• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khe nứt Mỹ-Hàn “đe dọa” lối thoát hạt nhân Triều Tiên

Thế giới 07/09/2017 20:35

(Tổ Quốc) - Hàn Quốc dự đoán Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng tên lửa ICBM vào thứ Bảy này trong khi rạn nứt Seoul-Washington có dấu hiệu gia tăng.  

Theo Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tiếp theo của Triều Tiên có thể sẽ diễn ra “vào ngày 9/9”.

“Tình huống rất nguy ngập. Dường như không còn nhiều thời gian trước khi Triều Tiên hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân của mình,” ông Lee Nak-yon phát biểu tại Seoul hôm thứ Năm (07/9). “Cần phải có một biện pháp đặc biệt khẩn cấp để dừng sự liều lĩnh của họ lại.”

Sáng sớm cùng ngày, những thiết bị cuối cùng của hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi THAAD, đã được đưa đến một căn cứ quân sự tại Hàn Quốc. Hàng trăm người biểu tình đã có mặt trong vòng vây kín kẽ của lực lượng cảnh sát.

Đại diện của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quá trình trên đã tạm thời hoàn thành trong ngày thứ Năm; đồng thời tuyên bố, điều này là cần thiết để chống lại những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào sáng thứ Năm tại Vladivostok , trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế phía đông, do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì. Sau buổi gặp, ông Abe và ông Moon đã đưa ra một thông cáo, trong đó nêu rõ: “bây giờ là thời điểm để đẩy mạnh càng nhiều càng tốt các lệnh trừng phạt và áp lực lên Triều Tiên, hơn là tìm kiếm đối thoại.” Hai nhà lãnh đạo cũng nhìn nhận sự liên quan của Nga và Trung Quốc [trong các nỗ lực giải quyết khủng hoảng Triều Tiên] là vô cùng cần thiết, và nhất trí sẽ cùng hướng về mục tiêu này - phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc,  Yoon Young-chan cho biết.

Đổ vỡ báo trước của THAAD?

Làn sóng phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đang ngày càng lan rộng cả trong và ngoài Hàn Quốc. Những người phản đối tin rằng hệ thống phòng thủ này có thể đem đến những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó, các nhà hoạt động hòa bình bày tỏ e ngại, THAAD sẽ khiến căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang không thể kiểm soát.

Biểu tình phản đối THAAD tại Hàn Quốc

Kênh CNN dẫn lời ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phân tích, nguyên nhân chính phủ Hàn Quốc từ bỏ những hồ nghi trước đây về THAAD “một phần là do sức ép từ Mỹ và một phần là do những đe dọa từ Triều Tiên.”

THAAD cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên căng thẳng trong quan hệ giữa Hàn Quốc và nước láng giềng Trung Quốc. Seoul cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt không chính thức lên Hàn Quốc sau khi THAAD bắt đầu triển khai. Bằng chứng dễ thấy nhất là các du khách Trung Quốc được khuyến cáo là không đến Hàn Quốc, và các công ty nước này bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay trên Internet.

Trong tuần này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng đã lên tiếng cảnh báo, việc tiếp tục triển khai THAAD “chỉ phá hoại cân bằng an ninh chiến lược của khu vực,” gây ảnh hưởng tới lợi ích chiến lược của các nước khác như Trung Quốc; đồng thời đẩy mạnh chủ nghĩa phản kháng trên bán đảo Triều Tiên.

Nga cũng đã công khai chỉ trích động thái trên của Hàn Quốc và Mỹ.  

Khe nứt Seoul và Washington

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đầu năm nay, Tổng thống Moon từng tỏ ra nghi ngờ hệ thống THAAD và đưa ra lời kêu gọi đối thoại nhiều hơn với Triều Tiên.

Những nỗ lực của ông đã bị “vùi lấp” bởi những tuyên bố hiếu chiến của tất cả các bên trong vấn đề Triều Tiên, và cả mối quan hệ đang có dấu hiệu xấu đi giữa Seoul và Washington.

Hàn Quốc và Mỹ: thời tươi đẹp nay ở đâu?

Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích người đồng cấp đến từ Hàn Quốc vì đã tìm kiếm sự “nhân nhượng” đối với Bình Nhưỡng. Hồi tháng Tám, Tổng thống Moon đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ, gạt đi lời đe dọa “nổ súng và tức giận” (fire and fury) của ông Trump trước Triều Tiên. Ông Moon kiên quyết khẳng định, bất kỳ hành động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên cần phải nhận được sự tham vấn và đồng thuận từ Seoul.

Mặc dù thể hiện một lập trường cứng rắn hơn sau vụ thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên vào hôm Chủ nhật (03/9) vừa rồi, ông Moon từng nhắc tới các cuộc đàm phán quân sự giữa hai miền Triều Tiên như là một khả năng giúp giảm căng thẳng ngày một gia tăng. Còn Tổng thống Trump, mặc dù trước đây cũng một lần bày tỏ mong muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, hiện tại khẳng định, đó “không phải là câu trả lời.”

Người đứng đầu Nhà Trắng từng công khai xem xét việc hủy bỏ một thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc để đạt được những lời hứa ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái; và đe dọa bắt Hàn Quốc phải chi trả cho hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ngay cả khi Washington gia tăng sức ép đẩy nhanh quá trình triển khai.   

“Nếu chúng ta hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể có được một giải pháp tập thể cho vấn đề Triều Tiên,” cố vấn Moon Chung-in nói. Ông chỉ ra trường hợp thỏa thuận hạt nhân Iran, từng được thương lượng thành công dưới thời Tổng thống Obama, nhưng lại trở nên “mong manh” sau khi ông Trump lên nắm quyền.

“Nếu chính quyền Mỹ giành 1/5 thời gian và sức lực về Triều Tiên như với Iran, thì vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể đã được giải quyết,” ngài cố vấn nhận xét.

(Theo CNN)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ