Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Bản quyền tác giả là trụ cột quan trọng trong việc xây dựng công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện các hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả về những vấn đề của bản quyền tác giả nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập trong năm qua.

PV: Thưa Cục trưởng, xin ông điểm lại những điểm sáng trên lĩnh vực bản quyền trong năm qua?

Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Năm 2018, Cục Bản quyền tác giả đã chủ động tổ chức, triển khai thực hiện hoàn thành tốt chương trình công tác được Lãnh đạo Bộ phê duyệt theo đúng tiến độ về thời gian và bảo đảm chất lượng của công việc. Một số kết quả quan trọng trong quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa là:

Tham mưu đề xuất, báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chủ trì, phối hợp tổ chức 11 hội nghị, hội thảo, tập huấn cho khoảng 1800 đại biểu. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Văn hóa, Báo Điện tử Tổ quốc xây dựng các bài viết, phát sóng các chương trình truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan. Nhận thức của các chủ thể quyền, các đối tượng có liên quan và công chúng từng bước được nâng lên.

Từ ngày 01/1/2018 đến ngày 30/11/2018, thụ lý, cấp 6.476 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó Miền Bắc: 3.749 Giấy chứng nhận, Miền Nam: 2.602 Giấy chứng nhận và Miền Trung: 125 Giấy chứng nhận. Việc thụ lý hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp lý và các yêu cầu công tác cải cách hành chính

Không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan - Ảnh 1.

Hội thảo Quyền tác giả, Quyền liên quan trong môi trường số

PV: Năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Xin ông chia sẻ những điểm nổi bật của Nghị định và những biện pháp để đưa Nghị định này ngày càng được phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội?

Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Nghị định số 22/2018/NĐ-CP dành một chương quy định về Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có 6 điều quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan gồm biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; thực hiện chế độ báo cáo. Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cũng có một số thay đổi như việc bỏ quy định về đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan tại các Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao); quy định về thời gian cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan rút ngắn còn 12 ngày; thời gian cấp lại rút ngắn còn 07 ngày; bổ sung quy định về trường hợp hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Cục Bản quyền tác giả đã chủ trì tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và tập huấn công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Hà Nội ngày 11/4/2018; Thừa Thiên Huế ngày 21/6/2018; Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/6/2018 cho đại diện các Sở VHTTDL, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền khác.

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

Không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan - Ảnh 2.

Bản quyền tác giả không dừng lại ở biên giới một quốc gia.

PV: Bản quyền tác giả không dừng lại ở biên giới một quốc gia. Xin ông chia sẻ rõ hơn về các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan trong lĩnh vực này?

Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Trong thời gian qua, Việt đã từng bước hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi âm của họ, Công ước Brussels về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh, Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng. Đây là những điều kiện quan trọng để Việt Nam là thành viên của WTO kể từ ngày 11/1/2007 và có nghĩa vụ thực thi Hiệp định Trips về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thi hành Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VNEAEUFTA); đang chuẩn bị triển khai thi hành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do Châu Âu (VN-EFTA). Việc trờ thành thành viên Hiệp định CPTPP đã đánh dấu một bước hội nhập mới về quyền tác giả, quyền liên quan.

Để thực thi cam kết trên, Việt Nam đã từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, Việt Nam đã mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động lập pháp, thực thi, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực về quyền tác giả, quyền liên quan.

WIPO cùng với các tổ chức quản lý tập thể quốc tế (CISAC, IFPI, IFRRO) đã tuyên truyền, giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, tham gia các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; từng bước xây dựng và phát triển hệ thống các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam cũng đã được lựa chọn tổ chức nhiều Hội thảo và một số Hội nghị khu vực về quyền tác giả, quyền liên quan.

Hiện nay, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ WIPO thì Việt Nam cũng đã bước đầu thực hiện tốt các nghĩa vụ trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khác như WTO, ASEAN v.v...

Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan với các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v... nhằm tăng cường bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, thúc đẩy việc sử dụng hợp pháp các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong những năm tới, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; nâng cao nhận thức của công chúng; nghiên cứu, tìm hiểu về các Điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa là thành viên để có kế hoạch tham gia vào thời điểm thích hợp; đối chiếu, so sánh và đánh giá sự tương thích của pháp luật hiện hành với các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là việc hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số; tiến hành đánh giá sự đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Cục Bản quyền tác giả cũng cần tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình, Dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật theo thỏa thuận tại các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực của cả hệ thống quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu bảo hộ tại quốc gia và hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.

Không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan - Ảnh 3.

Phim "Cô Ba Sài Gòn" bị xâm phạm bản quyền tác giả trên môi trường số

PV: Nổi bật trong năm qua là sự vi phạm luật bản quyền tác giả trên môi trường số. Xin ông chia sẻ rõ hơn về những vi phạm này (ví dụ vụ Cô ba Sài Gòn, bản quyền phát sóng Worldcup v.v..)? Cần có những biện pháp gì để tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng đi vào quỹ đạo?

Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Vấn đề thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số, Internet là vấn đề khó khăn chung của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong điều kiện phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, các tiến bộ mới của công nghệ thông tin đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối mới các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tính ưu việt của môi trường kỹ thuật số cho phép người hưởng thụ tiếp cận tác phẩm tại bất kỳ địa điểm, thời gian nào do chính họ lựa chọn. Nhưng chính nó cũng là thách thức cam go trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể, và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về sở hữu trí tuệ.

Một trong những nội dung quan trọng mà các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần quan tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo vệ và khai thác quyền tác giả, quyền liên quan. Các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Ví dụ, VTV đã sử dụng phần mềm phát hiện vi phạm do FIFA cung cấp để xử lý nhiều website phát chương trình bóng đã Worldcup trái phép.

Khi phát hiện hành vi vi phạm, các chủ thể quyền có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài.

Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã và đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và tiến trình hội nhập của đất nước. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian qua là do nhận thức và đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các đối tượng trong xã hội chưa cao.

Về phía Cục Bản quyền tác giả, trong thời gian qua đã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Có nhiều hội thảo trong nước và quốc tế được tổ chức với các chủ đề về bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng v.v...

Các hình thức, phương thức tuyên truyền đã có nhiều đổi mới. Trong nội dung các chương trình cũng đã lồng ghép, phân tích về những vụ vi phạm điển hình để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ví dụ, Gameshow Bản quyền và Sáng tạo đã đưa nội dung về vụ livestream trái phép bộ phim Cô ba Sài Gòn; qua đó phân tích rõ nguyên nhân là do người vi phạm chưa nhận thức được những thiệt hại đáng kể mà họ gây ra đối với chủ thể quyền, cũng như cảnh báo hành vi vi phạm đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một trong những công cụ pháp lý quan trọng để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông là Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông.

Tuy nhiên, để có thể thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đủ sức răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

PV: Tuyên truyền các quy định về bản quyền tác giả để thay đổi, nâng cao nhận thức công chúng trong lĩnh vực này là vấn đề mấu chốt. Xin ông chia sẻ rõ hơn về các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ này?

Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng: Hiện nay, Cục Bản quyền tác giả đang triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan giai đoạn 2017-2020" với những nội dung chính sau:

Tổ chức sự kiện nhân dịp ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) hàng năm để các nhà sáng tạo, các tổ chức và cá nhân đầu tư sáng tạo và những tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng cùng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa.

Biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về quyền tác giả, quyền liên quan để phát hành tới các đối tượng khác nhau như cán bộ quản lý, thực thi; sinh viên, học sinh; các đối tượng khai thác, sử dụng tác phẩm v.v..

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Văn hóa, Báo Điện tử Tổ quốc xây dựng các bài viết, phát sóng các chương trình truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan trên Đài Truyền hình Việt Nam (chương trình Chuyển động VTV24).

Tổ chức Gameshow Bản quyền và Sáng tạo hàng năm dành cho sinh viên tại các trường đại học. Qua mỗi phần thi các bạn sinh viên sẽ có cơ hội thể hiện sự hiểu biết, khả năng nhanh nhạy và tinh thần đồng đội của mình để xử lý các tình huống, vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngoài ra, Website Quyền tác giả Việt Nam (http://www.cov.gov.vn) tiếp tục là kênh thông tin quan trọng để cập nhật các các văn bản pháp luật, chính sách và các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế.

Nhìn chung, bức tranh về hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong những năm qua của Cục Bản quyền tác giả đã có tầm ảnh hưởng đến công chúng. Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, biện pháp tuyên truyền, củng cố đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!