• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Hỗn danh”- Nghệ thuật chân chính gắn liền với chính danh

05/06/2017 11:36

(Tổ Quốc) - Tiểu thuyết với đặc tính văn phong súc tích ngôn ngữ phong phú uyển chuyển, câu văn sáng đẹp linh hoạt, nội dung mới lạ cách diễn đạt dung hòa giữa ngôn ngữ tiểu thuyết nghiêm túc với ngôn ngữ hài hước sâu sắc, đã làm nên sự thành công của tác phẩm.

Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học được bạn đọc biết đến qua hàng loạt tiểu thuyết xuất bản liên tục trong những năm gần đây, nhất là tiểu thuyết “Gái điếm” đã gây được sự chú ý của giới trẻ. Song cũng còn nhiều ý kiến trái chiều về mối quan hệ giữa quan niệm thẩm mĩ với hiện thực; mối quan hệ giữa văn học và báo chí… xoay quanh tác phẩm của Nguyễn Văn Học. Dư luận xã hội và những ý kiến chân thành của đồng nghiệp với khả năng lĩnh hội sáng tạo và năng lực tác nghiệp (Viết văn chuyên nghiệp), đã giúp cho tác giả Nguyễn Văn Học có một cái nhìn mới về hiện thực đời sống xã hội. Chính điều đó dẫn đến kết quả tác giả Nguyễn văn Học đã xây dựng thành công tiểu thuyết “Quỷ”. Trong tác phẩm này, một mặt tác giả phê phán sự tha hóa của một nhóm người đã lợi dụng tôn giáo; mặt khác tác giả tập trung lí giải những mặt tích cực về đạo đức trong niềm tin tôn giáo đã giúp cho con người vươn lên nhận biết cái đẹp và hưởng thụ cái đẹp theo đúng tinh thần nhân văn vì hạnh phúc con người. Tuy nhiên phải đến tiểu thuyết “Hỗn danh” (NXB Hội Nhà văn, xuất bản lần đầu năm 2011), tác giả Nguyễn Văn Học mới thật sự gặt hái được thành công ở thể loại tiểu thuyết.

Nhà văn Nguyễn Văn Học và tiểu thuyết "Hỗn danh"

Tiểu thuyết “Hỗn danh” được tác giả viết từ ý tưởng ban đầu về nguyên tắc hành xử chính danh trong văn hóa truyền thống nhằm ổn định hài hòa các lợi ích (các giá trị) xã hội. Khái niệm hỗn danh mà tác giả dùng làm tiêu đề cho tập tiểu thuyết hơn 350 trang được xem như trạng thái đối lập với chính danh có tính khái quát ở phạm vi xã hội rộng lớn. Tác phẩm “Hỗn danh” là một bức tranh với hai gam màu chủ đạo mà ở đó tồn tại song song giữa chính danh và hỗn danh. Sự biểu hiện của hỗn danh là luôn luôn phá vỡ sự cân bằng mực thước đúng vị trí và chức năng của chủ thể sáng tạo nghệ thuật, mà biểu hiện trong tác phẩm là sự hỗn loạn các tiêu chuẩn các giá trị. Sự chính danh được xem như quy luật tất yếu chiến thắng, nên bao giờ cũng lấy lại trật tự, ổn định các tiêu chuẩn, các giá trị đích thực trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong các mặt biểu hiện của đời sống xã hội.

Tác giả Nguyễn Văn Học đã xây dựng thành công các tuyến nhân vật trong tiểu thuyết là những mẫu nhân vật đa nhân cách có nhiều hành động phức tạp và bất ngờ.

Hành động của một vị giáo sư, bác sĩ vừa muốn vươn lên làm thi sĩ nổi tiếng trong sáng tạo nghệ thuật, có tâm hồn phong phú cởi mở và rộng lượng, lại vừa nhỏ nhen ích kỷ trong đời sống thường ngày. Và con người lí trí, con người khoa học, con người tâm hồn thơ ca bị lu mờ trước con người bản năng trong một con người. Không thành công trong khoa học, trong nghệ thuật, trong quan hệ ứng xử với cộng đồng ông ta lao vào các cuộc tình nhằm thỏa mãn tình dục, nhưng con người đó vẫn luôn cảm thấy khát thèm sự cao quý trong nghệ thuật. Con người đó luôn dằn vặt giày vò trong trạng thái phân thân ở nhiều mối quan hệ, mà ở đâu cũng là sự nửa vời của trí tuệ chợt thức tỉnh rồi lại quay cuồng. Với khả năng mô tả sắc bén, phân tích tâm lí nhân vật theo chiều sâu, tác giả Nguyễn Văn Học đã làm nổi bật con người “hãnh tiến” háo danh ở những trạng thái đỉnh điểm của nó. Cơn khát háo danh đó chỉ thực sự làm ông ta bừng tỉnh bằng một cú choảng vào đầu ông của cô bồ nhí. Vị giáo sư - bác sĩ là nhân vật chính thứ nhất trong hệ thống nhân vật của tiểu thuyết “Hỗn danh” góp phần làm lên thế giới “hỗn danh” trong tác phẩm. Vì không làm đúng thiên chức của mình nên mãi mãi vị giáo sư này chỉ loay hoay đi tìm những cái sở đoản mà không phát huy được cái sở trường. Khi nhận chân được điều đó, cũng là lúc quỹ thời gian của ông đã bước vào phía bên kia cuộc đời…

Và tiếp đến hành động của anh họa sĩ giàu năng lực sáng tạo nghệ thuật lại không được sáng tạo nghệ thuật theo đúng chuyên môn, sở trường mà anh ta đã nhiều năm phấn đấu mới có được. Tác giả đã khéo đan cài tính chất nghịch lí trong thuận lí để chinh phục bạn đọc. Anh họa sĩ thường xuyên phải vẽ những bức tranh theo đơn đặt hàng của các “thượng đế” có nhu cầu thẩm mĩ hết sức tầm thường. Họ chỉ nhằm khoe mẽ và tô vẽ cho bản thân một hình ảnh lãng mạn để kéo dài sự bất tử trong thời gian văm hóa của con người. Nhưng họ càng làm như vậy thì xã hội càng kinh tởm. Biết điều đó nhưng họa sĩ Bình vẫn phải nhắm mắt chiều khách hàng. Vì anh còn mối quan tâm thiết thân hơn đó là phải sống - mà sống thì không thể thiếu tiền. Nhiều khách hàng là các bà, các cô đua nhau vẽ chân dung như một thứ đặc quyền trong xã hội đang “loạn chuẩn” mà cứ có tiền là được đáp ứng. Song với khả năng dẫn chuyện lôi cuốn các chi tiết nghệ thuật được dồn nén kín đáo vào những lớp truyện thích hợp, tác giả cho “nổ tung” gây nên những bất ngờ và càng làm tăng thêm hiệu ứng thẩm mĩ trong tiếp nhận của bạn đọc. Nhân vật họa sĩ là nhân vật chính thứ hai làm tăng thêm tính chất của tiểu thuyết về sự hỗn danh.

Từ một điểm nhìn nghệ thuật khác tác giả Nguyễn Văn Học đã đặc tả thế giới nhân vật là sản phẩm, là kết tinh tài năng của họa sĩ Bình đã sáng tạo, khi anh dành tâm huyết để cống hiến cho nghệ thuật đích thực. Đó là bốn nữ nhân vật trong bức tranh khi Bình vẽ theo ý tưởng nghệ thuật trong sáng không vụ lợi. Bốn nhân vật này luôn dõi theo quá trình sáng tạo nghệ thuật của Bình và có những kiến giải hợp lí, thấu đáo trong mọi lẽ đời. Tuy nhiên nhiều lúc trong họ còn có những bất đồng nho nhỏ. Và cũng chính ở điểm này các nhân vật trong tranh càng tỏ rõ sức sống và đem lại sự trung thực về đời sống xã hội trong tác phẩm văn học. Khi cần phải xuất hiện và cất cao tiếng nói của uy lực chân lí, là họ hành động tức thì vì cái đẹp. Chỉ có cái đẹp được khúc xạ qua lăng kính của người nghệ sĩ phát biểu trực tiếp mà hiện thân là các nữ nhân vật trong tranh. Họ có quyền phán quyết và đánh giá đúng các hành động của toàn bộ thế giới nhân vật trong tiểu thuyết “Hỗn danh”. Chính hệ thống nhân vật này đã đem lại cho tác phẩm “Hỗn danh” cái nhìn tươi mới mạch lạc về ý nghĩa của nghệ thuật, của cuộc đời con người với những bổn phận cao quý của nó. Ở hệ thống nhân vật thứ ba luôn đứng ở vị trí là tinh túy tâm huyết của người nghệ sĩ họ thường cất cao tiếng nói của chính danh (được hiểu là tiêu chuẩn, là giá trị phổ quát của toàn xã hội). Đó còn là tiếng nói khát vọng từ sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ chân chính. Và do đó, tinh thần chủ đạo trong tác phẩm luôn vang lên thông điệp thứ nhất (lớp ý nghĩa hiển thị trên văn bản) là: Nghệ thuật chân chính phải gắn liền với chính danh.

Trong tiểu thuyết “Hỗn danh” các lớp truyện và các tuyến nhân vật được cấu trúc chặt chẽ tạo nên sự liên kết tự nhiên hòa điệu vào ngôn ngữ tiểu thuyết tạo nên tính chất đa thanh của tác phẩm. Bằng lối kể độc đáo hấp dẫn tác giả Nguyễn Văn Học đã đưa bạn đọc vào những tình huống truyện vừa thú vị vừa bất ngờ mà cũng vời vợi nỗi đau mang tính bản thể con người, đó là nỗi đau tinh thần - cuộc đấu tranh giữa cảm tính và lí tính, giữa bản năng và trí tuệ trong con người.

Nhìn chung trong tiểu thuyết “Hỗn danh” tác giả đã tập trung mô tả, đặc tả những giá trị nghệ thuật chân chính với nghệ thuật tầm thương dung tục đấu tranh quyết liệt. Chủ đề tư tưởng của tác phẩm được làm nổi bật với hai phạm trù đối lập: Hỗn danh và chính danh.

Với nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết giàu cá tính và thể hiện tính chuyên môn nghề nghiệp vững chắc, tác giả Nguyễn Văn Học đã mang lại cho bạn đọc một giọng điệu vừa nghiêm túc, vừa hài hước châm biếm nhẹ nhàng những thói háo danh, bệnh hãnh tiến ở những cá nhân không có năng lực thật sự mà lại thích khoe khoang đánh bóng tên tuổi bằng những thứ phù phép trá hình của công nghệ “lăng xê”. Tác giả đề cao những giá trị nghệ thuật, giá trị đạo đức chân chính nhằm khu biệt với những giá trị giả tạo, mà xuyên suốt tác phẩm luôn hiện lên sự hỗn danh đòi bài trừ phủ định sự chính danh. Song sự chính danh bao giờ cũng chiến thắng - Cái đẹp luôn chiến thắng sự giả rối thấp hèn.

Trong tác phẩm “Hỗn danh” giàu tính văn học, tác giả đã xây dựng thành công mẫu nhân vật nghệ sĩ với những bi kịch của cơm áo gạo tiền do tác động từ mặt trái nền kinh tế thị trường: Họ chưa thể toàn tâm toàn ý để phụng sự nghệ thuật một cách trọn vẹn. Tuy nhiên tác giả đã khéo xử lí để câu chuyện khép lại người nghệ sĩ được trả lại đúng với vị trí và thiên chức của mình là sáng tạo ra cái đẹp chân chính thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình sáng tạo nghệ thuật.

Trong tác phẩm của Nguyễn Văn Học luôn có hai thế giới - hai hệ thống nhân vật song hành: Đó là thế giới nhân vật hiện thực và thế giới phi lí. Điều thú vị của tác phẩm ở chỗ là tác giả đã dụng công xây dựng hai thế giới nhân vật này tương tác thật nhuần nhuyễn. Và chính thế giới tưởng chừng phi lí đó đã thức tỉnh thế giới hiện thực đầy cảm tính của con người làm con người bừng tỉnh nhận ra đúng giá trị Nhân Văn thuộc về con người. Vấn đề con người trong tác phẩm “Hỗn danh” luôn vận động từ cảm tính lên lí tính một cách quanh co và bất ngờ - đó cũng là những điểm nhấn nghệ thuật gây hứng thú cho bạn đọc.

Tiểu thuyết “Hỗn danh” với đặc tính văn phong súc tích ngôn ngữ phong phú uyển chuyển, câu văn sáng đẹp linh hoạt, nội dung mới lạ cách diễn đạt dung hòa giữa ngôn ngữ tiểu thuyết nghiêm túc với ngôn ngữ hài hước sâu sắc, đã làm nên sự thành công của tác phẩm. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải lắng nghe ý kiến của bạn đọc từ nhiều phía.

Nguyễn Văn Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ