• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thảo khoa học về hai đề án của Cục việc làm

Kinh tế 24/10/2020 10:12

(Tổ Quốc) - Ngày 23/10/2020 tại TP HCM, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với trường Đại học Kinh tế - Luật trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động”.

Cục trưởng Cục Việc làm, TS. Vũ Trọng Bình và Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật, PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng đồng chủ trì hội thảo, với sự tham gia của các đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các Trường, Viện và Học viện, cùng đại diện một số Sở, Ban ngành khu vực Phía Nam, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lao động – việc làm.

Hội thảo khoa học về hai đề án của Cục việc làm - Ảnh 1.

Xuyên suốt quá trình xây dựng chính sách của Cục Việc làm đều có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và sự tham gia trực tiếp của những đối tượng thụ hưởng chính sách.

Phát biểu tại Hội thảo, TS.Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, xuyên suốt quá trình xây dựng chính sách của Cục Việc làm đều có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và sự tham gia trực tiếp của những đối tượng thụ hưởng chính sách.

Việc xây dựng đề án này đáp ứng yêu cầu về xây dựng một thị trường lao động định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ và hiện đại. Đáp ứng đòi hỏi thực tiễn trong nước, cũng như đáp ứng được quá trình hội nhập quốc tế và phát triển công nghiệp 4.0. Phát triển đề án này hết sức quan trọng trong tương lai để định hình, xây dựng thể chế thị trường lao động trong 10 năm tới.

Dù vậy, quan điểm là khi xây dựng một chính sách, thể chế đòi hỏi phải có lý luận mở đường, cơ sở khoa học được đúc kết từ cơ sở khoa học, lý luận từ các nước trên thế giới, từ các nhà khoa học. Đặc biệt, cơ sở khoa học đó xây dựng hình thành từ thực tiễn của nước ta và đáp ứng được thực tiễn. Vì vậy, quan trọng là làm thế nào để có một cơ sở lý luận thực sự về lao động việc làm và thị trường lao động việc làm", ông Bình nhận định.

Cũng theo TS. Vũ Trọng Bình, việc xây dựng "Đề án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2030" đối với các trường đại học là hết sức quan trọng. Bởi đề án này sẽ giúp các trường xác định được nhu cầu về nhân lực trong tương lai. Đồng thời, các trường cũng có thể trực tiếp tham gia xây dựng và triển khai đề án. Qua đó, các trường tự hoạch định chiến lược đào tạo của mình, cả về chất lượng, số lượng, kỹ năng của người lao động cung ứng cho thị trường.

Về nội dung này, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, theo dự báo, bình quân mỗi năm TP.HCM cần từ 300.000-330.000 chỗ làm việc trong giai đoạn từ năm 2020-2025. Trong đó, có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới. Chính vì vậy, thông qua Hội thảo lần này, các trường đại học TP.HCM có thêm thông tin về thị trường lao động, định hướng trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và chuẩn bị chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường lao động quốc tế trong thời gian tới.

"Hội thảo lần này mở ra cơ hội cho việc phối hợp chặt chẽ cả về lý luận và thực tiễn nghiên cứu trong thị trường lao động", PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng nói.

Trong khuôn khổ Hội thảo, có 33 bài tham luận chuyên sâu về nhiều góc độ khác nhau trong lĩnh vực lao động – việc làm của các nhà khoa học, chuyên gia xoay quanh chủ đề lý luận và thực tiễn phát triển thị trường lao động ở Việt Nam đến năm 2030 trong xu thế chuyển đổi số quốc gia như: việc đảm bảo an sinh xã hội trước ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề chính thức hóa việc làm phi chính thức; các chỉ tiêu, chỉ số đánh giá chất lượng việc làm; lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0…

Đề án "Hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030" được đánh giá là Đề án có tính chất tổng quan, chiến lược nhằm đưa ra các giải pháp để định hướng phát triển lâu dài cho thị trường lao động hướng tới xây dựng thị trường hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, tỉnh/thành phố, ngành kinh tế, nghề nghiệp… Qua đó, từng bước tạo sự đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên quan điểm Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường lao động, Đề án đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể để phát triển thị trường lao động đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế và huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động lành mạnh.

Hội thảo khoa học về hai đề án của Cục việc làm - Ảnh 2.

TS. Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm phát biểu tại Hội thảo.

Đề án "Nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động" là Đề án có tính thực nghiệm cao nhằm phát triển một hệ thống dự báo cung-cầu lao động với những sản phẩm có tính khoa học, đầy đủ những thông tin về cung, cầu lao động cơ bản kịp thời phục vụ điều hành quản lý nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, của vùng và của từng địa phương.

Đồng thời, sản phẩm dự báo cung, cầu phải kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ sở giáo dục đào tạo phục vụ công tác lập kế hoạch, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin để giúp người lao động và gia đình định hướng và quyết định những vấn đề về đào tạo, việc làm trong tương lai; giúp doanh nghiệp lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Các nhóm giải pháp xoay quanh sự phát triển đồng bộ của năm yếu tố cơ bản, gồm (i) xây dựng cơ sở dữ liệu, (ii) phát triển phương pháp, mô hình dự báo, (iii) đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, (iv) củng cố, thống nhất bộ máy tổ chức thực hiện và (v) tuyên truyền, truyền thông.

Hội thảo tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật nằm trong loạt hội nghị, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi do Cục Việc làm chủ trì, phối hợp thực hiện.

Trong thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại Hà Nội với sự phối hợp tham gia của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ