• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Indonesia đối mặt nguy cơ hết tiền chống dịch Covid-19

Thời sự 13/08/2020 14:40

(Tổ Quốc) - Số liệu cho thấy GDP của Indonesia đã suy giảm 5,32% lần đầu tiên trong quý II/2020, mức sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng 1999 và cao hơn dự đoán 4,72% của hãng tin Bloomberg.

Đầu tháng 8/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gây bất ngờ cho cả thế giới khi xin lỗi người dân vì hết tiền trợ cấp lương thực cho mọi người trong mùa dịch. Sau 2 tháng cách ly, dù vẫn chưa khống chế được dịch nhưng Philippines đã buộc phải mở cửa trở lại nhằm tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong 30 năm trở lại đây. Hệ quả là ngay sau khi mở cửa, số ca nhiễm tại nước này bắt đầu tăng vọt.

Nối gót Philippines, Indonesia cũng đang phải vật lộn để chống dịch Covid-19 trong khi nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng tệ nhất hơn 20 năm qua còn nguồn ngân sách đang cạn kiệt dần.

Vào ngày 14/8 tới đây, Tổng thống Widodo sẽ có buổi phát biểu trước nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng ngân hàng trung ương nước này sẽ lại phải in thêm tiền tài trợ cho các khoản nợ khổng lồ của chính phủ nhằm chống dịch.

Indonesia đối mặt nguy cơ hết tiền chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thâm hụt ngân sách của Indonesia tăng mạnh thời gian qua (%GDP)

Trước đó, Tổng thống Widodo đã dỡ bỏ quy định giới hạn thâm hụt ngân sách 3% GDP để tăng cường vay nợ kỷ lục để chi tiêu chống dịch Covid-19. Hiện tổng nợ công của Indonesia đã lên mức cao kỷ lục chưa từng có và điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư bất an.

Bài phát biểu ngày 14/8 tới đây chủ yếu là để trấn an các nhà đầu tư rằng Tổng thống Widodo có thể kiểm soát được nợ công cũng như giữ đà tăng trưởng xoay quanh mốc 5% của đất nước.

Ngân hàng trung ương Indonesia (BoI) đã có những bước đi chưa từng thấy khi đồng ý mua lại 27 tỷ USD trái phiếu chính phủ, qua đó tài trợ tiền cho Chính phủ chống dịch. Tuy nhiên theo hãng tin Bloomberg, các động thái cứu trợ của chính phủ Indonesia là không hiệu quả do hệ thống quan liêu cồng kềnh, nhiều khoản tiền vẫn bị trì hoãn chưa đến được tay người dân.

Các số liệu thống kê cho thấy khoảng 60 triệu doanh nghiệp Indonesia chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19 và hầu như chắc chắn Tổng thống Widodo sẽ phải gia tăng chi tiêu công thêm ít nhất 1 năm nữa để hỗ trợ người dân.

"Chi tiêu công vẫn sẽ cao trong năm 2021 và chúng tôi không thấy dấu hiệu suy giảm thâm hụt ngân sách nào trong 2 năm tới", Chuyên gia kinh tế David Summual của PT Bank Central Asia nhấn mạnh.

Việc không khống chế được dịch bệnh đang khiến Indonesia tốn thêm nhiều ngân sách. Chính phủ nước này đã dành hẳn gần 6 tỷ USD trong năm nay để chống dịch và có thể còn nhiều hơn vào năm sau nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Indonesia đối mặt nguy cơ hết tiền chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Kinh tế Indonesia suy giảm mạnh nhất trong hơn 20 năm qua

Khủng hoảng tệ nhất 20 năm qua

Khoảng 2 triệu người Indonesia đang bị mất việc làm vì đại dịch và nền kinh tế này đang hướng đến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua. Số liệu cho thấy GDP của Indonesia đã suy giảm 5,32% lần đầu tiên trong quý II/2020, mức sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng 1999 và cao hơn dự đoán 4,72% của hãng tin Bloomberg.

"Bạn biết rằng một đợt suy giảm sẽ tới và đã chuẩn bị tinh thần cho chúng, thế nhưng khi mọi việc diễn ra thì bạn vẫn sẽ cảm thấy đau đơn vô cùng", Chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Ngân hàng OCB chi nhánh Indonesia ngậm ngùi.

Doanh số bán lẻ tại Indonesia đã giảm mạnh trong khi ngành sản xuất tiếp tục đi xuống. Xuất khẩu của nước này với chủ yếu là các mặt hàng than, dầu cọ… cũng giảm 11,6% vì dịch bệnh khiến nhiều thị trường suy giảm nhu cầu. Chi tiêu công giảm 6,9%.

Chính phủ Indonesia đã hạ mức dự báo kinh tế trong năm nay xuống còn khoảng -0,4% cho đến 1% trong khi tình hình dịch bệnh chưa cho thấy dấu hiệu đã được khống chế.

Trước áp lực khủng hoảng, nhiều chuyên gia đã kêu gọi chính phủ cần hành động mạnh tay hơn. Hiện tại Indonesia mới chỉ chi khoảng 141 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 9,7 tỷ USD tiền cứu trợ. Con số này chỉ bằng 20% tổng ngân sách 695,2 nghìn tỷ USD đã được chính phủ dành ra cho chống dịch.

AB

NỔI BẬT TRANG CHỦ