• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thảo kỷ niệm và tôn vinh những đóng góp của Nhà văn hóa Đỗ Đức Dục

Văn hoá 13/09/2018 16:23

(Tổ Quốc) - Nhân dịp Kỷ niệm 25 năm ngày mất của Nhà văn hóa Đỗ Đức Dục và tôn vinh những đóng góp của ông đối với các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục… nước nhà, sáng ngày 13/9, Viện Văn học (trực thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN) đã tổ chức Hội thảo khoa học.

Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu đến từ các tổ chức, viện nghiên cứu, cơ quan công tác của nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục… Tại hội thảo, hơn 20 ý kiến khoa học và những quan điểm để làm rõ, nhấn mạnh một số điểm quan trọng trong cuộc đời hoạt động chính trị, văn hóa, nghiên cứu của nhà văn hóa Đỗ Đức Dục đã được đưa ra trao đổi, qua đó góp phần làm sáng tỏ thêm những đóng góp của ông đối với Việt Nam trong quá trình hiện đại và toàn cầu hóa hiện nay.  

 Các đại biểu tham dự và phát biểu nhân Hội thảo Kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục 


Nhà văn hóa Đỗ Đức Dục (1915-1993) đã đóng trọn vai trò của một trí thức dân tộc trong thời đại Cách mạng. Hơn nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có thể khẳng định ông chính là hiện thân sinh động và đẹp đẽ của mẫu hình trí thức dấn thân không mệt mỏi trong thế kỷ XX đầy biến động. Ở ông, ta bắt gặp sự kết hợp hài hòa ba trong một: một nhà hoạt động xã hội sôi nổi, một nhà văn hóa giàu sáng tạo và một nhà nghiên cứu văn học tâm huyết. Dường như ở lĩnh vực nào ông cũng đều có những đóng góp đáng ghi nhận. Đó là đóng góp đích thực của một trí thức ưu thời mẫn thế vì sự phát triển của đất nước, một người luôn kiên định với lý tưởng là tận hiến đời mình cho Tổ quốc và nhân dân.

Trong gần 80 năm cuộc đời, nhà văn hóa Đỗ Đức Dục đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí, trọng  trách: Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1946), Phó Bí thư Tổng bộ Việt minh (1947-1950); sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đồng thời kiêm nhiệm Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Xô (1955-1960), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (1946-1960)… Trên cương vị lãnh đạo Bộ Văn hóa, ông đã tích cực tham gia vận động thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và là một trong những Hội viên sáng lập Hội vào năm 1957.* Nhiều bài viết, bài nghiên cứu, tác phẩm của ông tới nay vẫn còn nguyên giá trị và được mọi người tìm đọc.

Các hiện vật, tư liệu về nhà báo Đỗ Đức Dục trưng bày tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Để ghi nhận công lao và những đóng góp của nhà văn hóa Đỗ Đức Dục, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, Chiến sĩ văn hóa, huy chương Vì sự nghiệp đoàn kết dân tộc, truy tặng Huân chương độc lập hạng Nhất (2001). Tên ông được đặt cho nhiều con đường tại Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long.

Võ Vân

 * Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy- Trung tâm Di sản các Nhà Khoa học Việt Nam

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ