• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Idlib “nín thở” trước giờ G: thoả thuận Thổ với Nga, Mỹ đối mặt tan vỡ?

Thế giới 14/10/2018 09:20

Cả hai thoả thuận giữa Ankara với Moscow và Wahsington tại Syria đều đang phải đối mặt với nguy cơ thất bại.

Idlib “nín thở” trước giờ G: thoả thuận Thổ với Nga, Mỹ đối mặt tan vỡ? - Ảnh 1.

Quân lính Mỹ trong một cuộc tuần tra "độc lập có phối hợp với lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ" bên ngoài thành phố Manbij, Syria, hôm 7/8 (ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Đặt ra mục tiêu là ngăn cản tình trạng bạo lực tiếp tục mở rộng, nhưng loạt thách thức mới đây đã khiến các thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Mỹ tại Syria , đều có nguy cơ rơi vào "hiểm cảnh".

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã thống nhất thiết lập một khu vực giảm leo thang tại tỉnh Idlib, Syria. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp tránh một cuộc tổng tấn công của quân đội chính phủ nhằm vào Idlib. Theo thỏa thuận, các lực lượng vũ trang địa phương phải rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực quy định vào ngày 10/10, và các nhóm Hồi giáo cực đoan phải rời đi vào ngày 15/10.

Trong khi truyền thông địa phương đưa tin, việc di dời các vũ khí hạng nặng đã hoàn tất một ngày trước thời hạn, thì nhiệm vụ thuyết phục các nhóm Hồi giáo người Sunni như liên minh Hayat Tahrir al-Sham (HTS)… rút đi theo đúng ngày đặt ra 15/10 – lại khó khăn hơn nhiều. Hôm thứ Sáu (12/10), tổ chức Quan sát nhân quyền Syria cho biết, "vẫn chưa có bất kỳ nhân tố nào thuộc các nhóm cực đoan rời khỏi khu vực phi quân sự".

Hãng tin AFP trích dẫn một số tin nhắn của quân đội Syria gửi tới người dân địa phương, trong đó viết: "những người con của Idlib và khu vực xung quanh… tránh xa quân nổi dậy, số phận của họ đã được định đoạt". Một tin nhắn khác hứa hẹn "các khu vực mà quân nổi dậy phải rời bỏ, sẽ trở nên an toàn"; còn một tin nhắn thứ ba kêu gọi: "người dân tại các khu vực mà quân nổi dậy phải rời đi, đừng để khủng bố biến bạn thành lá chắn sống".

Lần nào cũng vậy, những thỏa thuận tương tự, đơn giản là đều kết thúc trong biển máu.

Wouter Schaap

Những nhóm vũ trang bắt buộc phải ra khỏi vùng phi quân sự bao gồm HTS, và một số các đồng minh khác của Al-Qaeda như Đảng Hồi giáo Turkistan, Haras al-Din (Những hộ vệ của tôn giáo) hay Ansar al-Din (Những người ủng hộ tôn giáo)…. Các tổ chức nhân đạo quốc tế cảnh báo, nếu các nhóm này không làm theo thỏa thuận ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và khiến chiến dịch tổng tấn công nổ ra, gần như chắc chắn Idlib sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì các bên tham chiến tại Syria có thể tưởng tượng ra.

"Người dân Idlib và nhân viên cứu hộ đều đang nín thở khi thời hạn cuối cùng cho một thỏa thuận chính trị đang ngày càng gần. Trong khi các điều khoản trong thỏa thuận đã được công bố, chúng tôi lại không biết rõ kế hoạch nào sẽ được sử dụng nếu thỏa thuận trên bị thất bại. Chiến tranh liệu có xảy ra không? Lần nào cũng vậy, những thỏa thuận tương tự đơn giản là đều kết thúc trong biển máu. Những thường dân bị mắc kẹt trong tình thế này phải được cứu thoát bằng mọi giá", Wouter Schaap, giám đốc của tổ chức CARE Quốc tế tại Syria tuyên bố hôm 12/10.

Năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ "gia nhập" phương Tây và các đồng minh khu vực cùng ủng hộ cho một cuộc nổi dậy nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Kết quả là các lực lượng Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả Al-Qaeda và IS đã lần lượt trỗi dậy tại Syria - dẫn tới một chiến dịch can thiệp quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu vào năm 2014, trong đó lấy tiêu diệt khủng bố là mục tiêu hàng đầu.

Một năm sau đó, Nga cũng hiện diện tại Syria nhưng với lập trường ủng hộ cho quân đội chính phủ và đồng minh, bao gồm các các nhóm Hồi giáo người Shiite vốn được Iran "chống lưng" – trong cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy. Các lực lượng thân chính phủ Syria giờ đây đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ. Là thành lũy quan trọng cuối cùng của quân nổi dậy và các nhóm cực đoan, cũng như gần 3 triệu dân tị nạn, Idlib từ chối "cúi đầu" trước chính phủ ở Damascus. Phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Nga và Iran không để quân đội Syria tiến hành chiến dịch quân sự vào Idlib vì những nguy cơ thương vong to lớn mà thường dân nơi đây sẽ phải gánh chịu.

Trong khi Mỹ cảnh báo có thể dùng quân sự để ngăn cản chiến dịch trên xảy ra, đặc biệt nếu chính quyền Tổng thống Assad tấn công vũ khí hóa học tại Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách sử dụng vị thế của mình như một đối tác với cả hai bên để làm giảm leo thang bạo lực tại Idlib. Năm ngoái, Ankara là một trong các bên tham gia cùng với Nga và Iran, trong một tiến trình hòa bình ba bên, để đàm phán với lực lượng đối lập. Cùng thời điểm, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trở nên căng thẳng vì những bất đồng liên quan tới những binh lính người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Kể từ năm 2015, SDF đã "sánh vai" với Washington và chứng tỏ là một lực lượng không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại IS. SDF cũng từng bày tỏ sự sẵn lòng thương lượng với Damascus. Tuy nhiên, Ankara lại coi nhóm này là một nhánh mở rộng của lực lượng người Kurd bị xếp vào danh sách khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những đụng độ chết chóc giữa các tay súng nổi dậy người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ (và cũng từng được CIA "chống lưng"), với SDF (có sự ủng hộ từ Lầu Năm góc) và hiện đang kiểm soát khoảng ¼ lãnh thổ Syria.

Năm ngoái, tình trạng đối đầu giữa hai đồng minh của Washington đã "tình cờ" tạo ra một lợi ích chung hiếm có giữa Mỹ và Nga, khi cả hai nước này đồng thời tiến hành tuần tra ở thành phố Manbij, nhằm ngăn chặn những bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa những lo ngại về một cuộc tấn công bất ngờ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, đầu năm nay, Washington và Ankara đã thống nhất về các cuộc tuần tra "độc lập và có phối hợp" của mỗi bên tại Manbij; cũng như sự ra đi của nhóm Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) – một nhóm vũ trang người Kurd thuộc SDF.

Mặc dù việc tuyên bố thả mục sư Andrew Brunson hôm thứ Bảy (13/10) của Ankara có thể là một tín hiệu tích cực trong quan hệ song phương với Washington; tuy nhiên, thỏa thuận của hai nước tại Syria vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây cảnh báo rằng, các tay súng người Kurd vẫn chưa rời đi. Đe dọa sẽ tái châm ngòi lại tình trạng đối đầu hồi tháng Một, từng khiến quân đội Mỹ thề sẽ không lùi bước khi đáp trả lại những cảnh báo tương tự từ người Thổ; ông Erdogan nhấn mạnh, sẽ "làm bất kỳ điều gì cần thiết" liên quan tới Manbij.

"Họ đang đào chiến hào tại Manbij", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trong một cuộc mít-tinh ngày 12/10. "Điều này có nghĩa là ‘Chúng tôi đang tự đào mồ chôn mình đây’. Người Thổ sẽ có mặt tại đó".


Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ