ Hội An được trang hoàng lộng lấy với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, đủ kích thước, được thắp sáng dọc các tuyến phố. Những khung cửa gỗ huyền ảo với những chiếc đèn lồng. Những cửa hàng, những quán cóc ven đường, đường phố, bảng hiệu, từng đèn trang trí... đều được thắp bằng đèn lồng. Một trải nghiệm thú vị mà rất nhiều khách du lịch thích làm là thả hoa đăng trên sông Hoài. Chính tay bạn sẽ là người thả những chiếc đèn nhỏ lấp lánh xuống sông, với hy vọng những chiếc đèn sẽ mang lại may mắn cho gia đình và người thân. Bên cạnh đèn lồng, thì hoa đăng cũng dần trở thành nét đặc trưng của du lịch Hội An.

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 13.

Những con phố nhỏ Hội An trong ánh hoàng hôn.

Chính những điều bình dị trên tối 7/9/2019, Hội An vinh dự được tạp chí Travel + Leisure trao giải thưởng một trong 15 thành phố đẹp nhất thế giới (The 2019 World's Best Cities) do tạp chí này bình chọn. 

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 15.

Hội An điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019 - Ảnh 16.

Hội An – nơi mà cuộc sống cứ bình lặng như thế. Hội An – nơi mà dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa. Những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi được chạm trổ tinh vi, tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Đó mới chỉ là một phần dung dị ở khu phố cổ Hội An nhưng cũng đã đủ khiến người ta phải đắm say, đi quên lối.

 Nam Nguyễn