• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không có thời kỳ thịnh trị nào mà văn hóa, nhân tài, văn hiến không phát triển

Thời sự 20/08/2021 07:27

(Tổ Quốc) - Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 11/8, bên cạnh những vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đối ngoại, xây dựng, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số quan điểm về Văn hóa trong định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không có thời kỳ thịnh trị nào mà văn hóa, nhân tài, văn hiến không phát triển - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Chức -  Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) để làm rõ hơn những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan đến lĩnh vực Văn hóa.

- Trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 11/8, Tổng Bí thư đã nhắc đến một số quan điểm về Văn hóa, trong đó nêu rõ "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần". Điều đó có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn quan tâm tới tầm quan trọng, sức mạnh của văn hoá đối với phát triển. Đảng đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng Đảng là then chốt, kinh tế là quan trọng. Rõ ràng đây là ba chân kiềng kinh tế - chính trị - văn hóa, không thể thay đổi được. Đã từ lâu, khi qua trình cách mạng, Bác hồ đã khẳng định Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Đây chính là những định hướng mang tính chiến lược của Đảng.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng nhấn mạnh về vai trò của văn hóa, đồng thời nhìn nhận thẳng vào vấn đề đó là quan tâm về văn hóa chưa tương xứng với chính trị và kinh tế. Đây không phải lần đầu tiên Tổng Bí thư nhắc đến vai trò của Văn hóa.

Việc người đứng đầu của Đảng nhấn mạnh về văn hóa tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới có ý nghĩa không chỉ với riêng ngành Văn hóa mà còn là tín hiệu mừng đối với đất nước. Điều đó cũng thể hiện cái gốc của vấn đề đó là Tổng Bí thư, toàn Đảng rất quan tâm, hiểu được vai trò, tầm quan trọng của Văn hóa trong tiến trình xây dựng đất nước.

Lý luận và thực tiễn không chỉ từ cuộc Cách mạng của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh điều đó. Thành công hay thất bại thì nền tảng vẫn là văn hóa.

Với cách nhìn hiện đại, văn hóa chính là động lực để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, là sức mạnh mềm làm cho xã hội phát triển, là nền tảng sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, Tổng Bí thư chỉ ra rằng không chỉ chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà tăng trưởng vì đời sống của nhân dân. Không phải tăng trưởng chỉ vì tăng trưởng.

Điều đó gắn liền với lý thuyết của Chủ nghĩa xã hội đó là đảm bảo xã hội phải công bằng, phát triển bền vững, mục đích cuối cùng là dành cho nhân dân. Cái khác biệt ở chỗ đó là không làm giàu cho cá nhân mà làm giàu cho đất nước, cho xã hội. Vấn đề này rất khó nhưng mang tính nhân văn sâu sắc.

- Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh "Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới". Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh về vấn đề này cho thấy điều gì thưa ông?

Văn hoá không phải là thứ ngoại thân, văn hoá là sáng tạo của con người mà suy cho cùng, bất cứ hoạt động chính trị nào, cuộc vận động nào thì cái đích đến cũng là hướng tới con người và được thực hiện bởi con người. Nói cách khác, con người là trung tâm của mọi hoạt động.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra một mục tiêu rất quan trọng là làm sao phải khơi dậy được khát vọng toàn dân để cùng nhau xây dựng được một đất nước phồn vinh, một quốc gia phát triển. Đó là một cách diễn đạt khác của việc chúng ta coi con người chính là mục tiêu, là động lực và là trung tâm của mọi kế hoạch, mọi quyết định.

Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò trung tâm của con người, chính là vừa chỉ ra bản chất của sự phát triển, vừa nhấn mạnh tính nhân văn trong đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Suy cho cùng con người sinh ra văn hóa, sáng tạo ra văn hóa và giữ gìn văn hóa. Con người quyết định tất cả, muốn xã hội phát triển, kinh tế chính trị phát triển thì phải xây dựng được những con người có văn hóa. Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới họ cũng đã thực hiện chiến lược này từ lâu.

- Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã nói về việc, nền văn hóa mà Việt Nam xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Nền văn hóa mà Việt Nam đang xây dựng  là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng bởi chúng ta có 54 dân tộc, mỗi một dân tộc đều mang sắc thái, bản sắc khác nhau. Chúng ta phải giữ nền văn hóa đa dạng ấy trong thống nhất của một đất nước, quốc gia có nền văn hóa lâu đời.

Thứ hai là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta càng hội nhập sâu rộng, mở cửa thì càng phải quan tâm. Đó như là căn cước, gương mặt định hình của chúng ta trong toàn cầu hóa, trong hội nhập, có như thế mới không bị nhạt hòa trong hội nhập.

Không phải chỉ chuyện văn hóa mà ở đây còn là câu chuyện chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng bởi văn hóa đã thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thực tế đã chứng minh điều đó. Như vừa qua, trong đại dịch Covid-19, dù nguồn lực còn khó khăn nhưng chúng ta sẵn sàng chia sẻ, chung tay với nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy khi mình gặp khó khăn thì họ lại chia sẻ hỗ trợ mình. Đó chính là văn hóa, bản sắc của con người Việt Nam, từ văn hóa xây dựng được nền ngoại giao, tình cảm cộng đồng quốc tế rất tốt. Nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ở trong nước, kể từ khi dịch bệnh xảy ra, người Việt Nam đã thể hiện, phát huy được văn hóa, tinh thần đoàn kết trong khó khăn do đại dịch, nhờ đó chúng ta đã 3 lần vượt qua các đợt bùng phát của dịch bệnh, từ đó góp phần giúp cho kinh tế phát triển. Đó là minh chứng cụ thể, rõ ràng, hùng hồn nhất cho sức mạnh của văn hóa đối với đời sống xã hội.  

Tôi cũng xin nhắc lại một lần nữa quan điểm của mình đó là, việc Tổng Bí thư đề cao vai trò văn hóa đó là tín hiệu mừng không chỉ cho những người làm văn hóa mà cho cả dân tộc. Bởi, không có thời kỳ thịnh trị nào mà văn hóa, nhân tài, văn hiến không phát triển.  

Xin cảm ơn ông!

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ