• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Huấn luyện quân sự Mỹ tại Cyprus: Tín hiệu gì tới Thổ Nhĩ Kỳ?

Thế giới 09/07/2020 09:26

(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ hôm thứ Tư cho biết họ lần đầu tiên có kế hoạch tiến hành huấn luyện quân sự với Síp, bất chấp đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, theo AFP.

Quốc hội Mỹ năm ngoái đã chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ đối với đảo Síp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lần đầu tiên cho biết Bộ Ngoại giao nước này sẽ tài trợ cho việc huấn luyện quân sự cho Cộng hòa Síp như một phần của "mối quan hệ an ninh mở rộng của chúng tôi".

"Đây là một phần trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm tăng cường mối quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực, nhằm thúc đẩy sự ổn định ở đông Địa Trung Hải", ông Pompeo nói với các phóng viên.

Huấn luyện quân sự Mỹ tại Cyprus: Tín hiệu gì tới Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 1.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ duyệt binh tại phía bắc Síp năm 2019. Ảnh: AFP.

Sự hợp tác này nằm trong chương trình Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế Hoa Kỳ, nhằm tìm cách đào tạo các sĩ quan nước ngoài và tăng khả năng tương tác của các quốc gia thân thiện với quân đội Hoa Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ tự xưng đã cảnh báo phản đối việc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí, nói rằng điều đó sẽ làm đảo lộn cán cân quyền lực trên hòn đảo.

"Như chúng tôi liên tục nhấn mạnh trong quá khứ, các bước đi này không góp phần vào nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Síp mà còn làm gia tăng hơn nữa thái độ cứng rắn của người Síp gốc Hy Lạp" Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói về thông báo của ông Pompeo.

"Rõ ràng là các bước đi không quan sát sự cân bằng giữa hai bên sẽ không giúp khôi phục môi trường tin cậy trên hòn đảo cũng như việc khôi phục hòa bình và ổn định ở phía đông Địa Trung Hải", tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Hoa Kỳ đã áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí vào năm 1987 để tránh một cuộc chạy đua vũ trang và khuyến khích một giải pháp hòa bình trên hòn đảo này, nơi có đa số dân là người Hy Lạp.

Các nhà phê bình cho rằng quyết định này đã phản tác dụng khi buộc Síp, hiện là thành viên EU, tìm kiếm các đối tác khác để mua vũ khí. Trong khi đó, Ankara - dù là thành viên NATO - đã mua được vũ khí tiên tiến từ Nga.

Sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào đảo Síp năm 1974, hòn đảo này vẫn duy trì được hòa bình tương đối trong những thập kỷ tiếp theo khi các nhà lãnh đạo người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách xây dựng mối quan hệ với nhau.

Tuy nhiên, căng thẳng gần đây đã bùng lên vì việc Thổ Nhĩ Kỳ khoan và phát triển khai thác khí đốt ngoài khơi hòn đảo này – điều Liên minh châu Âu gọi là bất hợp pháp.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ