• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kế hoạch khủng mở rộng Hải quân Mỹ bất ngờ bị coi là "động lực" cho quân đội Trung Quốc

Thế giới 18/09/2020 14:24

(Tổ Quốc) - Tờ SCMP dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng, trước lời kêu gọi của Mỹ tăng cường sức mạnh hải quân, Trung Quốc sẽ càng quyết tâm hơn nữa trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội.

Nhận định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm Thứ Tư (16/9) công bố kế hoạch tham vọng mở rộng Hải quân Mỹ với các tàu không người lái, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, nhằm đối phó với những thách thức trên biển đang ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Trong bài phát biểu trước tổ chức tư vấn chính sách Rand Corporation, ông Esper tiết lộ, một bản báo cáo về lực lượng hải quân Mỹ có tên "Tiến về Tương lai" đã đề ra một kế hoạch "thay đổi cuộc chơi". Theo đó, hạm đội tàu Mỹ sẽ được gia tăng lên thành hơn 355 tàu so với mức 293 tàu hiện tại. Với khoản ngân sách ước tính trị giá 10 tỷ USD từ nay cho tới năm 2045, kế hoạch hướng tới mục tiêu duy trì sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ trước Trung Quốc.

"Hạm đội tương lai sẽ cân bằng hơn trong năng lực triển khai các cuộc tấn công gây sát thương từ trên không, trên biển và cả dưới biển", người đứng đầu Lầu Năm góc nói.

Kế hoạch khủng mở rộng Hải quân Mỹ bất ngờ bị coi là "động lực" cho quân đội Trung Quốc - Ảnh 1.

Bắc Kinh đặt mục tiêu hoàn thành hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vào năm 2035 và sở hữu quân đội tầm cỡ thế giới vào năm 2049 (ảnh: SCMP)

Theo chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Liu Weidong, Bắc Kinh đã quen với những tuyên bố kiểu như trên. Tuy nhiên, nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đang gia tăng, chủ yếu là do sự thay đổi trong chiến lược của Washington.

"Washington đã coi Trung Quốc là một mối đe dọa và đối thủ chủ chốt, vì vậy họ chắc chắn sẽ rất cứng rắn trên biển và điều đó có thể sẽ dẫn tới một số xung đột", ông Liu chỉ ra. Tuy nhiên, chuyên gia người Trung Quốc cũng đánh giá, các xung đột có thể được dàn xếp vì không bên nào muốn chiến tranh thực sự xảy ra.

Còn nhà nghiên cứu đến từ Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nanyang, Singapore - ông Colin Koh nhận xét, phát biểu của Bộ trưởng Esper chỉ khiến quyết tâm hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh càng trở nên mãnh liệt hơn.

"Trung Quốc sẽ không thực hiện các biện pháp đối phó với những tuyên bố của ông Esper ngoài những gì họ đang làm, như chỉ trích công khai rằng các phát biểu như vậy vẫn mang tinh thần thời kỳ Chiến tranh Lạnh…", ông Koh nói. "Những lời lẽ của ông Esper sẽ không ảnh hưởng tới những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh. Nếu có, nó chỉ thúc đẩy Bắc Kinh kiên quyết hơn mà thôi".

Ông Koh cũng cảnh báo, "mặc dù khả năng xung đột thấp nhưng chúng ta không thể bỏ qua viễn cảnh những va chạm gần trên biển và trên không giữa quân đội hai bên".

Vào cuối năm 2017, Tổng thống Donald Trump từng gọi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược đối với Mỹ. Thời điểm đó, hai nước đang rơi vào cuộc giằng co áp thuế lên hàng hóa của nhau. Và sau 3 năm, mối quan hệ Bắc Kinh- Washington đang rơi vào điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây khi hai cường quốc đối đầu nhau trong nhiều lĩnh vực từ ngoại giao, công nghệ tới quân sự.

Về mặt công nghệ, chính quyền Trump liên tục nhắm vào các "ông lớn" của Trung Quốc như Tencent và Huawei – thông qua các lệnh trừng phạt khiến các công ty này không thể tiếp cận được với công nghệ Mỹ.

Mỹ cũng tăng cường theo dõi những nỗ lực cải thiện sức mạnh quân đội của Trung Quốc. Bắc Kinh đặt mục tiêu hoàn thành hiện đại hóa các lực lượng vũ trang vào năm 2035 và trở thành lực lượng tầm cỡ thế giới vào năm 2049. Trong ngân sách tài khóa năm 2020, Mỹ đã gia tăng ngân sách quốc phòng thêm 4% lên 750 tỷ USD. Năm nay, Hải quân Mỹ cũng nhận được 795 triệu USD để mua con tàu đầu tiên thuộc nhóm tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới.

Hồi tháng Bảy, quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 4/7, Hải quân Mỹ thông báo triển khai hai nhóm tàu sân bay, USS Nimitz và USS Ronald Reagan, tham gia tập trận phòng thủ trên không chiến thuật tại Biển Đông, nhằm "ủng hộ cho một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Tới ngày 26/8, Trung Quốc phóng đi 2 tên lửa, bao gồm một tên lửa "diệt tàu sân bay" về phía Biển Đông và coi đó như một động thái thách thức Mỹ.

Theo nhà bình luận quân sự tại Hong Kong Song Zhongping, giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc sẽ không phản ứng mạnh mẽ sau bài phát biểu của Bộ trưởng Esper, thay vào đó họ sẽ tiếp tục quá trình hiện đại hóa quân đội của mình.

"Tuy nhiên, rõ ràng nguy cơ đối đầu hải quân giữa hai quốc gia đang gia tăng bởi vì Mỹ thông qua lý do 'duy trì tự do hàng hải' để củng cố vị thế của mình [trên biển] và do đó, Washington sẽ ngăn trở mọi động thái gây dựng năng lực hải quân của Trung Quốc", ông Song Zhongping nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ