• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong thực hiện gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Thời sự 09/04/2020 11:11

(Tổ Quốc) - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Một trong các cách thực hiện theo ĐBQH Hoàng Văn Cường thì không nên phát tiền mặt cho các đối tượng nhận hỗ trợ.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giám sát chặt, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách

Ngày 8/4 tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại dịch Covid-19 sẽ khiến 2 đến 3,5 triệu lao động Việt Nam ngừng việc, mất việc làm. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Do vậy, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất "độ trễ" của chính sách khi đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn: Không nên phát tiền mặt - Ảnh 1.

ĐBQH Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, với một chính sách hỗ trợ thì người được hưởng chính sách này không dựa trên cơ sở chi phí hoặc cam kết để thực hiện nghĩa vụ phải hoàn trả. Do vậy, chính sách rất dễ bị lợi dụng.

Có hai dạng bị lợi dụng mà theo ĐBQH này đưa ra: một là bản thân không thuộc diện hỗ trợ thì thành người được hỗ trợ. Hai là, lỗi chủ quan của người quản lý có thể lạm quyền để ban phát, hỗ trợ cho những đối tượng thuộc diện thân hữu mà không thuộc diện cần.

"Việc này đã từng xảy ra tại một số chương trình tài trợ, hỗ trợ, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội và cho những người đóng góp vào nguồn lực tài trợ ấy"- ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.

Ông cũng nói thêm, gọi là hỗ trợ nhưng nhà nước sử dụng nguồn lực của xã hội dùng tiền thuế để bù đắp. Kể cả ngân hàng có thực hiện hỗ trợ bằng cách giảm lãi suất thì cũng là sử dụng tiền thuế đóng góp của doanh nghiệp, người dân để chuyển thành các khoản giảm lãi suất cho người vay.

Do vậy, khi sử dụng gói hỗ trợ thì quan trọng nhất là phải công khai minh bạch cho cả xã hội biết: ai được nhận, vì sao được nhận và được nhận bao nhiêu.

Vậy làm thế nào để công khai, minh bạch nguồn lực trợ giúp này? Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, cần công bố tiêu chí xác định đối tượng nào được nhận chế độ trợ giúp. Để người được trợ giúp tự xác nhận mình đúng đối tượng, không cần xin, cứ căn cứ vào tiêu chí để nhận phần hỗ trợ.

Khi công khai tiêu chí cũng giúp ai đó không thuộc đối tượng này mà vẫn được nhận hỗ trợ thì sẽ có sự giám sát của xã hội: đối tượng đó được hưởng có đúng hay không?

Minh bạch địa chỉ, tên người được nhận; không phát tiền mặt

ĐB này đưa ra giải pháp: cần công khai, minh bạch tiêu chí tên tuổi, địa chỉ người nhận… là phương thức cần được tính đến. Đồng thời hạn chế dùng tiền mặt để phân phát.

"Các nhóm yếu thế cần đảm bảo nhu cầu các mặt hàng thiết yếu và không nên phát tiền mặt. Do danh sách nhận tiền dễ bị lạm dụng trà trộn không đúng đối tượng. Họ tới nhận nhu yếu phẩm thì dù nhiều hay ít, xã hội dễ nhận biết và kiểm soát hơn và tránh được tình trạng hỗ trợ cái người dân không cần và đưa tiền mặt thì dễ sử dụng vào mục đích khác"- ĐB Hoàng Văn Cường cho hay.

Đồng thời, việc đưa vật phẩm vào sẽ hạn chế bơm tiền mặt ra ngoài thị trường, dẫn tới tình trạng lạm phát. Trong khi tiền đưa vào DN sản xuất lương thực, thực phẩm sẽ kích thích sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kích thích cầu thực sự, không gây lạm phát. ĐB Hoàng Văn Cường giải thích: Khi sử dụng hỗ trợ bằng hiện vật không có nghĩa là chở sản phẩm tới phát cho người dân với chất lượng thấp không sử dụng được. Mà nên chuyển nó thành quyền được lựa chọn của người dân. Ví dụ như phát phiếu mua hàng tại cửa hàng được lựa chọn tham gia chương trình, được phép nhận các phiếu đó, người dân được chọn lựa các sản phẩm theo giá trị ở phiếu nhận hàng./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ