• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không muốn mất cơ hội làm việc tốt, cần phải sửa ngay tật này

Giáo dục 14/11/2018 14:20

(Tổ Quốc)- Không khó để tìm thấy những người nói ngọng, nhầm lẫn giữa "l" với "n" ở Hà Nội, nhất là từ năm 2008, khi dân cư Hà Nội tăng lên đáng kể mà chủ yếu là từ những vùng khác đến.

Việc nói ngọng, nhầm lẫn giữa phát âm và cách viết giữa "l" với "n" xảy ra phổ biến ở các tỉnh thành Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... Việc phát âm nhầm lẫn giữa "l" và "n" bị coi là lỗi phát âm, là nói ngọng, khi đã mắc những lỗi này nghe người khác nói "l" họ sẽ nói thành "n", nhìn trên giấy chữ viết thấy tiếng nào có "l" đứng đầu, họ sẽ đọc thành "n" và ngược lại.

Ở Hà Nội, khi Hà Tây sáp nhập vào cuối năm 2008, huyện Phú Xuyên có tỷ lệ giáo viên, học sinh nói ngọng "l" và "n" nhiều nhất thành phố. Theo khảo sát, 30% trong tổng số 890 giáo viên phát âm ngọng, 48% trong hơn 13.560 học sinh ngọng, viết sai "l", "n". Đặc biệt, nhiều người ở Hà Nội không chỉ ngọng "l"-"n", mà còn "r"-"d"-"gi", "ch"-"tr".

Không muốn mất cơ hội làm việc tốt, cần phải sửa ngay tật này - Ảnh 1.

Nói ngọng ảnh hưởng tới việc làm (ảnh: anninhthudo)

Mặc dù từ năm 2008 tới nay, Hà Nội cũng đã có kế hoạch để sửa ngọng, thế nhưng đến nay có thể nói kế hoạch này vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt.

Kế hoạch được thí điểm tại trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên bắt đầu từ tháng 4/2009 do tỉ lệ ngọng ở đây quá cao, 43 giáo viên thì 42 người phát âm sai "l", "n"; 86% học sinh ngọng. Mỗi tiết tập đọc giáo viên đều nhắc lại cách đặt lưỡi phát âm chuẩn "l", "n", sửa cho những học sinh nói ngọng. Đến tháng 4/2018, khảo sát mới nhất tại trường này cho thấy, có 12 giáo viên (chiếm 25%, giảm 5% so với trước), 338 học sinh (chiếm 30%, giảm 18% so với trước) phát âm ngọng.

Kết quả này được đánh giá là không mấy khả quan. Đại diện nhà trường lý giải, một trong những cản trở lớn nhất để học sinh bớt nói ngọng chính là từ phía gia đình. Ở trường các em nói chuẩn, nghỉ hè xong lại tái ngọng. Hoặc nếu bố mẹ, người thân, bạn bè xung quanh đều ngọng thì khả năng chữa ngọng lại càng khó.

Những nguyên nhân của ngọng

Nói ngọng có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu có 2 nguyên nhân chính sau khiến người nói dễ nhầm lẫn khi phát âm chữ "l" và "n".

Ngọng sinh lý do cơ quan phát âm có lỗi bẩm sinh như ngắn lưỡi, đầy lưỡi, khớp cắn ngược, răng mọc lệch có nhiều khe hở... nên khiến người nói khi phát âm bị sai, không rõ.

Ngọng do thói quen khi nói, nhiều người gọi đây là kiểu ngọng vô thức do sinh sống trong môi trường có nhiều người cùng phát âm bị ngọng. Việc bị ngọng do thói quen là do khi sống và tiếp xúc với những người bị ngọng nên dần dần hình thành thói quen, dẫn đến việc có phát âm ngọng cũng không biết.

Không muốn mất cơ hội làm việc tốt, cần phải sửa ngay tật này - Ảnh 2.

Hà Nội cũng đã có kế hoạch xóa nói ngọng (ảnh: Laodong)

Hậu quả của ngọng

Mặc dù chưa có cuộc nghiên cứu quy mô nào hoặc cuộc khảo sát nào liên quan trực tiếp tới vấn đề phát âm và viết ngọng ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của người bị ngọng nhưng một số minh chứng thực tế cho biết, việc nói ngọng phần nào ảnh hưởng tới công việc, cơ hội việc làm sau này.

Đến xin việc tại một trường mầm non tư nhân ở Hà Nội, chị Hoa (Chương Mỹ, Hà Nội) ngượng ngùng kể lại, sau khi tốt nghiệp, cầm bộ hồ sơ tương đối "đẹp" đến nộp tại 3 trường thì đây là trường đầu tiên gọi mời chị đến phỏng vấn. Vấn đề chỉ thực sự trở nên nghiêm trọng khi người phỏng vấn chị chỉ ra một "khuyết điểm" nhỏ nhưng quan trọng trong môi trường giáo dục là sự nhầm lẫn của chị khi phát âm nhầm giữa "n" với "l" tới 2 lần trong khi phỏng vấn.

Có thể với những công việc khác thì sẽ dễ chấp nhận "lỗi" nói ngọng hơn nhưng trong môi trường giáo dục thì yêu cầu sự chuẩn mực về phát âm nên dường như, lỗi nhỏ này là không thể bỏ qua được và gây khó khăn cho người xin việc.

Khi xã hội càng phát triển, những quan hệ quốc tế và môi trường làm việc được mở rộng ra ngoài phạm vi Việt Nam thì yêu cầu về chuẩn ngôn ngữ càng phải được xem trọng. Cũng có những trường hợp sửa được những lỗi phát âm này do được học trong những trường học yêu cầu đến ngôn ngữ như ngoại giao, báo chí, ngôn ngữ học, tuy nhiên phần lớn những trường hợp sửa được là do thói quen khi nói chứ không phải do ngọng sinh lý. Và việc này đồng nghĩa với khả năng bị loại trừ do nói ngọng cũng không còn là nỗi lo chính đối với người đi xin việc.

Quỳnh Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ