• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khoảnh khắc nghệ thuật được định hình sau 30 năm

Văn hoá 05/06/2018 16:23

(Tổ Quốc) - Nghệ thuật với chất liệu sơn mài là tên triển lãm trưng bày 38 tác phẩm sáng tác chuyên đề chất liệu sơn mài do 14 giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là những họa sĩ, nhà điêu khắc, thực hiện.

Triển lãm được tổ chức lần này là dịp để các giảng viên- các nghệ sĩ thể hiện chất liệu sơn mài ở nhiều loại hình mỹ thuật với các kỹ thuật khác nhau có cơ hội cùng ‘hội tụ’ trong một Triển lãm chuyên đề.  

Đến với Triển lãm, lãnh đạo nhà trường, viện nghiên cứu, cán bộ, giảng viên, sinh viên đang theo học tại trường và những người đam mê nghệ thuật sơn mài ở Thủ đô đã dành cho các nghệ sĩ nhiều tình cảm đặc biệt và thể hiện sự quan tâm thích thú với các tác phẩm trưng bày trong triển lãm.

Khách tham quan Triển lãm Nghệ thuật với chất liệu sơn mài

Nhiều giảng viên, họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia triển lãm cũng là những gương mặt thân quen trong làng hội họa Việt Nam như: Lê Lạng Lương, Nguyễn Xuân Thành, Đoàn Văn Bằng, Diệp Quý Hải, Nguyễn Quang Hải, Triệu Khắc Tiến, Trần Hoàng Sơn, Nông Tiến Dũng… Mỗi người một vẻ, ngoài những nghệ sĩ trong nước với những kỹ thuật truyền thống còn có những người từng có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài (Triệu Khắc Tiến, Nguyễn Quang Hải) nên những biểu hiện trong tác phẩm cũng khác với những tác phẩm của các nghệ sĩ trong nước. Những tác phẩm của những nghệ sĩ góp thêm tiếng nói riêng của chất liệu sơn mài, kỹ thuật làm ra các tác phẩm nghệ thuật để mang lại những hiệu quả khác nhau, đóng góp vào loại hình nghệ thuật sơn mài của Việt Nam.

Các bức tranh sơn mài và điêu khắc "Dưới ánh lửa B52"

Tham gia triển lãm, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành- Trưởng khoa Điêu khắc, mang đến hai tác phẩm Dòng thời gianDưới ánh lửa B52, trong đó tác phẩm Dưới ánh lửa B52 được ông ‘thai nghén’ từ một khoảnh khắc của lịch sử, khi đang là một chiến sĩ trong lực lượng phòng không không quân, trực tiếp bảo vệ Chỉ huy sở trong 12 ngày đêm đánh B52 (1972), và trong không khí hào hùng như vậy, ông đã hình thành ý tưởng tạo thành tác phẩm. Thế nhưng mãi đến năm 2003 ông mới thực hiện được ý tưởng này. Cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên khi tạo tác, ký ức về ánh lửa B52 cháy rực trên nền trời soi chiếu lên những con người, đã khiến ông tạo hình Người Mẹ - một Người đàn bà chịu đựng hy sinh mất mát khi gửi những người con ra mặt trận để cuộc chiến được thành công; lấy màu đỏ và đen là gam màu chủ đạo, tác phẩm đã thể hiện được hình tượng Người Mẹ trong không gian đêm, dưới ánh lửa lóe lên trong bóng tối.

Lý giải việc lựa chọn sơn mài và hai màu đỏ, đen làm chủ đạo cho tác phẩm, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành cho biết, chỉ có chất liệu sơn mài với có thể truyền tải được những điều mà tác giả muốn nói, và bóng đêm và ánh lửa- bóng đêm không gì có thể miêu tả đẹp bằng màu đen của màu then của sơn mài, ánh lửa không gì quý bằng hay tự bốc cháy bằng loại son các họa sĩ trước nay đã dùng trong sơn mài. Lựa chọn hoàn toàn sơn mài truyền thống để tạo nên một âm hưởng sâu, và cũng để chứng minh rằng hiệu quả của sơn mài truyền thống là không gì có thể thay thế được.

Tranh sơn mài Ánh trăng của họa sĩ Diệp Quý Hải

Với những ưu thế của sơn mài được thể hiện phong phú, sáng tạo trên nhiều bề mặt chất liệu như gỗ đá, composit… hay trên bề mặt những đồ vật có sẵn như tủ, đĩa… Là chất liệu nghệ thuật đặc biệt, sơn mài có thể phủ toàn bộ bề mặt tác phẩm hay chỉ tham gia một phần, người nghệ sĩ có thể tạo hình mài phẳng, tạo chiều sâu, hoặc có sự chuyển biến tinh tế về sắc độ nhưng cũng có thể được tạo chất xù xì, thô nháp.

Trong triển lãm lần này, không chỉ đóng khung trong hội họa, các nghệ sĩ hoàn toàn tự do biểu đạt ý tưởng của mình ở ngôn ngữ của điêu khắc, sắp đặt hay trang trí trên các đồ vật… Tác phẩm cũng được trình bày ở nhiều không gian như treo trên tường, đặt trong những khung tranh hay đơn giản chỉ đặt ngay ngắn trên  bục, thậm chí đặt trực tiếp trên sàn… tất cả hoàn toàn chủ động theo sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

Điêu khắc phủ sơn "Cội nguồn" của nhà điêu khắc Đoàn Văn Bằng

Sơn mài ở Việt Nam vốn là một chất liệu độc đáo của hội họa, sơn mài cũng gắn liền với tên tuổi các nghệ sĩ thời kỳ đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sơn mài của ta được công chúng trong và ngoài nước biết đến với khả năng biểu đạt mang lại vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng cho tác phẩm nghệ thuật.

Triển lãm Nghệ thuật với chất liệu sơn mài là hoạt động ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo, sinh viên, những người đam mê nghệ thuật, Triển lãm một lần nữa mang những tác phẩm nghệ thuật làm bằng chất liệu sơn mài đến gần với công chúng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của Trường, khơi dậy sự đam mê nghệ thuật và giúp cho những học sinh đang chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa đại học nếu có ý định theo học nghệ thuật sẽ định hình được chặng đường mình cần đi để đến được những cái đích như các giảng viên có được ngày hôm nay.

Hiện 38 tác phẩm nghệ thuật sơn mài được thể hiện dưới các loại hình nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, sắp đặt... đang được trưng bày tại Bảo tàng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 13/6.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ