• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kịch bản Mỹ, NATO hợp lực tại "sân nhà" Nga

Thế giới 11/04/2019 14:40

(Tổ Quốc) - NATO đang chuẩn bị một loạt các biện pháp để đối phó với Nga ở khu vực Biển Đen, theo trang tin South Front (SF).

Những động thái này bao gồm việc triển khai các tàu chiến của NATO đến Biển Đen để đảm bảo các tàu của Ukraine di chuyển được qua eo biển Kerch, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cho biết trong cuộc họp báo ngày 2/4.

Phản ứng trước Nga tại sườn đông

Bà Hutchison nói rằng, loạt biện pháp này được chuẩn bị để tăng cường tuần tra, cả giám sát trên không cũng như có thêm nhiều tàu của NATO đi vào Biển Đen để đảm bảo rằng có các lối đi an toàn cho các tàu Ukraine qua eo biển Kerch, Biển Azov.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng tập hợp hoạt động tại Biển Đen là một phản ứng trước những thách thức mà Hoa Kỳ và NATO phải đối mặt trong khu vực, không chỉ vì sự cố eo biển Kerch, mà còn bởi vì Nga đang gây sức ép lên liên minh dọc theo sườn đông, không chỉ ở phía bắc.

Kịch bản Mỹ, NATO hợp lực tại sân nhà Nga - Ảnh 1.

Một cuộc tập trận NATO tại Biển Đen, ngoài khơi Constanta, Romania năm 2015. (Nguồn: EPA)

Thông báo công khai về một hoạt động tiềm tàng của NATO tại Eo biển Kerch có thể là một động thái phản ứng sau sự cố ngày 25 tháng 11 năm 2018, khi Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine, tại eo biển Kerch.

Theo South Front, nếu các lực lượng hải quân NATO cùng hoặc dưới một hình thức nào đó hỗ trợ các lực lượng Ukraine thực hiện một nỗ lực vượt qua eo biển Kerch bằng cách vi phạm các quy tắc đi qua đã được thiết lập, thì đây sẽ được Moscow coi là một hành động quân sự leo thang, kích động phản ứng tương đương. Nói cách khác, một cuộc đụng độ quân sự là có nguy cơ tiềm tàng.

Vào đầu năm 2019, mặc dù có những lời hoa mỹ không thân thiện giữa Hoa Kỳ và Nga, nhưng thực tế không có lý do đáng kể nào về các sự cố vũ trang, ở mức tối thiểu hoặc trong trường hợp xấu nhất, để bắt đầu một cuộc chiến. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể thúc đẩy Washington có nhiều hành động hơn ở khu vực Biển Đen, SF nêu ra.

Các mặt trận ngoại vi

Vào ngày 25 tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký tuyên bố công nhận Cao nguyên Golan là một phần của Israel. Bước đi này đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ nhiều thế lực quan trọng trong khu vực và quốc tế. Giờ đây, Nhà Trắng quan tâm đến việc chuyển sự chú ý của quốc tế ra khỏi tình hình hiện tại và tránh những hệ lụy từ các quyết định theo kiểu Golan.

Trong khi đó, diễn biến phức tạp ở Venezuela cũng đáng phải chú ý. Dù thủ lĩnh phe đối lập Venezuela nhận được sự ủng hộ của Mỹ cùng hàng loạt các nước phương Tây và khu vực, ông Maduro vẫn nhận được sự hỗ trợ từ quân đội quốc gia, chính quyền sát cánh và lập trường ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga. Vì vậy, hoạt động của Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới. Áp lực kinh tế và ngoại giao đối với chính quyền ông Maduro đã tăng lên và nước này đã trải qua một loạt sự cố quy mô lớn nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của cơ sở hạ tầng năng lượng. Chính phủ Maduro cho rằng Mỹ là bên chịu trách nhiệm đối với hàng loạt vụ mất điện gần đây.

Để phần nào dời sự quan tâm của dư luận tới những động thái tiếp theo đối với Venezuela, Mỹ phải thực hiện các hành động ở ngoại vi khác.

Bên cạnh đó, tình hình ở Ukraine trước vòng thứ hai của cuộc bầu cử tổng thống không thực sự ổn định. Một số chuyên gia và nhà phân tích nghi ngại về kết quả bỏ phiếu, đã đưa đương kim Tổng thống Poroshenko và ứng viên "ngoại đạo" Zelensky cạnh tranh trực tiếp trong vòng 2. Nhiều người dân cũng lo ngại về các chính sách hiện tại và lập trường thân cận với phương Tây mà Ukraine thực hiện từ sau năm 2014. Như vậy, lúc này Mỹ phải tính tới những chính sách đối với vấn đề Ukraine, khi ông Poroshenko hay ông Vladimir Zelensky giành chiến thắng.

Theo SF, kịch bản căng thẳng quân sự ở eo biển Kerch với sự hỗ trợ của các tàu chiến NATO sẽ phù hợp để đạt được tất cả các mục tiêu vừa mô tả. Hơn nữa, các hành động của NATO có thể sẽ hướng tới tạo tác động lớn và ảnh hưởng đến kinh tế của Crimea.

Một điểm khác là củng cố thêm tuyên bố rằng Nga có thể đe dọa liên minh dọc theo sườn phía đông, không chỉ ở phía bắc. Bà Hutchison từng nói rằng Nga đang đe dọa đến Romania, Bulgaria và Ukraine, hay Georgia. Nhưng có một số vấn đề. Georgia ngăn cách với Nga bởi những ngọn núi, họ cũng không phải là một quốc gia NATO.

Ukraine cũng không phải là một quốc gia NATO và những năm gần đây cho thấy Moscow không muốn tiến hành các hoạt động quân sự toàn diện trên lãnh thổ của mình. Bulgaria và Romania không có biên giới trên bộ với Nga và cả hai quốc gia đều có quan hệ song phương với Moscow.

Đáng chú ý hơn nữa, các tuyên bố của Hoa Kỳ thậm chí không đề cập đến một quốc gia quân sự quan trọng của NATO, quốc gia có tiềm năng quân sự vượt quá tiềm năng quân sự kết hợp của Bulgaria, Romania, Georgia và Hy Lạp là Thổ Nhĩ Kỳ, nằm ở phía nam sườn của khối. Theo SF, có thể là Washington đang nghiêm túc xem xét tiến hành các hoạt động trong tương lai gần theo nhiều hướng cùng một lúc.


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ