Hương Giang và phụ nữ chuyển giới cần gì được công nhận “thuần chủng”

Phong Linh | 11-08-2020 - 19:48 PM

(Tổ Quốc) - Nếu đã sống trọn vẹn với tính nữ, với khao khát và đam mê, với cảm xúc và tư duy như một người phụ nữ, hà cớ gì coi họ là “hạng hai”?

Khi giới tính sinh học bị mang ra để định giá con người

* Thuần chủng: (Giống sinh vật) còn giữ nguyên vẹn bản chất của dòng giống, không bị lai tạp. Ví dụ: Đàn lợn thuần chủng, giống lúa thuần chủng.

Từ trái nghĩa: Lai, tạp chủng. (Từ điển tiếng Việt)

“Dù gì cũng là một nam nhân chuyển giới thành nữ mà cứ ngồi sóng truyền hình “chỉ bảo” phụ nữ thuần chủng “cách để giữ đàn ông”, “chinh phục zai”. Hơi sai và xa giới hạn! Kỳ kỳ” - đó là quan điểm của một người (thôi tạm bỏ qua xuất thân, nghề nghiệp đi) đàn ông nhắc đến Hương Giang idol, đả động đến chuyện cô ấy làm host của một chương trình tìm kiếm tình yêu.

Tạm bỏ qua sự ấu trĩ của hai chữ “thuần chủng” mà định nghĩa trong từ điển đã xác lập, bỏ qua sự thiển cận trong thái độ của một người đàn ông đánh giá phụ nữ, có thể thấy rằng phát ngôn trên trực diện tấn công những phụ nữ chuyển giới. Chuyện này cũng chẳng lạ.

Trước Hương Giang, Lynk Lee và rất nhiều phụ nữ chuyển giới khác phải hứng chịu những bình luận quá khích và khiếm nhã hơn nhiều, đặc biệt là khi càng lúc càng nhiều hơn người trong cộng đồng xuất hiện trong ánh sáng (và tỏa sáng). Người ta bàn luận về sinh hoạt tình dục, về cơ thể của người chuyển giới nữ như thể đó là chuyện đáng xấu hổ, nhục nhã. Họ mang cùng một niềm tin: Phụ nữ chuyển giới không phải là/không được phép xem là phụ nữ đích thực.

Những điều mà bình thường phụ nữ (hợp giới) hay gào khóc cho rằng là bất công của tạo hóa như những kỳ kinh nguyệt, chuyện mang bầu (và hậu quả của nó lên cơ thể thanh tân), bỗng dưng được nâng lên thành đặc trưng, niềm tự hào để người ta tấn công, xổ toẹt vào những phụ nữ chuyển giới. Và rằng, với những khác biệt đó, phụ nữ chuyển giới đòi bình đẳng như phụ nữ hợp giới là vô lý, vì họ “không phải đàn bà, không phải đàn ông”, hay phũ hơn “không đẻ được thì sao có thể gọi là phụ nữ”.

Sự đấu tranh nội tâm, dũng cảm thừa nhận mình sau trải nghiệm lạc loài vì không đáp ứng những giá trị nam tính trong quá khứ và “chiến đấu” với tạo hóa để sinh tồn bỗng dưng trở thành lợi thế trong cuộc chiến giành đàn ông. Những bộ ngực, bờ mông, sự nữ tính tự thân mà phụ nữ hợp giới có, với người chuyển giới nữ là cả quá trình đầu tư, đánh đổi trở thành thứ bị thù ghét, “vì các cô không “rụng dâu” nên đàn ông qua lại với các cô thoải mái mà không sợ để lại hậu quả”; “vì các cô không mang bầu nên cơ thể các cô không tàn phá, không có con nên không mất thời gian bỉm sữa, không phải chia thành hai nửa nên mãi mãi là gái son”...

Và cứ thế, sự kỳ thị, ganh ghét đẩy những phụ nữ chuyển giới ở giữa lằn ranh của hai giới tính. Và những nỗ lực đấu tranh để được công nhận là phụ nữ, như họ vẫn là, bỗng trở thành trò lố và phản cảm trong mắt những người tấn công.

Chúng ta không sinh ra là phụ nữ mà trở thành phụ nữ

Loài dơi là chim hay thú? Cá voi (cùng với cá heo và một số loài khổng lồ cùng thuộc bộ này) là cá hay là thú? Dơi có cánh và bay lượn trên đầu trời, nó có đủ đặc điểm của một loài chim, nhưng dơi có vú và nuôi con bằng sữa mẹ. Nó được công nhận là loài thú duy nhất biết bay. Cá voi sống hoàn toàn dưới nước, ăn ngủ trong nước, có vây và bơi hệt như cá, nhưng nó thở bằng phổi và có vú để nuôi con. Nó được công nhận là loài thú thủy sinh. Giống chim mà không phải chim, giống cá mà không phải cá, hình thức bên ngoài của dơi và cá voi cũng như một phần gene của chúng không quyết định chúng là những thứ na ná mình. Đó là sự đa dạng tuyệt vời của tự nhiên.

Đương nhiên, chúng ta không “xếp hạng” người chuyển giới nói riêng và giới LGBTQ dễ dàng như phân loại dơi và cá voi. Nhưng sự độc đáo, khác lạ của chúng dạy chúng ta một điều: Không thể nhìn vào kỳ kinh nguyệt, vào bộ phận sinh dục hay khả năng sinh sản để định nghĩa ai đó là gái hay trai. Nếu một ai đó có cơ thể mang bộ phận sinh dục nữ, mang đặc điểm cơ thể cái, nhưng nhận định bản thân mình là nam, là không xác định giới, là linh hoạt giới, hay phi nhị giới (loại bỏ mình khỏi sự phân định nam - nữ thông thường) thì sao? Còn những người mang cơ thể sinh học là nam nhưng thâm tâm luôn tin rằng, biết rằng mình là một người phụ nữ thì sao?

Trở lại với câu chuyện phụ nữ chuyển giới. Khi một người nhận mình là người nữ chuyển giới, nghĩa là bản dạng giới của họ nhận bản thân là nữ, tâm hồn của họ bảo rằng họ là nữ. Họ có thể thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính, hoặc không, nhưng họ luôn biết và tin rằng mình không trùng khít với cơ thể sinh học. Bởi không nhất định có tử cung, buồng trứng thì mới là phụ nữ và có dương vật mới được công nhận là đàn ông đích thực.

Vậy thì thế nào mới là một phụ nữ đích thực? Định nghĩa là việc của chúng ta tự chọn lấy, miễn là đừng tự dựng lên hình mẫu phù hợp với ta (và một nhóm người giống ta) rồi và ép buộc người khác phải đi theo. Sự dán nhãn đó chỉ khiến xã hội đa dạng tàn lụi. Việc so sánh một người chuyển giới nữ với một người hợp giới nữ, xem ai mới “thuần chủng” là thái độ còn quá nhiều định kiến giới.

Hương Giang và nhiều phụ nữ chuyển giới không phải “từng là đàn ông” nên hiểu đàn ông muốn gì. Họ am hiểu đàn ông là bởi họ đã sống với trái tim của một phụ nữ trước khi chuyển đổi cơ thể mình. Họ đã dốc cạn nỗi đau, sự rung động và những cung bậc cảm xúc như những cô gái khác. Cớ gì mà ai đó có quyền phán rằng họ không phải phụ nữ, chỉ vì trên giấy tờ ghi giới tính sinh học là “nam”?

“Người ta sinh ra không phải là phụ nữ mà trở thành phụ nữ” - Simone de Beauvoir, nhà văn, nhà triết học hiện sinh, nhà lý thuyết về nữ quyền đã viết thế trong cuốn sách nổi tiếng nhất thế kỷ 20: “Giới tính thứ hai”. Phụ nữ, ngay cả những phụ nữ hợp giới, không dưng mà họ là… phụ nữ. Tất cả những đặc điểm âm tính nhất, đặc trưng nhất: Quyến rũ, sắc sảo, tinh tế, đẹp… đều là quá trình học tập và dấn thân, để họ có thể tự hào vì mình. Nếu không, họ sẽ bị gọi là lũ đàn bà tầm nhìn không qua ngọn cỏ, là sâu sắc như cơi đựng trầu... và là “công dân hạng hai” trong góc nhìn nam quyền.

  Hương Giang và phụ nữ chuyển giới cần gì được công nhận “thuần chủng”, bởi tính nữ đâu có định nghĩa bằng tử cung - Ảnh 6.

Có thể ai đó thấy xốn mắt khi Hương Giang dạy các cô gái chọn bạn trai, nhưng với rất nhiều người LGBTQ , Hương Giang là người đi trước người mở đường cho những tư tưởng cởi mở hơn, chấp nhận và cảm thông hơn với những nhóm người thiểu số, để tạo ra môi trường lành mạnh, chống lại những tư duy cổ hủ tiêu cực.

Ai đó cho rằng “đã từng là đàn ông” nên việc cô ấy dạy phụ nữ trở thành phụ nữ là nực cười, và khiến người ta tự ái. Nhưng họ quên mất rằng, điều duy nhất trên đời mà phụ nữ không nên làm là nghe đàn ông dạy mình cách trở thành phụ nữ. Việc điên cuồng học các khóa học phòng the, học cách quyến rũ (đàn ông), học cách nấu ăn ngon, làm việc nhà giỏi, chăm con khéo (để chồng hài lòng)... của nhiều người mới đáng ngại, bởi đó là khi phụ nữ đang nắn mình theo tiêu chuẩn mà xã hội nam tính đặt ra.

Trở thành phụ nữ (hay trở thành đàn ông cũng vậy), ấy là khi bạn được sống cho chính mình, nhìn đối phương mà cùng sửa đổi và giữ nhau, chứ không phải thay đổi từ bản thân mình sang “thứ” mà đối phương muốn và cần.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM