• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kịch bản tiềm ẩn về tên lửa Nga, Trung có thể thổi bay các vệ tinh Mỹ

Thế giới 03/04/2018 17:10

(Tổ Quốc) - Nga và Trung Quốc vừa thử nghiệm các hệ thống tên lửa tiên tiến và có sức mạnh đáng gờm – có thể nhắm tới các mục tiêu ngoài vũ trụ, bao gồm cả vệ tinh của Hoa Kỳ, tờ Newsweek cho hay.

Sức mạnh tên lửa Nga – Trung tới đâu?

Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/4 thông báo rằng nước này đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa được nâng cấp A-135 tại Kazakhstan. Thiếu tướng Andrey Prikhodko - phó chỉ huy bộ phận hỗn hợp phòng không và chống tên lửa thuộc Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga nói với tờ Krasnaya Zvezda rằng hệ thống này "đã thực hiện thành công nhiệm vụ và tiếp cận được mục tiêu thông thường vào thời điểm được ấn định".

Nga cũng tiến hành thử nghiệm lần thứ 6 đối với thế hệ kế nhiệm của A-135, hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 PL-19 Nudol, The Diplomat cho biết, trích dẫn thông tin từ các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ có kiến thức về chương trình phát triển vũ khí của Nga. Vụ thử nghiệm A-235 PL-19 Nudol vào ngày 26/3 đã diễn ra tại Plesetsk Cosmodrome, nơi Nga đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat, được liên minh quân sự NATO gọi là "Satan 2".

Thông tin về vụ thử ngày 26/3 chỉ nói rằng hệ thống xe chở-dựng-phóng (TEL) đã phóng thành công A-235 một cách trực tiếp. Hiện tại, A-235 chỉ là một trong nhiều vũ khí thế hệ tiếp theo nằm trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hiện đại hóa và tăng cường lực lượng vũ trang của đất nước.

Nga không phải là cường quốc quân sự đang tăng cường lực lượng duy nhất ở phía Đông. Giống như Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang phát triển các công cụ chống vệ tinh mới trong hệ thống vũ khí quân sự của nước này.

Vào tháng 2, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa Dong Neng-3 (DN-3) bằng cách sử dụng nó để bắn hạ tên lửa khác trong không gian, theo tờ Popular Science.

Trung Quốc đã tiến hành vụ thử đầu tiên như vậy vào năm 2010 - đưa nước này trở thành nước thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ có khả năng truy tìm và tiêu diệt mục tiêu ngoài bầu khí quyển. Là hai cường quốc quân sự thứ hai và thứ ba trên thế giới, Nga và Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa sức mạnh của họ và Hoa Kỳ.

Cạnh tranh chiến lược với Mỹ

Ông Putin, tháng trước đã giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga và ông Tập Cận Bình, cũng trong tháng trước đã chính thức tái đắc cử  Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm một nhiệm kì nữa, đang theo đuổi mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn.

Giữa sức ép từ phương Tây, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc đang tăng cường quan hệ song phương.

Ngoài việc phát triển thương mại, hai bên cũng thúc đẩy hợp tác quân sự lớn hơn giữa hai nước. Ông Ngụy Phượng Hòa - Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã chọn Nga làm điểm đến trong chuyến đi đầu tiên của ông ở nước ngoài.

Ông Ngụy nói rằng "mối quan hệ Trung Quốc-Nga là mối quan hệ tốt đẹp nhất trong thế giới hiện nay", theo China Military Online.

Với sức mạnh kinh tế toàn cầu và sức ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực từ Tây sang Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm mục tiêu tới Nga và Trung Quốc  trong Chiến lược An ninh Quốc gia “Ưu tiên nước Mỹ” của ông.

Ông Trump cho rằng, "Trung Quốc và Nga đang thách thức quyền lực, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, muốn làm xói mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ… Họ quyết tâm làm cho nền kinh tế ít tự do hơn và ít công bằng hơn, tăng cường quân đội của họ, tìm cách kiểm soát thông tin và dữ liệu để trấn áp xã hội và mở rộng ảnh hưởng của họ".

Nga và Trung Quốc đã chỉ trích báo cáo này, nhưng ông Trump một lần nữa lại nhắm tới hai cường quốc trên trong Bản đánh giá sức mạnh hạt nhân hồi tháng 2. Ông kêu gọi nới lỏng hạn chế về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, phát triển các thiết bị hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn, tải trọng thấp hơn – điều một số chuyên gia cho biết có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột hạt nhân. Cuối tháng 2, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats, trong bản Đánh giá mối đe dọa toàn cầu 2018 của mình, cũng chỉ ra rằng, Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí chống vệ tinh, theo đó, ông dự đoán các loại vũ khí này sẽ hoạt động trong "vài năm tới".

“Cả Nga và Trung Quốc đều tiếp tục theo đuổi các vũ khí chống vệ tinh (ASAT) như các phương tiện để làm suy giảm sức mạnh của Mỹ và các đồng minh. Nga và Trung Quốc đều mong muốn có vũ khí hạt nhân chống vệ tinh có cả sức mạnh phá hủy và không bị tiêu diệt để sử dụng trong một cuộc xung đột tiềm ẩn trong tương lai", ông Coats cho biết.

"Chúng tôi đánh giá, nếu một cuộc xung đột tương lai xảy ra liên quan đến Nga hay Trung Quốc, cả hai nước này sẽ nói rằng các cuộc tấn công vào vệ tinh của Mỹ và đồng minh là cần thiết để đối phó với mọi lợi thế quân sự Mỹ có từ các hệ thống không gian quân sự, dân sự hay thương mại", ông Coats kết luận.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ