• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hy vọng về vaccine COVID-19 tới càng gần, giới chuyên gia càng gia tăng lo ngại

Thế giới 11/08/2020 09:48

(Tổ Quốc) - Với 6 loại vaccine COVID-19 đang ở trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, dự kiến những dữ liệu đầu tiên về hiệu quả của chúng sẽ được công bố trong vòng hai tới ba tháng nữa.

Theo tờ SCMP, điều trên đồng nghĩa với khả năng vaccine sẽ ra mắt thị trường vào đầu năm sau nếu tất cả mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Một e ngại tiềm năng là, hầu hết các "ứng viên" vaccine – mặc dù sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng đều có chung một chiến lược miễn dịch học. Nếu vaccine đầu tiên chứng tỏ được tính hiệu quả thì cơ hội thành công của các loại còn lại sẽ rất cao. Tuy nhiên, viễn cảnh trái ngược cũng có thể xảy ra.

Chiến lược nhằm vào các protein sợi được dựa trên loạt nghiên cứu vaccine trước đây đối với SARS (hội chứng suy giảm hô hấp cấp nghiêm trọng) và MERS (hội ch ứng hô hấp Trung Đông). Trong giai đoạn thử nghiệm trên động vật và trên người đầu tiên, tất cả cả ứng viên vaccine COVID-19 hàng đầu đều sản sinh các kết quả như mong muốn về số lượng tế bào T và kháng thể trung lập. Tuy nhiên, chỉ trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng – thường có số tình nguyện viên tham gia từ 20.000 cho tới 40.000 người, tính hiệu quả của vaccine mới có thể được chứng minh rõ rệt.

"Hầu hết các dữ liệu cho tới nay đều ủng hộ cho mục đích của các vaccine là sản sinh ra kháng thể trung lập và tế bào T", giáo sư Daniel Altmann từ khoa dược, Đại học Imperial College London cho hay. "Nhưng vẫn còn một quãng đường dài từ đó cho tới khi có được những bằng chứng về hệ miễn dịch được bảo vệ an toàn và dài lâu".

Hy vọng về vaccine COVID-19 tới càng gần, giới chuyên gia càng gia tăng lo ngại - Ảnh 1.

Thế giới vẫn đang trong quá trình phát triển loại vaccine hiệu quả phòng chống COVID-19 (ảnh: SCMP)

Trung Quốc chọn phương án an toàn khi thử nghiệm nhiều công nghệ vaccine khác nhau, bao gồm cả một cách tiếp cận cũ của vaccine bất hoạt (inactivated vaccine). Ba loại vaccine bất hoạt do hai công ty Trung Quốc phát triển hiện đang được thử nghiệm giai đoạn ba tại Brazil và UAE. Tuy nhiên, do quy mô người tham gia thử nghiệm (9.000 đối tượng tại Brazil và 15.000 tại UAE) được đánh giá là nhỏ hơn bình thường, tính thuyết phục của dữ liệu kết quả còn cần phải được khẳng định lại.

Chính phủ Mỹ hiện là nước mua vaccine COVID-19 lớn nhất và đã cam kết chi trả cho một số các nhà phát triển vaccine bất chấp kết quả cuối cùng có thành công hay không. Sự thông qua của Hiệp hội Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ là một yếu tố quan trọng để các nước còn lại quyết định lựa chọn vaccine nào cho người dân của mình.

Trong những tuần gần đây, FDA từng nhiều lần khẳng định họ sẽ không cúi đầu trước bất kỳ sức ép chính trị nào khi phê chuẩn chất lượng vaccine, mà sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc khoa học.

Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán, Mỹ có thể thông qua vaccine đầu tiên trong năm nay, còn chuyên gia bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci cho rằng, hàng triệu liều vaccine sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm 2021.

Cuối tuần trước, Nga cũng thông báo sẽ đăng ký loại vaccine COVID-19 của mình vào ngày 12/8 cho dù vẫn vấp phải một số nghi ngại về tính an toàn và hiệu quả từ giới khoa học. Cho đến nay, các dữ liệu thử nghiệm liên quan tới mẫu vaccine này vẫn chưa được công khai.

Cùng lúc, các công ty dược phẩm toàn cầu đang "tổng lực" tăng cường năng lực sản xuất trước khi được bật đèn xanh bắt đầu sản xuất vaccine. Các nhà sản xuất sẽ phải sản xuất một số đợt vaccine trước tiên và cung cấp dữ liệu để chứng tỏ tính hiệu quả và liên tục trước khi xin cấp giấy phép.

Hiện có tổng cộng 26 loại vaccine đang được thử nghiệm ở các giai đoạn khác nhau. Các tập đoàn dược phẩm lớn như Johnson & Johnson và Sinofi đã ký kết các hợp đồng với chính phủ Mỹ ngay cả khi sản phẩm của họ mới đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ nhất và thứ hai.

Hy vọng về vaccine COVID-19 tới càng gần, giới chuyên gia càng gia tăng lo ngại - Ảnh 2.

Nhiều loại vaccine vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ nhất và thứ hai (ảnh: SCMP)

Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan, giới khoa học vẫn tỏ ra thận trọng rằng, các loại vaccine COVID-19 có khả năng chỉ mang tính hiệu quả tương tự như một liều vaccine cúm mùa mà không đạt tới tình trạng miễn dịch cộng đồng.

FDA đặt ra tỷ lệ hiệu quả tối thiểu là 50% để được phê chuẩn. Điều đó đồng nghĩa, người phơi nhiễm COVID-19 có 50-50 cơ hội bị lây hoặc không.

"Hiệu quả của vaccine cúm mùa hiện ở mức như vậy, đó chính là lý do tại sao họ coi đó là mức cơ bản", giám đốc trung tâm giáo dục vaccine tại Bệnh viện Trẻ em Philadelphia Pual Offit nói.

Theo giáo sư Altmann, ngay cả tỷ lệ trên cũng giúp ích trong việc kiềm chế dịch bệnh. "Chúng ta cần điều gì đó có thể đem lại lợi thế cho chúng ta nhằm làm giảm khả năng con người tái lây truyền virus".

Tuy nhiên, chỉ với vài tháng dữ liệu, câu hỏi đặt ra là sự miễn dịch sẽ kéo dài trong bao lâu và có kèm theo các tác dụng phụ nào không.

"Điều không chắc chắn lớn nhất là tính bền vững của vaccine. Chúng tôi chưa biết loại vaccine nào có thể bảo vệ trong một thời gian dài", ông Michael Kinch, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học và Khám phá dược phẩm tại Đại học Washington chỉ ra.

Giới khoa học có lẽ phải chờ tới khi vaccine được tung ra thị trường mới có được câu trả lời. "Có những thứ bạn không biết được", ông Offit tại Bệnh viện Philadelphia giải thích. "Nếu bạn thử nghiệm vaccine trên 20.000 người, nó khác xa với 2 triệu người… Nếu bạn thử nghiệm một vaccine cho 6 tháng, nó không có nghĩa tác dụng của vaccine sẽ kéo dài trong một năm".

FDA yêu cầu các công ty dược phẩm phải giám sát các đối tượng thử nghiệm trong giai đoạn ba ngay cả sau khi các cuộc thử nghiệm hoàn thành để kịp thời phát hiện ra các tác dụng phụ và có được nhận định tốt hơn về thời gian miễn dịch.

Các nhà chuyên gia đồng thời lo lắng về khả năng bảo vệ của vaccine trước người lớn tuổi – những người có phản ứng miễn dịch yếu hơn và dễ bị tổn thương trước COVID-19 hơn; cũng như tác dụng của vaccine với phụ nữ có thai.

Theo ông Offit, các vaccine phát triển bởi các công nghệ khác nhau có thể có tác dụng không đồng nhất đối với các nhóm nhỏ khác nhau. "Sẽ vẫn tốt hơn nếu chúng ta thử nghiệm đa dạng để tìm ra thứ có hiệu quả và an toàn", ông nói.

Giáo sư Altman cảnh báo, sẽ là một ác mộng nếu vaccine có khả năng miễn dịch ngắn lại được áp dụng ở diện rộng. "Đây không phải là một cuộc chạy đua điên cuồng tới vạch đích bởi vì chúng ta cần sự so sánh bình tĩnh để có được sự lựa chọn tốt nhất", ông nhấn mạnh. "Hãy tưởng tượng tới bi kịch nếu chúng ta lên kế hoạch kém và đổ hết công sức vào một loạt vaccine chỉ có tác dụng trong một năm và sau đó lại phải bắt đầu từ đầu – thay vì tìm kiếm loại vaccine có thể hiệu quả trong 10 năm".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ