• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không thừa nhận chạy điểm dù con bị đuổi học, lòng tự trọng của nhiều người thấp quá!

Giáo dục 01/05/2019 06:56

(Tổ Quốc) - Đã gần một năm kể từ khi những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 bị phát hiện, tới giờ vụ án gian lận điểm thi vẫn chưa thể kết thúc. 222 thí sinh của các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình được nâng điểm, 19 cán bộ, giáo viên liên quan đến Kỳ thi bị khởi tố để điều tra, làm rõ những sai phạm trong Kỳ thi này.

Không thừa nhận chạy điểm dù con bị đuổi học, lòng tự trọng của nhiều người thấp quá! - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Xuân Ban

Để có được kết quả học tập xuất sắc, đủ tiêu chuẩn vào học đại học các học sinh đã không ngừng cố gắng, nỗ lực phấn đấu. Tuy nhiên, những gì xảy ra tại Kỳ thi 2018 cho thấy nhiều em đã không thực sự cố gắng bằng chính thực lực của mình.

Sau bốn năm tổ chức, thực tế cho thấy có quá nhiều tồn tại ở một Kỳ thi cấp quốc gia được nhiều người đánh giá là nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với thí sinh và xã hội…

Việc gì xảy ra cũng có nguyên do của nó, tại sao bê bối gian lận điểm chác ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại khủng khiếp đến vậy, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời qua cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Xuân Ban, người từng có hơn mười năm công tác trong ngành giáo dục, một "mọt sách" chính hiệu và tác giả của nhiều tác phẩm văn học lịch sử.

- Thưa ông, là một người nghiên cứu lịch sử lại từng làm trong ngành giáo dục, ông có thể cắt nghĩa tại sao gian lận thi cử thời nay lại khủng khiếp đến vậy?

+ Thực ra gian lận thi cử có từ xưa tới nay, giờ nghiêm trọng như vậy có thể là vì các đối tượng đã thực hiện nhiều lần như vậy rồi. Lần đầu thực hiện trót lọt, có thể chỉ nâng điểm cho một vài em, nâng ít điểm thôi nhưng vì không thấy ai nói gì, không bị phát hiện, vì làm dễ dàng nên người ta sẽ làm đồng loạt, nâng hàng chục điểm cho thí sinh. Theo tôi thì những vụ việc xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi, vì lộ liễu quá nên bị phát hiện ra.

Quay trở lại gốc rễ của vấn đề này, tôi nghĩ chính là do giáo dục của chúng ta quá trọng điểm số, thi cử. Áp lực đến với đứa trẻ ngay từ nhỏ rồi đến trưởng thành, cha mẹ và xã hội đã tạo áp lực cho đứa trẻ.

Tại sao phải điểm cao? Điểm cao là để vào các trường danh tiếng, để ra trường dễ xin việc, người ta dễ dàng nhìn thấy lợi ích sâu xa, tiềm ẩn trong xã hội.

Vì vậy nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, giảm áp lực thi cử, điểm số thì không thể cải thiện tình trạng này được.

Mà nếu không tìm cách giải quyết từ gốc rễ vấn đề mà chỉ tìm cách giải quyết từng vụ việc thì chắc chắn người ta sẽ tìm ra những cách thức sẽ tinh vi hơn, chẳng hạn không phải sửa khi chấm điểm bài thi mà họ làm ngay khi thí sinh làm bài thi, bằng các ký hiệu riêng nào đó… Như vậy thì làm sao phát hiện được gian lận, làm sao có bằng chứng "giúp đỡ" thí sinh như các cơ quan điều tra vẫn đang tìm.

Hoặc việc nâng điểm học bạ, làm sao khẳng định được thầy cô giáo không "nương tay" đối với học trò của mình, giáo viên cũng phải chịu áp lực từ lãnh đạo, từ nhà trường…

Khi chúng ta không giải quyết được gốc rễ vấn đề, để học trò thấy được học hành là để lấy kiến thức, làm chủ cuộc đời mình mà chỉ nhăm nhăm vào điểm số, thành tích, vào trường nọ trường kia, thăng quan tiến chức thì không thể giải quyết dứt điểm được được. Cứ chặn chỗ này thì sẽ phình chỗ khác, biến tướng khác mà thôi.

- Nhưng rõ ràng là những áp lực này đâu có là gì với những sinh viên vừa bị đuổi học vì gian lận điểm chác. Còn đó những sinh viên gian lận vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường đó thôi thưa ông?

+ Tôi thì cho rằng quan hệ xã hội cần phải khách quan, công bằng, mọi thí sinh đều phải như nhau. Để xảy ra những chuyện như thế này là do chúng ta thiếu minh bạch nên tạo điều kiện cho những cuộc chạy đua "ngầm".

Về hình thức thì nói là công bằng, khách quan nhưng thực chất thì không phải như vậy, thể hiện rõ ở việc con quan chức, người có tiền… như chúng ta thấy, khiến cho việc tổ chức Kỳ thi về mục đích thì tốt nhưng khi thực hiện không tốt dẫn đến hậu quả như vậy.

Người Việt mình xưa nay còn nặng về tiểu sử, quan hệ, xử lý trọng phần "tình" hơn phần "lý". Chứ không được như phương Tây, họ giải quyết vấn đề rất lý tính, công bằng. Nếu học được cách giải quyết như vậy, những con người thực thi kia thấy không thể tác động được thì họ tự khắc thay đổi thôi. Cái chính là chúng ta vẫn thiếu sự minh bạch, công bằng đúng nghĩa.

- Theo ông, có phải vì thế mà việc nhận lỗi, nhận tội, chịu trách nhiệm trở thành việc khó thực hiện?

+ Sâu xa có một phần do giáo dục, là văn hóa đổ lỗi, đổ lỗi từ nhỏ, quá trình trưởng thành được xã hội dung dưỡng, cộng thêm sự thiếu minh bạch, tâm lý nhờ vả… đến một mức nào đó thành bệnh mãn tính.

Cùng những vụ việc như thế này nhưng người Nhật xử sự hoàn toàn khác, người ta sẵn sàng chịu trách nhiệm, thậm chí lấy cái chết để bảo vệ danh dự của mình.

Trong khi đó người Việt mình hiếm được như vậy, nếu có vụ việc nào đó vi phạm mà họ tự nhận lỗi, từ chức thì quả là hiếm hoi. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận là lòng tự trọng của nhiều người thấp quá. Dám làm nhưng không dám chịu.

Nhìn rộng hơn, có thể có những vị trí công việc, có những thứ mua được bằng tiền nên khiến họ không muốn rời bỏ, không muốn thừa nhận lỗi của mình. Chứ nếu cứ thực chất, để người tài, có thực lực đảm nhận thì khi xảy ra sai phạm họ sẽ dễ dàng từ chức, chịu trách nhiệm hơn.

Không thừa nhận chạy điểm dù con bị đuổi học, lòng tự trọng của nhiều người thấp quá! - Ảnh 2.

Sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 - gian lận chưa từng có trong lịch sử (ảnh: zing.vn)

- Có phải vì vậy mà việc xử lý những thí sinh sai phạm, gian lận trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn mỗi nơi một phách, Bộ Công an thì buộc thôi học mọi thí sinh gian lận, còn các trường ĐH khác thì chỉ buộc thôi học những thí sinh có điểm chấm thẩm định không đủ điểm chuẩn còn thì thí sinh gian lận nhưng có điểm chuẩn đủ điểm đỗ thì vẫn cho tiếp tục học?

+ Quan điểm của tôi đối với vụ việc này rất rõ ràng, vì bản chất hành vi này là phạm tội, chỉ là phạm tội không thành mà thôi. Do vậy, về mặt pháp luật cần phải xử lý tất cả như nhau, đặc biệt, thí sinh mà biết thì phải xử nặng. Đó là tội gian lận mà đã vi phạm quy chế thì phải xử ngay.

Ở đây đang có sự nhập nhèm, quy chế như vậy rồi thì cần phải kiên quyết xử đúng luật chứ cứ nhùng nhằng trong việc xử lý như thế khiến nhiều người nghĩ rằng có sự nương nhẹ, có con em cán bộ, nể nang… Mà nếu như vậy sẽ dễ dàng diễn ra những lần sau. Tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm.

Tôi cho rằng không nên tạo tiền lệ, phải xử lý dứt điểm vấn đề. Nếu các em có thực lực thì chỉ bị buộc thôi học một năm, năm sau thi lại thì các em sẽ đỗ thôi. Tôi nghĩ nếu các em có tự trọng thì nên mở cho các em một con đường như vậy, đó là nhân văn.

* Xin cảm ơn ông!

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ