• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai mạc Triển lãm tài liệu lịch sử “Điểm đến-Việt Nam” tại Nga

Văn hoá 17/05/2019 09:32

Ngày 15/5, tại Phòng Triển lãm của Cơ quan lưu trữ văn học và lịch sử Nga (RGALI) ở thủ đô Moskva đã khai mạc triển lãm tài liệu lịch sử “Điểm đến-Việt Nam.”

Khai mạc Triển lãm tài liệu lịch sử “Điểm đến-Việt Nam” tại Nga - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia Việt Nam Đặng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Triển lãm và nhấn mạnh đến hiệu quả trong công tác lưu trữ. (Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)

Đây là sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động của năm chéo Nga-Việt: năm Nga tại Việt Nam và năm Việt Nam tại Liên bang Nga.

Triển lãm trưng bày các hiện vật lưu trữ bao trùm lên quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô từ những năm 1950.

Triển lãm được tổ chức phối hợp giữa Cơ quan lưu trữ liên bang của Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia Việt Nam và  Quỹ “Lịch sử Tổ quốc” (Nga). Các nhà tổ chức chọn mốc thời gian bắt đầu từ thập kỷ 1950, khi đạo diễn kiệt xuất người Nga Roman Karmen vốn được mệnh danh là “người viết sử bằng máy quay” quay bộ phim tài liệu màu mang tên “Việt Nam.”

Bộ phim có sự tham gia của các đạo diễn Việt Nam và được quay trong điều kiện vô cùng khó khăn của chiến tranh, thực sự là kho tư liệu vô cùng quý giá ghi lại những giây phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm tháng hòa bình đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.

Công tác làm phim với các đạo diễn Liên Xô là trường học thực tiễn cho các đạo diễn, nhà hoạt động nghệ thuật Việt Nam, đồng thời đánh dấu sự xuất hiện của nhóm chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam, đặt nền móng cho sự hợp tác giữa hai nước cho đến nay.

Triển lãm trưng bày nhiều hiện vật lấy từ kho lưu trữ của nhà đạo diễn lừng danh cũng như từ Cơ quan lưu trữ quốc gia của Liên bang Nga - những tấm ảnh đen trắng, những bức thư trao đổi giữa các đạo diễn hai nước, những ghi chép của tác giả âm nhạc của bộ phim, đi kèm với những câu chuyện bên lề về hoạt động của các nhà làm phim lúc đó.

Người xem đã xúc động được biết quyết tâm của đạo diễn phải quay phim bằng màu cho “xứng đáng” với tầm vóc bộ phim, và vì thế thành viên đoàn làm phim phải rất vất vả vận chuyển và bảo vệ những hộp phim màu quý hiếm thời đó.

Phát biểu với phóng viên VietnamPlus, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam, cho biết hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong lĩnh vực lưu trữ đang phát triển mạnh trong vài năm gần đây, hai bên đã thực hiện nhiều dự án công bố, dịch và xuất bản các tài liệu quý hiếm về những sự kiện dấu mốc trong lịch sử đất nước như Hội nghị Geneva, tới đây sẽ là Hội nghị Paris.

Theo ông Tùng, những triển lãm như thế này đang mang phong cách mới, đưa hồ sơ lưu trữ tưởng như luôn được giữ kín đến gần hơn với công chúng rộng rãi, giúp mọi người có được cái nhìn khoa học và khách quan về lịch sử, cũng như nâng cao vai trò của công tác lưu trữ trong đời sống.

Tiếp sau bộ phim là giai đoạn hợp tác sôi nổi trong lĩnh vực văn hóa thời kỳ 1965-1975, khi các nhà văn, nhà thơ Liên Xô thực hiện các chuyến đi thực tế sáng tác đến miền Bắc Việt Nam, chứng kiến công cuộc xây dựng hòa bình ở một nửa đất nước và sản xuất tiếp sức cho nửa kia vẫn còn đang chìm trong khói lửa chiến tranh.

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đặc biệt nở rộ trong thời bình, khi Liên Xô tiếp tục là cái nôi đào tạo từ thế hệ đầu tiên các nhà hoạt động trong lĩnh vực này cho Việt Nam. Và một sự tiếp nối sau đó là logic, mở rộng sang lĩnh vực đào tạo chuyên gia, tổ chức các Ngày văn hóa và hợp tác văn hóa hiện đại. Cho đến nay quan hệ văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước đã chỉ ngày càng vững bền và phát triển.

Chia sẻ về tên gọi của Triển lãm, bà Tatyana Goriaeva, giám đốc Cơ quan lưu trữ văn học và lịch sử Nga, cho biết “Điểm đến” hàm ý một sự tập trung cao độ, đúng như tình cảm của nhân dân Liên Xô trước kia hướng tới một Việt Nam chiến đấu, hy sinh và chịu nhiều đau khổ vì nền độc lập và tự do của mình.

Những tư liệu lưu trữ cho thấy Việt Nam trong chiến tranh là một biểu tượng đối với nhân dân Liên Xô, là mục tiêu giúp đỡ và ủng hộ, giới hoạt động văn hóa nghệ thuật đã không đứng ngoài phong trào ấy, đóng góp sức mình cho vun đắp và phát triển quan hệ hai nước.

Triển lãm “Điểm đến-Việt Nam” mở cửa đón người xem từ ngày 16/5 đến 14/6 tới vào tất cả các ngày trong tuần. Vào cửa tự do chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân./.

Một số hình ảnh của Triển lãm:

Khai mạc Triển lãm tài liệu lịch sử “Điểm đến-Việt Nam” tại Nga - Ảnh 2.

Sự kiện khai mở kho lưu trữ luôn thu hút được sự chú ý của những người yêu thích lịch sử. (Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)

Khai mạc Triển lãm tài liệu lịch sử “Điểm đến-Việt Nam” tại Nga - Ảnh 3.

Tác giả của tên gọi Triển lãm Ksenia Yakovleva thuyết minh từng hiện vật đến người xem. (Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)

Khai mạc Triển lãm tài liệu lịch sử “Điểm đến-Việt Nam” tại Nga - Ảnh 4.

Nhiều hiện vật trưng bày tại Triển lãm được lấy từ kho lưu trữ cá nhân của nhà đạo diễn Roman Karmen. (Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)

Khai mạc Triển lãm tài liệu lịch sử “Điểm đến-Việt Nam” tại Nga - Ảnh 5.

Những thước phim màu vô giá về một thời kỳ lịch sử hào hùng của Việt Nam. (Ảnh: Lê Hằng/Vietnam+)


Theo vietnamplus.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ