• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Iran liên tiếp hành động mạnh: Đẩy loạt siêu cường ra giữa lối rẽ?

Thế giới 09/07/2019 10:35

(Tổ Quốc) - Iran hôm thứ Hai đã bắt đầu làm giàu uranium lên mức 4,5%, phá vỡ giới hạn theo quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 JCPOA.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tehran vẫn đang tìm cách thúc giục châu Âu hỗ trợ họ vượt qua các lệnh trừng phạt của Washington.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA – bên giám sát Iran theo thỏa thuận hạt nhân 2015, vào thứ 2 đã xác minh rằng, Iran đang làm giàu uranium cao hơn ngưỡng 3,67%.

Uranium làm giàu ở mức 3,67% là đủ cho các mục tiêu hòa bình nhưng thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí. Ở mức 4,5%, nó đủ để giúp cung cấp năng lượng cho lò phản ứng Bushehr của Iran, nhà máy điện hạt nhân duy nhất của đất nước.

Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Cơ quan hạt nhân Iran, đã xác nhận việc làm giàu uranium với AP. "Tại thời điểm này, mức làm giàu của chúng tôi là khoảng 4,5%", Kamalvandi nói.

Iran liên tiếp hành động mạnh: Đẩy loạt siêu cường ra giữa lối rẽ? - Ảnh 1.

Iran đang gia tăng làm giàu uranium vượt qua ngưỡng giới hạn của thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Theo AP, Kamalvandi đã tỏ ý trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, phát sóng hôm thứ Hai rằng, Iran có thể coi việc làm giàu tới 20% hoặc cao hơn là bước đi thứ ba, nếu điều này là cần thiết; đồng thời, họ vẫn chưa nhận được những gì họ muốn từ châu Âu.

Kịch bản này sẽ khiến các chuyên gia không phổ biến hạt nhân lo lắng vì 20% là một bước đi kỹ thuật ngắn trước đi đạt đến cấp độ vũ khí là 90%. Kamalvandi cũng nhắc tới việc sử dụng thêm các máy ly tâm mới – điều vốn bị JCPOA giới hạn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết Iran đánh giá cao nỗ lực của một số quốc gia trong việc cứu vãn thỏa thuận. "Chúng tôi không hy vọng cũng không tin tưởng vào bất cứ ai, cũng như bất kỳ quốc gia nào, nhưng cánh cửa ngoại giao đang mở", Mousavi nói.

"Nếu các quốc gia còn lại trong thỏa thuận, đặc biệt là người châu Âu, không thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình và không làm gì hơn việc chỉ đối thoại thì bước đi thứ ba của Iran sẽ cứng rắn hơn, kiên định hơn", ông nói.

Tăng sức ép châu Âu

Khẳng định trên từ người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran với AP cho thấy Cộng hòa Hồi giáo đang cố gắng gia tăng áp lực lên những bên còn lại trong JCPOA. Thông tin này cũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Iran thừa nhận phá vỡ giới hạn dự trữ 300 kg (661 pound) uranium làm giàu mức thấp - một điều khoản khác của hiệp định.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc làm giàu uranium lên mức cao hơn và gia tăng kho dự trữ có thể bắt đầu thu hẹp khoảng thời gian một năm Iran cần để có đủ nguyên liệu cho vũ khí nguyên tử. Trong khi Iran vẫn có thể đảo ngược tiến trình này, châu Âu đang gặp nhiều khó khăn để đưa ra phản ứng của mình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đối thoại với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và cho biết họ đang cố gắng tìm cách để nối lại đối thoại quốc tế với Iran vào ngày 15/7. Hiện vẫn chưa rõ những gì châu Âu có thể làm, bởi vì Iran muốn họ giúp Tehran bán dầu thô của mình ra nước ngoài.

Ông Macron đang cử cố vấn ngoại giao trưởng của mình, Emmanuel Bonne, đến Tehran vào thứ ba, mặc dù không rõ quan chức này sẽ ở lại bao lâu hoặc sẽ gặp ai.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tin rằng hành động của Iran sẽ không giúp bảo vệ thỏa thuận "cũng như không đảm bảo lợi ích kinh tế hữu hình cho người dân Iran", theo phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq.

Mỹ cứng rắn: Kéo theo nguy cơ?

Trong khi đó, cũng có những lo ngại rằng một tính toán sai lầm trong cuộc khủng hoảng này có thể bùng nổ thành xung đột mở. Tổng thống Donald Trump, người đã rút Mỹ khỏi JCPOA hơn một năm trước và áp đặt lại các lệnh trừng phạt kinh tế làm tê liệt Iran, đã suýt tấn công Tehran vào tháng trước sau khi Iran bắn hạ một máy bay giám sát không người lái của quân đội Hoa Kỳ. Ngay cả Trung Quốc, hiện đang rơi vào cuộc chiến thương mại cam go với Nhà Trắng, cũng công khai chỉ trích chính sách của Mỹ đối với Iran.

"Điều tôi muốn nhấn mạnh là sức ép tối đa mà Hoa Kỳ áp đặt lên Iran là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng trong vấn đề hạt nhân Iran", Geng Shuang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Vào Chủ nhật, ông Trump cảnh báo rằng "Iran nên cẩn thận hơn". Ông không nói rõ về những hành động mà Hoa Kỳ có thể xem xét, nhưng đã nói với các phóng viên: "Iran đang làm rất nhiều điều xấu".

Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ việc gây sức ép tối đa đối với Iran và "sẽ không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân", Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu.

"Iran phải lựa chọn giữa việc chăm sóc người dân và tiếp tục tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm", theo ông Pence nói.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đưa ra lập trường tương tự.

Mỹ đã thực hiện "chiến dịch gây sức ép mạnh nhất trong lịch sử chống lại chế độ Iran", ông Pompeo nói, "và chúng tôi chưa làm xong điều đó."

Hoa Kỳ đã gửi hàng ngàn binh sĩ, một tàu sân bay, máy bay ném bom B-52 có sức mạnh hạt nhân và các máy bay chiến đấu tiên tiến đến Trung Đông. Các cuộc tấn công bí ẩn vào tàu chở dầu gần eo biển Hormuz, hay việc phe Houthis – được cho là do Iran hậu thuẫn – tấn công Ả Rập Saudi và việc Iran bắn hạ một máy bay không người lái của quân đội Hoa Kỳ đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn và có thể nhấn chìm Trung Đông.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ