Kịch bản Mỹ tấn công tàu dầu Iran: Điều trùng hợp lạnh người với vụ sát hại tướng Soleimani

Lâm Vy | 22-05-2020 - 18:55 PM

(Tổ Quốc) - Sẽ rất bất thường và mang tính khiêu khích cao nếu Hải quân Mỹ chặn đường và ập lên các tàu chở dầu của Iran giữa biển, song điều đó không phải là không có tiền lệ.

Trong bối cảnh 5 tàu chở dầu của Iran đang thẳng tiến tới Venezuela bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào cả hai nước, Tổng thống Donald Trump đang đứng trước một số lựa chọn để ngăn chặn hành động này.

Viễn cảnh "một mũi tên trúng hai đích" có vẻ hấp dẫn với ông chủ Nhà Trắng. Suy cho cùng, chính sách của ông Trump nhằm chống lại Iran và Venezuela hiện nay đều là "gây áp lực tối đa".

Nhưng trong trường hợp này, Mỹ có thể làm gì? Điều đó liệu có hợp pháp và có ý nghĩa?

Trước đó, hãng thông tấn Fars của Iran cáo buộc Hải quân Mỹ đã điều 4 tàu chiến tới biển Caribe để sẵn sàng cho "một cuộc đối đầu [có khả năng xảy ra] với các tàu dầu Iran". Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đồng thời cảnh báo Mỹ về hậu quả nếu có bất cứ động thái nào nhằm can thiệp và cản trở hoạt động vận chuyển nhiên liệu của Iran tới Venezuela.

Kịch bản Mỹ tấn công tàu dầu Iran: Điều trùng hợp lạnh người với vụ sát hại tướng Soleimani - Ảnh 1.

Cập nhật vị trí mới nhất của các tàu dầu Iran vào sáng nay (22/5)

Song, theo nhà phân tích Mark Fitzpatrick đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đây là một phản ứng thái quá.

Thực chất, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen, Preble và Farragut, cùng với tàu tác chiến cận bờ USS Detroit và máy bay tuần thám biển P-8 đang tình cờ có mặt ở biển Caribe. Chúng tới đây để tham gia chiến dịch chống buôn lậu ma túy tăng cường, bắt đầu từ ngày 1/4.

Do đó, nếu Mỹ có ý định ngăn cản các tàu chở dầu Iran thì nhóm tàu này mới được chỉ đạo để thay đổi nhiệm vụ.

Kịch bản Mỹ tấn công/bắt giữ tàu dầu Iran

Sẽ rất bất thường và mang tính khiêu khích cao nếu Hải quân Mỹ chặn đường và ập lên các tàu chở dầu của Iran giữa biển, song điều đó không phải là không có tiền lệ.

Năm 2003, Hải quân Tây Ban Nha, dựa trên tin mật từ tình báo Mỹ, đã chặn đứng máy bay vận tải của Triều Tiên đang chở tên lửa Scud tới Yemen. Đây là hành động hợp pháp bởi tàu So San của Triều Tiên đã không đăng kiểm.

Trong những năm 1990, Hải quân Mỹ cũng đã chặn đường và ập lên một số tàu đang di chuyển ở vùng Vịnh để ngăn chặn Saddam Hussein xuất khẩu dầu mỏ, vi phạm biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Trong tình huống lần này, hiện không có nghị quyết nào của LHQ cấm Iran xuất khẩu hay cấm Venezuela nhập khẩu nhiên liệu. Chỉ có các biện pháp trừng phạt đơn phương từ Mỹ nhưng trong đó cũng không có điều khoản nào buộc các tàu dầu phải dừng và tiến hành khám xét.

Nếu các tàu tình nghi treo cờ của nước ngoài, như nhiều tàu buôn khác vẫn làm, thì thỏa thuận cho phép lên khám xét trên tàu được ký kết giữa Mỹ và nhiều quốc gia như Panama, Cộng hòa quần đảo Marshall và Liberia, có thể mang lại cho Mỹ một cái cớ để chặn tàu, dựa trên cơ sở nghi ngờ chúng đang vận chuyển ma túy hoặc những loại nguyên vật liệu liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Các tàu chở dầu đang tiến đến Venezuela là các tàu thuộc sở hữu của Iran và đã đăng kiểm. Bên cạnh đó, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà các tàu dầu của Iran không được treo cờ nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn có một tình tiết có thể mang lại cho Mỹ cơ sở pháp lý hợp lý để ngăn chặn chúng: Phó Đô đốc John Miller, cựu chỉ huy Hạm đội 5 của Mỹ nghi ngờ các tàu dầu của Iran chở theo một số thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) làm nhiệm vụ bảo vệ lực lượng.

Kịch bản Mỹ tấn công tàu dầu Iran: Điều trùng hợp lạnh người với vụ sát hại tướng Soleimani - Ảnh 2.

Mỹ sẽ lấy cái cớ từng dùng sát hại tướng Soleimani để tấn công tàu dầu Iran? (Trong ảnh: Tướng Qasaem Soleimani. Nguồn: Tehran Times)

Trong năm 2019, Mỹ đã liệt IRGC vào danh sách Tổ chức khủng bố nước ngoài. Luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) năm 2001 – cho phép Tổng thống ra lệnh tấn công bất cứ lực lượng nào đứng sau vụ khủng bố ngày 9/11 nhằm vào Mỹ - đã được nới rộng phạm vi.

Hiện nay, luật này cho phép Tổng thống Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự chống lại bất cứ tổ chức nào được Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố nước ngoài.

Theo nhà phân tích Fitzpatrick, cũng với cái cớ hợp pháp này mà Mỹ đã tiến hành cuộc không kích tiêu diệt tướng Qasem Soleimani – chỉ huy lực lượng Quds của IRGC vào ngày 3/1 năm nay.

Về phần mình, chính quyền Tổng thống Trump có lẽ còn muốn dùng tới một cái cớ thực tế "chính đáng" khác. Đó là chính Iran, vào năm ngoái, đã tấn công và bắt giữ các tàu chở dầu của nước ngoài khi chúng đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở vùng Vịnh.

Câu châm ngôn "Cái gì áp dụng cho người này được thì cũng có thể áp dụng cho người khác" có thể trở thành lý lẽ ở đây, nhất là nếu hành động đó xảy ra ở biển Caribe, nơi vốn được xem là "ao làng" của Mỹ.

Mỹ không nên "dùng dao mổ trâu giết gà"

Song, Phó Đô đốc Miller cho biết, ông sẽ không khuyến nghị chính phủ Mỹ ngăn chặn các tàu chở dầu Iran bởi 45 triệu USD – giá trị ước tính của lượng dầu mỏ trên các tàu Iran – là một con số không mấy đáng kể đối với cả hai nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn.

"Họ giống như những người nghèo khổ đang trao đổi những đồng xu lẻ ở góc phố", ông Miller nói, "Chúng ta đừng nên dùng dao mổ trâu giết gà".

Quả thực, theo nhà phân tích Fitzpatrick, sẽ là vô nghĩa khi Mỹ tìm cách ngăn chặn đợt chuyển giao dầu của Iran. Washington sẽ bị gần như tất cả các quốc gia khác trên thế giới lên án là lạm dụng quyền lực, trong khi Iran và Venezuela nhận được sự đồng cảm chính trị.

Hơn nữa, hành động này sẽ trao cho Iran cái cớ để trả đũa quân đội hoặc các tài sản dân sự của Mỹ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, vào bất cứ lúc nào mà họ muốn.

Kịch bản Mỹ tấn công tàu dầu Iran: Điều trùng hợp lạnh người với vụ sát hại tướng Soleimani - Ảnh 3.

Nhà phân tích Fitzpatrick cho rằng, hiện Mỹ hoàn toàn không cần cân nhắc tới phương án can thiệp quân sự để ngăn chặn các tàu dầu Iran tới Venezuela. Ảnh: Middle East Online

Truy lùng IRGC ở biển Caribe cũng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho việc tấn công các mục tiêu của IRGC ở những khu vực khác trên thế giới – điều mà phe "diều hâu" ở Mỹ đang tích cực ủng hộ. Cho tới hiện tại, quyết định áp dụng luật AUMF để chống lại Iran mới chỉ giới hạn ở cuộc tấn công tiêu diệt tướng Soleimani.

Việc dùng luật này để chống lại lực lượng IRGC trên các tàu chở dầu sẽ mở ra một mặt trận hoàn toàn mới trong cuộc chiến tranh vẫn chưa được chính thức công bố giữa hai phía.

Nếu nhận ra tất cả những hệ lụy này, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tìm kiếm các phương thức phi vũ lực để ngăn chặn nhóm tàu chở dầu của Iran. Chẳng hạn, vào ngày 9/5 vừa qua, một cuộc tấn công mạng đã được triển khai [được cho là do Israel tiến hành] nhằm vào cảng biển mà từ đó các tàu dầu Iran lên lộ trình.

Điều này có vẻ không liên quan gì tới thỏa thuận giữa Iran với Venezuela mà là nhằm trả đũa việc Iran có dính líu tới cuộc tấn công mạng [thất bại] hôm 24/4 vào mạng lưới phân phối nước của Israel.

Mỹ còn có sẵn các công cụ kinh tế và ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề nghị tất cả các quốc gia từ chối cho máy bay của Iran thuộc hãng Mahan Air bay qua không phận hoặc hạ cánh.

Máy bay của hãng này bị các nước phương Tây cáo buộc chuyên chở thiết bị và nhân viên quân sự tới những khu vực chiến sự ở Trung Đông, và gần đây là chở số vàng trị giá 500 triệu USD từ Venezuela tới Iran.

Song nhìn chung, theo nhà phân tích Fitzpatrick, áp lực từ Mỹ có thể khiến các giao dịch thương mại giữa Iran và Venezuela trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn hoạt động giữa hai phía.

Nền kinh tế Iran và Venezuela đang phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn do sai sót trong quản lý và các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Khó khăn của họ càng chồng chất sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Do đó, ông Fitzpatrick cho rằng, hiện Mỹ hoàn toàn không cần cân nhắc tới phương án can thiệp quân sự, để dẫn tới nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quy mô lớn hơn. Khi đó, cái giá phải trả đối với Mỹ, và cả thế giới, sẽ vượt quá bất cứ lợi ích nào mà họ nhận được.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM