• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng quân sự Thổ, Syria và người Kurd: Mỹ tổng lực khai hỏa Iran?

Thế giới 06/06/2018 15:37

(Tổ Quốc) -Cuộc tấn công tên lửa ngày 14/4 nhằm vào Syria, mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem và việc Washington do dự cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của một kế hoạch lớn.

Mỹ đang thực hiện một chiến lược bài Iran ở Trung Đông, nhà quan sát chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Guller nói với Sputnik, giải thích tại sao cuộc tấn công tên lửa ngày 14/4 nhằm vào Syria, chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel sang Jerusalem và sự do dự của Washington trong việc cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của một kế hoạch quy mô lớn.

Washington đang muốn đưa Ankara vào cùng một khối chống Iran bằng cách gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua lại 100 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A và diễn biến xung quanh thành phố Manbij ở phía bắc Syria, nhà quan sát Mehmet Ali Guller nói.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã "lời qua tiếng lại" về thương vụ F-35.

"Rõ ràng, [Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Mỹ Donald Trump John] Bolton đang có những chuẩn bị nghiêm túc liên quan đến Iran," Guller nói với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ. "Trong tương lai gần, Mỹ sẽ bắt đầu một chiến dịch chống Iran ở quy mô lớn trên một số mặt trận và điều này có thể thấy rõ phần nào ở thời điểm hiện tại. Đây là một sự bao vây dần dần đối với các lực lượng Iran, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế [chống Tehran], đẩy các lực lượng vũ trang Iran ra khỏi Syria, và gây sức ép lên tại Vịnh Ba Tư. Vấn đề chính từ quan điểm của Mỹ là làm thế nào để thu hút Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía mình trong khuôn khổ chiến lược này".

Theo nhà quan sát chính trị này, Mỹ đã thực hiện một số biện pháp để buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải theo đuổi chiến lược của Washington, trong đó, sự phát triển tình hình ở Manbij hiện là trọng tâm chú ý của Ankara.

"Cụ thể hơn, [Washington và Ankara] đang thảo luận về việc rút quân lực lượng của Đảng Công nhân Kurd (PKK) khỏi lãnh thổ Manbij và tiếp theo là chuyển giao khu vực này nằm dưới sự kiểm soát chung của Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ," chuyên gia trên cho biết, đề cập đến việc Ankara coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là một nhánh của PKK – đang  hoạt động đòi li khai tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chuỗi liên kết

Guller tin rằng chiến lược của Mỹ trong khu vực này đã chuyển sang "giai đoạn chủ động": Một cuộc tấn công tên lửa chung được thực hiện bởi Washington và các đồng minh châu Âu, Anh và Pháp, vào ngày 14/4  là bước đầu tiên.

Sau đó, vào ngày 8/5, Washington đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Ngày 14/5, Mỹ khai trương đại sứ quán tại Jerusalem, chính thức công nhận đây là thủ đô của Israel. Guller tin rằng những sự kiện nói trên là một phần trong chính sách chống Iran của Mỹ.

"Điều Mỹ muốn là gì? Trước hết, [họ muốn] Iran rút khỏi Syria. Để đạt được mục tiêu này [Mỹ], đáng chú ý, đã gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong các bước đi tiếp theo chống Iran. Tôi sẽ nhắc bạn rằng, ông Mike Pompeo, khi nêu ra 12 điều kiện để Mỹ tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran, nói rằng Mỹ dự định yêu cầu các đồng minh tuân theo chiến lược này. Vấn đề Manbij nên được xem xét trong bối cảnh các bước đi trên của Hoa Kỳ. Về tổng thể, chúng ta có thể nói rằng Washington đang sử dụng chiến lược cây gậy và củ cà rốt trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, ”chuyên gia này nhấn mạnh.

Ngày 4/6, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag đã thông báo rằng Ankara và Washington đã nhất trí về kế hoạch rút YPG khỏi Manbij.

Vào cuối tháng 1/2018, Thổ Nhĩ Kỳ, kể ra những lo ngại về an ninh, đã khởi động Chiến dịch Cành Olive để đẩy lực lượng dân quân người Kurd ra khỏi các vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Sau khi nắm quyền kiểm soát thành phố Afrin ở phía bắc Syria, Ankara đã tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động tới Manbij. Tuy nhiên, Mỹ đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực này để bảo vệ lực lượng người Kurd – lâu nay được Lầu Năm Góc hỗ trợ.

Diễn biến tiêm kích F-35 và hệ thống phòng không S-400

Tuy nhiên, một cuộc tranh luận khác là việc Ankara mua 100 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A của Mỹ, Guller nhấn mạnh.

"Vấn đề về nguồn cung cấp F-35 là một trường hợp khác cho thấy sức ép của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả quyết định mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, dự án F-35, liên quan đến 9 quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đã được tiến hành trong 17 năm. Vì vậy, chương trình này không phải là dễ dàng như vậy để tuyên bố áp dụng các hạn chế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, "ông giải thích.

Cũng theo nhà quan sát chính trị  này, dự án này sẽ dấy lên quan ngại đối với các tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ đã về hưu – những người lâu nay cảnh báo rằng, việc mua máy bay từ Mỹ có thể khiến sự phụ thuộc của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ nghiêm trọng thêm. Họ cũng lưu ý rằng F-35 là một dự án cực kỳ không thành công và đắt đỏ của Washington.

Sau cuộc họp của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu với Ngoại trưởng Mike Pompeo vào ngày 5/6, công chúng đã được thông báo rằng Ankara dự kiến việc cung cấp các máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 21/6.

Ông Cavusoglu nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng, "đối với F-35, chúng ta đã ký thỏa thuận ... Vào ngày 21/ 6, sẽ diễn ra việc chuyển giao các máy bay F-35. Không hề có những diễn biến tiêu cực."

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trước đó từng rằng, sự lưỡng lự của Washington về việc giao các máy bay tiêm kích tàng hình tiên tiến tới Thổ Nhĩ Kỳ có thể là dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng của Mỹ với kế hoạch mua S-400 của Ankara được ký kết vào tháng 12/2017 giữa các đại diện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cam kết thực hiện thỏa thuận chuyển giao F-35: "Nếu chúng ta là đối tác chiến lược, thì Mỹ không nên phạm sai lầm nào trong vấn đề này", ông Erdogan nhấn mạnh vào ngày 2/6.

Các vấn đề của Manbij và F-35 có thể trở nên đặc biệt nhạy cảm trong cuộc bầu cử tổng thống và tổng tuyển cử sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24/6. Trong khi đó, các cuộc thăm dò tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ông Erdogan đang dẫn đầu cuộc đua với 53% tỉ lệ ủng hộ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ