• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Iran và Triều Tiên trong cuộc đua tàu ngầm tiềm tàng trên biển

Thế giới 08/02/2020 13:58

(Tổ Quốc) - Iran và Triều Tiên đang nâng cấp các đội tàu già cỗi của họ và chế tạo các tàu ngầm mới và tiên tiến hơn để chống lại các đối thủ ở vùng biển mở.

Chỉ huy hải quân Iran, Đô đốc Hossein Khanzadi đã nói về năng lực quân sự dưới nước của đất nước ông trong bài phát biểu hôm thứ Năm tại tỉnh phía đông bắc Razavi Khorasan. Ông tuyên bố rằng "các thiết bị phức tạp nhất trên thế giới đang xuất hiện trong quân đội và trong số các thiết bị quân sự, tối tân nhất là những thiết bị được tìm thấy trong hải quân, đặc biệt là tàu ngầm", theo hãng thông tấn bán chính thức Tasnim.

Chiến lược âm thầm

"Ngày nay, nhờ những nỗ lực của tuổi trẻ vùng đất này", ông nói thêm, "đất nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này."

Iran và Triều Tiên trong cuộc đua tàu ngầm tiềm tàng trên biển - Ảnh 1.

Iran được cho là đang tập trung phát triển tàu ngầm. Ảnh: Armed Forces of the Islamic Republic of Iran.

Nhận xét của nhà lãnh đạo quân sự cấp cao trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi truyền thông Iran phát sóng một đoạn phim ngắn về một trong những tàu ngầm hạng trung lớp Ghadir của họ hạ gục một nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ ở Eo biển Hormuz. Bất chấp lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt, Cộng hòa Hồi giáo vẫn tiếp tục phát triển lực lượng trên mặt nước và dưới nước trong bối cảnh Washington và Tehran đối đầu căng thẳng ở khu vực Vịnh Ba Tư.

Tháng 2 năm ngoái, ngay sau khi đoạn video tàu ngầm được phát sóng, Iran đã tiết lộ một tàu ngầm lớp Fateh bán hạng nặng mới tại một buổi lễ do chính Tổng thống Hassan Rouhani tham dự ở căn cứ hải quân của Bandar Abbas. Tàu này cho thấy năng lực tên lửa hành trình của nó một tuần sau đó tại cuộc tập trận Velayat-97, với tầm hoạt động hơn 770.000 dặm vuông qua eo biển Hormuz, biển Oman và Ấn Độ Dương.

Vịnh Ba Tư và các vùng ngoại vi của nó đã là một điểm nóng về bất đồng quốc tế kể từ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương năm 2015 với Tehran. Các lệnh trừng phạt đơn phương kể từ đó Mỹ áp đặt vào Iran ngày càng hạn chế khả năng của nước này trong việc tham gia thương mại, đặc biệt là trong thị trường dầu béo bở.

Trong khi Hoa Kỳ đã gửi thêm quân đội và khí tài đến khu vực này để tăng cường phòng thủ, Iran có hai lực lượng hàng hải riêng biệt được triển khai ở đó, bao gồm hải quân thông thường của Iran và hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ. Chỉ có lực lượng thông thường được cho là vận hành tàu ngầm, mặc dù chỉ huy hải quân Vệ binh Cách mạng, Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri nói với hãng thông tấn Tannim vào tháng trước rằng nước này có thể sớm bắt đầu chế tạo tàu ngầm.

Người ta ước tính rằng Iran có khoảng 34 tàu ngầm, số lượng có thể tương đương một hạm đội lớn thứ năm trên thế giới, theo Global Firepower.

Hạt nhân và sức mạnh trên biển của Triều Tiên

Dẫn đầu về số lượng này là một đối thủ lâu năm khác của Mỹ - bên lâu nay vẫn chịu một chiến dịch "áp lực tối đa" do chính quyền Trump lãnh đạo. Triều Tiên được cho là sở hữu tới 83 tàu ngầm, mặc dù số lượng tàu cũ, chủ yếu là thời Chiến tranh Lạnh, đang hoạt động vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong Un đã lên kế hoạch cải tổ lực lượng hải quân của mình. Tháng 7 năm ngoái, ông được nhìn thấy đang tham quan một "tàu ngầm mới được chế tạo" - được tin là tàu ngầm lớp Gorae thử nghiệm, còn được gọi là lớp Sinpo hoặc lớp Pongdae và có khả năng là con tàu lớn nhất của nước này từ trước đến nay.

Một số hình ảnh về tàu ngầm xuất hiện trên truyền thông nhà nước của quốc gia này đã bị che một phần, ẩn đi điều tình báo Hàn Quốc nghi ngờ là có tới ba bệ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Sau một loạt các vụ thử tên lửa và tên lửa tầm ngắn, Triều Tiên đã bắn thử một SLBM tầm trung lần đầu tiên sau ba năm vào tháng 10 năm ngoái.

Nhiều tháng sau, ông Kim thực hiện lời hứa năm mới sẽ ra mắt một "vũ khí chiến lược mới" trong "tương lai gần". Cùng ngày hôm đó, một chiếc tàu ngầm lớp Sinpo đã có mặt ở Nhà máy đóng tàu Sinpo South, như được chỉ ra trong hình ảnh vệ tinh của Planet Labs trong một báo cáo của dự án 38 North của Trung tâm Stimson.

Trong khi Iran không được biết là sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào và tuyên bố công khai rằng họ không tìm kiếm những khả năng như vậy, Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân và được cho là đã tích trữ được ít nhất hàng chục đầu đạn hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng hạt nhân và có thể tiếp tục phát huy năng lực hạt nhân trên biển.

Chính quyền Trump cho đến nay đã thất bại trong việc đảm bảo các thỏa thuận mới với tác dụng răn đe lâu dài với cả Tehran hay Bình Nhưỡng. Cả hai nước này đều tuyên bố sẽ chống lại những gì họ coi là chính sách cứng rắn nhằm phá hoại an ninh quốc gia của họ.

Nhà Trắng đã nhấn mạnh vào việc nâng cao năng lực chiến lược của Lầu Năm Góc và quân đội Hoa Kỳ tuyên bố hôm thứ Ba rằng đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp W76-2 đã được triển khai lần đầu tiên cho Trident II SLBM.

Trong khi đổ lỗi cho "những kẻ thù tiềm năng, như Nga" về việc lần đầu tiên tìm kiếm những vũ khí hiệu suất thấp như vậy, Newsweek đã đưa tin vào tháng trước rằng W76-2 cũng có thể được coi là một lựa chọn hữu dụng và kịp thời hơn để chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran hoặc Triều Tiên.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ