• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kích cầu du lịch bằng đường sắt

Du lịch 26/06/2020 09:20

(Tổ Quốc) - Phát động kích cầu du lịch bằng đường sắt; 160 học viên được bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là những thông tin về du lịch nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình

Kích cầu du lịch bằng đường sắt - Ảnh 1.

Lễ phát động Kích cầu du lịch bằng đường sắt. Ảnh: Báo Du lịch

Hà Nội: Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức Lễ phát động Kích cầu du lịch bằng đường sắt.

Năm 2020 do dịch COVID-19 nên 5 tháng đầu năm 2020 sản lượng vận tải đường sắt của Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội chỉ đạt 32% so với năm 2019. Để khắc phục khó khăn, đồng thời khôi phục hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) hợp tác với CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội và các DN du lịch xây dựng các tour du lịch trọn gói đi lại bằng tầu hỏa đến các điểm thăm quan du lịch như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Lào Cai... và các điểm du lịch có tuyến đường sắt đi qua.

Nhằm kích cầu du lịch, Haraco tổ chức chương trình ưu đãi giảm giá đến 25% cho khách mua vé tập thể từ 5 người trở lên. Đặc biệt với các công ty du lịch nêu tiêu thụ trên 300 vé/tháng bên cạnh việc được giảm giá vé còn được hưởng mức chiết khẩu 3%. Để nâng cao chất lượng phục vụ, Doanh nghiệp đưa vào hoạt động các toa xe chất lượng cao, thế hệ mới, bố trí toa xe cộng đồng sinh hoạt chung, phục vụ ăn uống trên tầu theo yêu cầu của khách với thực đơn đa dạng luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức các đoàn tầu có hành trình riêng theo yêu cầu của du khách.

Lễ phát động kích cầu du lịch bằng đường sắt là hoạt động mới nhất trong chuỗi sự kiện nhằm phục hồi ngành du lịch của Thủ đô. Du lịch Hà Nội đã bắt đầu có tín hiệu khả quan khi đón 258 nghìn lượt khách trong nước trong tháng 5. Số khách quốc tế đạt khoảng 12 nghìn người, hầu hết là đối tượng khách công vụ, hoặc người nước ngoài đến Hà Nội chưa thể trở về vì dịch Covid-19.

Theo Sở Du lịch Hà Nội cho biết: "So với cùng kỳ năm ngoái, Hà Nội "mất" một lượng khách rất lớn, khách nội địa giảm tới 87,7%, lượng khách du lịch giảm sút đã khiến hàng nghìn cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động". Sau khi dừng giãn cách xã hội, cùng lúc thực hiện phát triển kinh tế và phòng, chống dịch, Hà Nội khẩn trương dồn lực khôi phục ngành du lịch. Đầu tháng 6-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2171/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung các giải pháp phát triển du lịch nội địa trên địa bàn Hà Nội. Công văn nhấn mạnh vào một số nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về điểm đến, các chương trình khuyến mại, danh sách các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia kích cầu du lịch; xây dựng các tua kích cầu du lịch; chủ động hợp tác liên kết với các địa phương để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thật sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch… Đây là kịch bản quan trọng để ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, lữ hành, các khu tham quan, vui chơi, giải trí thực hiện các giải pháp thu hút khách.

Đối với mảng lữ hành, khách sạn, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tung nhiều gói kích cầu thị trường trong nước, điển hình như: Công ty Du lịch Hanoi Redtour giảm giá từ 30 đến 35% các tua du lịch biển; Công ty Vietravel Hà Nội, Công ty Du lịch AZA Travel cũng đưa ra nhiều "gói" du lịch mới, mức giảm tối đa lên đến 50%... Nhiều khách sạn như: Mường Thanh Grand Hà Nội, Movenpick Hà Nội… cũng đưa ra các hoạt động khuyến mại hấp dẫn.

Đối với việc xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch, Hà Nội tiếp tục khai thác lợi thế của du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, vận động các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, có hai địa điểm du lịch của Thủ đô chưa được khai thác hết tiềm năng là khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) và khu vực núi Ba Vì, nơi có các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh và nhiều cảnh quan đẹp. Tại đây, khách du lịch chỉ tập trung vào lễ hội đầu năm. Các tháng còn lại trong năm rất vắng khách. Do đó, Sở Du lịch đang phối hợp UBND các huyện Mỹ Đức, Ba Vì tìm các giải pháp thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm du lịch. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung tổ chức nhiều lễ hội văn hóa từ nay đến cuối năm, thí dụ như: Lễ hội văn hóa dân gian đương đại tại không gian đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, ba miền Bắc - Trung - Nam và quốc tế; Liên hoan du lịch làng nghề - phố nghề Hà Nội 2020...

Cuối tháng 6, thành phố sẽ tổ chức Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu đồ uống không cồn đặc trưng của Hà Nội tại không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến sẽ có 50 gian hàng của các công ty lữ hành, khách sạn, hàng không, câu lạc bộ, hiệp hội du lịch; 30 gian hàng giới thiệu các món chè, đồ uống đặc trưng của Hà Nội như: trà sen Tây Hồ, cà-phê Giảng, kem Tràng Tiền, chè hạt sen long nhãn, hoa quả dầm và các loại đồ uống giải khát mùa hè. Cùng với đó, các điểm du lịch quan trọng như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò… đều có những đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách.

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã cụ thể hóa hoạt động liên kết bằng chương trình khảo sát du lịch miền trung tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình với sự tham gia của 60 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Ninh Bình: Sở Du lịch vừa phối hợp với Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tổ chức lễ khai giảng 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ: buồng bàn, bar và vận hành lưu trú tại nhà dân (homestay) cho người lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tại lớp học, các học viên được cấp phát tài liệu, được truyền đạt nghiệp vụ các ngành nghề theo giáo trình của bộ tiêu chuẩn kỹ năng cần thiết về nghề Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn tại Việt Nam (VTOS).

Tham gia lớp học, các học viên sẽ được đào tạo để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong khi phục vụ khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên và người lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cơ sở lưu trú du lịch và nâng cao giá trị hình ảnh của du lịch Ninh Bình.

Đây là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, bền vững, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau khi lớp bồi dưỡng kết thúc, Sở Du lịch sẽ cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho những học viên đủ điều kiện.

Hải Phòng: Vừa qua, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề cương Đề án "Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Theo đó, Đề án tập trung đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại Hải Phòng; các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch nông thôn của Trung ương và thành phố; dự báo xu hướng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm du lịch. Từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng.

Đề án nghiên cứu hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương từ năm 2016 đến nay và đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để triển khai thực hiện, UBND thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án "Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", đảm bảo chất lượng, tiến độ và quy định; báo cáo UBND thành phố phê duyệt.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ