• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không kích hóa học phản tác dụng: Mỹ “vỡ mộng” tại Syria

Thế giới 10/07/2018 16:11

(Tổ Quốc) - Cuộc chiến chống lại ông Assad của phương Tây cho đến nay “đã là một điều gì đó” phản tác dụng, trong khi không có sự liên kết với một chiến lược rộng lớn hơn, theo National Interest.

Các cuộc tấn công gần đây của quân đội Syria nhằm vào các tỉnh phía nam Darra và Quneitra cho phương Tây thấy rằng, các thỏa thuận quốc tế và những tuyên bố mạnh mẽ, cho dù là về các khu vực giảm leo thang hay về vũ khí hóa học, sẽ không ngăn cản ông Bashar al-Assad thực hiện những gì ông ấy muốn. Trong khi hàng trăm nghìn người đã phải di dời tìm nơi ở mới và số phận của thành phố Idlib – đang do lực lượng nổi dậy kiểm soát – ngày càng khó đoán, có một nguy cơ ngày càng tăng là Hoa Kỳ có thể bị kéo sâu thêm vào cuộc xung đột Syria thay vì muốn rút ra.

Không kích đáp trả chưa hiệu quả

Sau một cuộc tấn công hóa học vào thị trấn Douma của Syria – được cho là do ông Assad thực hiện - vào ngày 7/4 đã giết chết gần bốn mươi người, chính quyền Trump đã khẳng định rằng họ sẽ "ngăn chặn mạnh mẽ việc sản xuất, phát tán và sử dụng vũ khí hóa học". Các cuộc không kích chung của Mỹ, Anh và Pháp để đáp trả động thái này đã bị hạn chế về quy mô – điều nhằm giảm thiểu rủi ro leo thang không mong muốn với Nga và để tránh thương vong dân sự. Trên thực tế, với cảnh báo trước từ tweet của Donald Trump, chính quyền Syria đã hành động để hạn chế thiệt hại từ cuộc tấn công Mỹ nhằm vào quân sự quan trọng của họ.

Các cuộc không kích đáp trả tấn công hóa học tại Syria chưa hiệu quả.

Do vậy, thay vì thể hiện quyết tâm của Mỹ, cuộc không kích trên nhằm vào Syria lại một lần nữa cho thấy những động thái đáp trả như vậy là một công cụ không thích hợp để ngăn chặn việc ông Assad được cho là sử dụng vũ khí hóa học và rằng cách duy trì lằn ranh đỏ của Mỹ hiện nay là sai lầm.

Tìm hiểu về lập luận của chính quyền Trump đối với cuộc không kích tháng 4/2018 đã cho thấy những tác động quan trọng đối với tương lai của chính sách Mỹ về sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Tổng thống Trump đã tuyên bố cuộc tấn công vào Douma là "một sự leo thang đáng kể về việc sử dụng vũ khí hóa học", nhắc đến số người chết tương đối cao so với hầu hết các vụ tấn công khác. Tiền đề này cho thấy một vấn đề với chiến lược ngăn chặn của Hoa Kỳ đối với chế độ Assad, rằng họ quan tâm nhiều hơn số người chết mà không chú ý tới số người bị thương. Điều này mâu thuẫn với chính sách lâu nay của Mỹ rằng tất cả các hành vi sử dụng vũ khí hóa học đều bị lên án và sẽ nhận đáp trả mạnh mẽ.

Các chiến lược hiện tại của Mỹ ở Syria, đằng sau các cuộc không kích đáp trả như trên, về cơ bản là ngăn chặn và can thiệp nhân đạo – điều có những lịch sử tiến hành phức tạp và chỉ áp dụng hiệu quả trong những tình huống hạn chế.

Vì Syria vừa đang diễn ra một cuộc nội chiến vừa là một cuộc xung đột giữa các cường quốc hạt nhân, một chiến lược ngăn chặn có giới hạn là không thích hợp.

Lịch sử cho thấy rằng các hành động can thiệp có khả năng thành công cao hơn khi chúng xảy ra ở các nước tương đối nhỏ, vừa và nhỏ, nơi lực lượng quân sự trong nước không thể đe dọa đáng kể tới lực lượng can thiệp bên ngoài. Các cuộc khủng hoảng ở Kosovo và Đông Timor cho thấy những nguyên tắc này, nhưng ở các nước như Yemen, nơi lực lượng can thiệp có sự ủng hộ của nước ngoài (Mỹ hỗ trợ cho Saudi Arabia trong chiến dịch tại Yemen), thì nguyên tắc trên không còn hiệu quả. Nhìn vào Syria, Nga và Iran đã hỗ trợ ông Assad và vì thế, vai trò cô lập chính quyền Damacus đã trở nên rất phức tạp và khó có hiệu quả.

Đảo ngược sách lược tấn công tại Syria?

Để ngăn chặn thành công ông Assad không thực hiện một hành động lớn mang tính quyết định nào đó, sự đe dọa về “hình phạt” phải hiện hữu rõ ràng.

Mỹ đang cho rằng phe đối lập Syria hiện bị chi phối bởi những kẻ cực đoan và vì thế sự ủng hộ cho lực lượng này đang giảm đi – điều khó có thể hiệu quả ngăn chặn ông Assad. Ngoài ra, sự khăng khăng của Washington về việc không chống lại binh lính Nga – lực lượng đang phân tán khắp Syria – càng khiến Mỹ có ít lựa chọn để thay đổi cán cân lực lượng tại Syria.

Đồng thời, việc thiếu đòn bẩy đối với Nga và Iran, những người ủng hộ của ông Assad, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Về vấn đề vũ khí hóa học, nếu Nga cho rằng ông Assad đang sở hữu nó và sẽ ngăn chặn điều này, thì Moscow cũng không có nhiều đòn bẩy thực tế đối với Assad do họ có những lợi ích thiết thực tại Syria và không thể từ bỏ về một vấn đề như vậy. Trong khi đó, dù Nga hành động như trên thì việc ảnh hưởng của Moscow suy giảm cũng sẽ giúp Iran tăng cường quyền lực đối với Damacus – điều Washington có lẽ cũng không muốn nhìn thấy.

Nếu Hoa Kỳ thực sự muốn một cái kết về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, việc tiến tới một giải pháp cho cuộc xung đột là phương tiện nhanh nhất. Trong điều kiện hiện tại, điều đó có nghĩa là ông Assad cần cảm thấy an toàn, đủ để không cần sử dụng vũ khí hóa học. Việc tránh thực hiện chính sách làm suy yếu chế độ Assad phải là nguyên tắc của chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Đông. Tuy nhiên, nếu ông Assad phải bị trừng phạt vì tội ác của mình, hãy thực thi Công ước Vũ khí Hóa học bằng cách tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế hay yêu cầu Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học thực hiện các biện pháp phù hợp thay vì trả đũa quân sự.

Trong khi các hành động quân sự chống lại ông Assad hiện tại chưa hiệu quả và không có ràng buộc với một chiến lược rộng lớn hơn thì kiềm chế ở Syria là lựa chọn thận trọng hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ