• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồi chuông về tư duy và cách ứng xử đúng mực với không gian công cộng

Văn hoá 02/06/2020 15:57

(Tổ Quốc) - Những bức tượng đá trắng bình dị, hài hòa trong Công viên Thống Nhất bỗng dưng bị sơn đủ màu sắc lòe loẹt. Những bức tượng, với sự hiện diện hơn nửa thế kỷ đã trở thành một phần di sản, một phần ký ức của những người dân Hà Nội bỗng biến thành xa lạ. Nhiều ý kiến phản đối và sau đó, những bức tượng đã được sơn lại thành màu trắng. Làm sai thì sửa, làm sai thì khắc phục, ở trường hợp này có thể không để lại hậu quả lớn, nhưng điều này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về cách ứng xử với những không gian văn hóa công cộng.

Tượng đá buồn

Năm 1960, Công viên Thống Nhất ra đời thì đến năm 1963, nhóm tác phẩm gồm 16 bức tượng và 1 phù điêu là bài tập tốt nghiệp của sinh viên Trường Mỹ thuật Công nghiệp đã hiện diện trong không gian này. Hơn nửa thế kỷ qua, những bức tượng với hình hài giản dị như cô gái ngồi đọc sách, đôi bạn, hình ảnh vui đùa của các nhân vật... được sáng tác theo khuynh hướng tả thực, mộc mạc và gần gũi đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội. Bởi Công viên Thống Nhất lâu nay là điểm đến để vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao... của người dân và du khách.

Hồi chuông về tư duy và cách ứng xử đúng mực với không gian công cộng - Ảnh 1.

Những bức tượng khoác áo mới tại Công viên Thống Nhất

"Các bức tượng như những dấu mốc đồng hành thân quen của chúng tôi mỗi ngày đi qua đây", ông Nguyễn Văn Ngọ, người hằng ngày đi tập thể dục qua khu vực tọa lạc của những bức tượng cho biết. Ông cười bảo, người ta sơn lòe sơn loẹt lên tượng chắc để chiều trẻ con, nhưng người lớn thì hơi hẫng hụt, như bị mất đi một phần ký ức gần gũi.

Sự thay đổi đột ngột này đã đón nhận nhiều ý kiến không tán thành từ người dân.

Chỉ ít ngày sau khi các cơ quan báo chí lên tiếng về việc những bức tượng trong Công viên Thống Nhất bị sơn xanh đỏ lòe loẹt, Ban lãnh đạo đơn vị này đã dùng sơn trắng phủ lên toàn bộ các bức tượng.

Theo ông Cao Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho hay, vì dư luận không đồng tình nên Công viên Thống Nhất sơn lại. Có điều, trước đây trong các kỳ duy tu, bảo dưỡng hằng năm, khi nhóm tượng được sơn trắng, nhiều người cho rằng trông sợ… như ma. Đến khi sơn ghi thì lại bị phê là xám xịt, tối xì. Lãnh đạo Công viên cũng thừa nhận không có chuyên môn về kỹ, mỹ thuật, chỉ là đơn vị tự mua sơn về sơn cho mới, theo định mức kinh phí hằng năm.

Hồi chuông về ứng xử với không gian công cộng

Câu chuyện Công viên Thống Nhất phủ màu lòe loẹt lên những bức tượng quen thuộc không chỉ khiến nhiều du khách, người dân thấy tiếc nuối mà còn khiến cho không ít họa sĩ, nhà chuyên môn thảng thốt bởi cách ứng xử tùy tiện đối với những chứng tích thời gian, với những không gian công cộng mà hơn bao giờ hết cần phải được tôn trọng để trở nên đẹp đẽ, yên bình.

Hồi chuông về tư duy và cách ứng xử đúng mực với không gian công cộng - Ảnh 2.

Xóa sơn, những bức tượng được phủ màu trắng

Nhưng cũng khó trách được một đơn vị như Công viên Thống Nhất, bởi rõ ràng họ không có chuyên môn về mỹ thuật. Chúng ta chưa quên chuyện dựng những bức tượng 12 con giáp khỏa thân, xấu xí ở Hòn Dấu, Hải Phòng. Chúng ta cũng chưa quên hình ảnh con rồng được cắt tỉa từ cây xanh nhưng hình dạng xấu xí, mà dư luận gọi vui là pikalong cũng ở Hải Phòng. Cùng với sự việc ở Công viên Thống Nhất, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục cảnh báo về những lỗ hổng định hướng dẫn đến hệ quả là cách làm tùy tiện, phá vỡ những không gian cảnh quan đô thị, cảnh quan công cộng.

Họa sĩ cho rằng, vấn đề thẩm mỹ đô thị ở Việt Nam hiện nay rất cần sự tham gia của các chuyên gia được đào tạo bài bản. Công chúng đã nhiều lần có ý kiến về cách tạo hình các nhóm cây hình con giống, tạo khối trang trí nơi công cộng, tạo hình và màu cho các chùm đèn trang trí… Sự tiết chế màu sắc cần thiết có định hướng chuẩn mực trong bối cảnh đường phố của Hà Nội hay các đô thị đã rất nhiều chi tiết và màu sắc rực rỡ. "Thực trạng hiện nay cho thấy, chúng ta rất cần có những định hướng về tư duy và cách ứng xử đúng mực đối với những không gian công cộng. Cứ để sai rồi thì sửa sai sẽ rất khó khăn", họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chia sẻ về nỗi buồn từ những hệ lụy đáng tiếc do thiếu định hướng về tư duy và cách ứng xử đúng mực đối với những không gian công cộng. Ở nhiều tỉnh, thành trong suốt thời gian qua đã từng xảy ra những vụ việc đáng xấu hổ, nực cười mà trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

"Nếu không gióng tiếp những hồi chuông cảnh báo thì còn nhiều nữa những ông chủ, doanh nghiệp vẫn tùy tiện thích làm gì thì làm. Đến lúc xấu quá, dư luận bức xúc thì lại nói rằng để làm lại, rằng chuyện chẳng có gì to tát cả đâu...", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ