• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hồi sinh G8, Nga khiến các siêu cường hỗn loạn và hoài nghi?

Thế giới 10/06/2018 10:05

(Tổ Quốc) - G8 với sự tham gia của Nga có thể trở thành hiện thực trong dài hạn, chứ không phải là ngay tức thời.

Sputnik dẫn lời một số chuyên gia cho biết, đề nghị của Tổng thống Donald Trump ngày 8/6, để Nga tái gia nhập nhóm G7 và hình thành nhóm G8, gần như chắc chắn không thể thay đổi được lập trường chống Moscow của các nước phương Tây. Tuy nhiên, nó có thể được nhắc tới nhiều hơn trong các hội nghị tiếp theo, bởi vì việc khôi phục quan hệ với Moscow đã bị trì hoãn quá lâu, và nó sẽ góp phần khiến nhóm trở nên cân bằng hơn.

Thủ tướng mới của Italy Giuseppe Conte ủng hộ ý kiến của ông Trump khi nói, để Nga hoà nhập lại với G7 “là lợi ích của mọi bên”. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow hiện đang tập trung vào các hình thức hợp tác khác.

Trước đó, cùng ngày Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa nhắc lại Nga sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ thực hiện lời hứa trước khi trúng cử là cải thiện quan hệ song phương với Moscow.

Nhóm 7 nền kinh tế phát triển – Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Italy và Canada – từng được gọi là nhóm G8 trước khi tư cách thành viên của Nga bị đình chỉ vào năm 2014 sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Theo giám đốc Nhóm nghiên cứu G7 John Kirton, ý tưởng để Nga quay lại bị đưa ra vào sai thời điểm, nhưng nó có thể sẽ nhận được sự ủng hộ trong vòng hai năm tới, khi Pháp và Mỹ quay trở lại đảm nhận vị trí Chủ tịch của nhóm.

“Không có một nhà lãnh đạo G7 nào khác đồng ý rằng đây là lúc Nga trở lại. Quy trình có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm sau, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng cai hội nghị thượng đỉnh G7, hoặc chắc chắn hơn là năm 2020, khi Tổng thống Donald Trump đến lượt tổ chức; và nếu thái độ của Nga đủ thay đổi vào lúc đó,” ông Kirton nói.

Các chính trị gia Italy cũng đồng ý rằng, khó có thể kỳ vọng bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong lập trường của các nước lớn. Mặc dù vậy, họ đều tin tưởng, thái độ chống đối Nga sẽ dần đảo ngược trong hội nghị thượng đỉnh lần sau.

“Tôi nghĩ, tại hội nghị lần này, có thể vẫn chưa có các tin tức đặc biệt về Nga, nhưng từng bước một, có thể ở hội nghị lần sau, chúng ta sẽ nhìn thấy những kết quả đầu tiên,” Andrea Picchielli, một thành viên Đảng Lega nhận định”.

Còn Marco Zanni, một thành viên của Nghị viên châu Âu đến từ Italy lưu ý, đề xuất của ông Trump có thể là bước đầu giúp “phá băng” và “Còn quá sớm để tiên đoán bất kỳ điều gì, nhưng đó là một động thái tốt để phá băng và đưa các cuộc thảo luận vào chương trình nghị sự”.

Theo Kirton, ý kiến bất ngờ của Tổng thống Mỹ cho thấy, ông Trump muốn đáp lại những tín hiệu sẵn sàng đối thoại và giảm ngân sách quốc phòng từ Nga.

Ông Gianmatteo Ferrari, một thành viên khác của Đảng Lega đánh giá: “G8 sẽ có một ý nghĩa và ảnh hưởng quan trọng hơn nhiều với sự tham gia của Nga”. Còn ông Zanni khẳng định, Nga là “một đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, và có thể đóng vai trò quan trong tại bàn đàm phán”.

Ngoài ra, theo ông, sự hiện diện và tiếng nói có trọng lượng của Nga sẽ đem lại tính pháp lý và cân bằng hơn cho nhóm, khi mà sự phát triển nhanh chóng của nhóm G20 đang ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc ở Quebec, Canada.

Phản ứng của G5

Hầu hết các chuyên gia đều không kỳ vọng vào khả năng hầu hết các đối tác của ông Trump, ngoại trừ Italy, sẵn sàng chấp nhận ý kiến ông đưa ra.

Thành viên Nghị viên châu Âu Zanni phân tích, không có điều kiện tiên quyết để các nước lớn EU thay đổi lập trường của mình: Berlin vẫn khá cứng rắn trước Nga bất chấp quan hệ truyền thống lâu đời, trong khi Anh còn tỏ ra miễn cưỡng hơn nữa về bình thường hoá quan hệ với Moscow.

“Đức và Anh chống lại vì các lý do khác nhau. Đức luôn giữ một quan hệ đặc biệt với Nga dựa trên các kênh đối thoại và kinh doanh chính thức và cả không chính thức. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi như những tuyên bố gần đây của tân Ngoại trưởng Đức – làm dấy lên một cuộc tranh luận trong nội bộ nước này, và giữa các đảng trong chính phủ liên minh. Trong khi Anh chưa từng có một mối quan hệ đơn giản với Nga, và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn sau vụ Skripal”, ông Zanni cho biết.

Richard Wood, một thành viên của Đảng UKIP (Anh) lại phỏng đoán, cả Berlin và London đều không muốn để Nga trở lại bàn đàm phán, bởi vì rất có thể lúc đó Moscow sẽ chỉ ra các chính sách không hợp lý của G7. “Tôi không nghĩ họ muốn ông Putin tái xuất bởi vì ông ấy là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất thế giới,” ông nói. 

Tuy nhiên, ông Picchielli lại nhận định trái ngược, khi cho rằng London và Berlin có thể xem xét lại lập trường của mình nhờ vào ý kiến của Mỹ: “Tôi biết rằng Anh và Đức đều chống lại đề nghị của Mỹ, tuy nhiên Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sẽ ủng hộ cho lập trường của Mỹ, bởi vì Anh quá gắn bó với Mỹ và không thể không chia sẻ cùng lập trường. Chỉ còn Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể cứng rắn, nhưng vì nền kinh tế Đức, việc để Nga trở lại G8 là lựa chọn tốt nhất”.

Trong khi bà Merkel từng tuyên bố, bà không nhận thấy bất kỳ điều kiện nào để Nga quay trở lại nhóm, Đảng cánh hữu AfD của Đức lại thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn.

“Tôi coi việc Nga tái gia nhập là điều phải làm. Loại bỏ một trong những quốc gia quan trọng nhất trên thế giới khỏi một hội nghị thượng đỉnh như vậy khiến kết quả của nó bị giảm giá trị. Vì vậy, tôi ủng hộ hoàn toàn lập trường của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte: sự tham gia của Nga là lợi ích tốt nhất cho thế giới”, Roland Hartwig, một thành viên Đảng AfD chia sẻ với Sputnik.

Rome ủng hộ đề xuất nhưng không rõ liệu Nga có muốn hay không

Theo ông Ferrari, ý kiến của Tổng thống Trump phù hợp với tầm nhìn của tân Chính phủ Italy về Nga, cũng như lời kêu gọi của nước này nhằm dỡ bở các lệnh trừng phạt chống Nga và một lần nữa coi Nga là một đối tác chiến lược.

“Vấn đề không phải là lập trường của Canada, Đức hay Anh; câu hỏi là liệu Nga có muốn trở thành một phần của một nhóm đã từng hắt hủi và áp lệnh trừng phạt vô lý lên họ trong suốt những năm qua hay không? Rõ ràng, điều đó phụ thuộc vào quyết định của Nga và Tổng thống Putin,” ông tỏ ra băn khoăn.

Thành viên Đảng Lega hy vọng, đề xuất của ông Trump sẽ khiến các chính phủ châu Âu hiện thực hoá được chính sách hàn gắn quan hệ với Nga, bởi vì điều này mang tính sống còn trong hợp tác giữa các bên về chống khủng bố và các vấn đề khác.

“Kẻ thù là chủ nghĩa khủng bố. Không phải nước Nga. Thực tế, Nga là một đối tác chiến lược, kinh tế và văn hoá quan trọng. Chúng ta cùng mong rằng chính sách chống Nga rốt cuộc cũng sẽ kết thúc”, ông chia sẻ./. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ