Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Từ thủ đô Paris, GS-TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, khi đại dịch chuyển sang một giai đoạn mới thách thức hơn, vai trò tiên phong của Đảng và sức mạnh của nhân dân là những yếu tố quyết định thành công trong cuộc chiến chống dịch.

Kiều bào tại Pháp: Vai trò tiên phong của Đảng và sức mạnh của nhân dân là những yếu tố quyết định thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

(Tổ Quốc) - Từ thủ đô Paris, GS-TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, khi đại dịch chuyển sang một giai đoạn mới thách thức hơn, vai trò tiên phong của Đảng và sức mạnh của nhân dân là những yếu tố quyết định thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Ngày 30/3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát đi lời kêu gọi gửi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta nước ngoài, cùng chung tay trong cuộc chiến đối phó với dịch bệnh COVID-19. Được ví như một lời hiệu triệu toàn dân tộc giữa thời bình, lời kêu gọi của Tổng Bí thư không chỉ làm lay động trái tim của hàng chục triệu người dân Việt Nam mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ tới những Kiều bào ta ở nước ngoài - bao gồm cả cộng đồng hơn 300.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Pháp.


Thông điệp hiệu triệu của tình đoàn kết, trách nhiệm xã hội và tinh thần hợp tác quốc tế


Chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc, GS-TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Hành chính và Quản trị Kinh doanh (IPAG Business School, Pháp) nhận định: "Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước hết là thông điệp hiệu triệu tinh thần đoàn kết nhất trí, trách nhiệm xã hội, ý thức cộng đồng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong việc chặn đứng sự lây lan, tác động tiêu cực của đại dịch, vì sức khỏe và tính mạng của mọi người dân".

Kiều bào tại Pháp: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Đảng và Chính phủ, Việt Nam sẽ thắng đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Đức Khương (ảnh: AVSE)

Hiện là thành viên trẻ tuổi nhất trong Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, GS-TS Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh, lời kêu gọi của Tổng Bí thư đã "kịp thời ghi nhận và biểu dương những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, từ cấp Trung ương cho tới địa phương, đặc biệt biệt dành cho ngành Y tế và những lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh".

"Bên cạnh đó, lời kêu gọi cũng thể hiện rõ tinh thần hợp tác tích cực, phối hợp kịp thời và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam ở phạm vi toàn cầu", GS-TS Nguyễn Đức Khương bình luận.


Sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời từ Đảng và Chính phủ


Bà Trần Mai Phượng Tellier, một Việt kiều tại Paris đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp không chỉ trên thế giới mà ở cả Việt Nam như hiện nay, sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Đảng và chính phủ là một trong những điều tiên quyết giúp Việt Nam kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

"Khi mà Việt Nam còn hạn chế về máy móc, thiết bị y tế thì sự quyết liệu chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là điều tối quan trọng, là cực kỳ cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus", bà Mai Phượng nói. "Dựa trên những thông tin từ người thân và bạn bè từ trong nước, tôi nhận thấy nhân dân Việt Nam đang đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn cho người dân trong nước trước tình hình hiện nay".

Các lực lượng trên toàn Việt Nam cùng chung tay góp sức trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 (ảnh: Nam Nguyễn)

Còn ông Vương Hữu Nhân, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) chia sẻ, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới ban đầu đánh giá thấp nguy cơ của COVID-19 và giờ đây đã không thể kiểm soát được tình hình lây lan, thì những biện pháp mà Việt Nam đã kịp thời triển khai cho tới nay "dường như hoàn toàn đúng đắn".

Tương tự, bà Nguyễn Ngân Hà, người sáng lập dàn hợp xướng "nhạc đỏ" Hợp ca Quê hương gồm các Kiều bào Pháp, từng biểu diễn tại trụ sở UNESCO và nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế cho rằng, Đảng và chính phủ Việt Nam đã đưa ra những quyết sách kịp thời và rất dứt khoát. "Với các diễn biến hiện tại bên châu Âu và Mỹ, tôi nghĩ bà con trong nước đã hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, từ đó thực hiện các hướng dẫn và quy định của Chính phủ một cách chặt chẽ", bà Ngân Hà bày tỏ hy vọng. "Chỉ có bằng cách này chúng ta mới có thể thành công vượt qua dịch bệnh".

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước hết là thông điệp hiệu triệu tinh thần đoàn kết nhất trí, trách nhiệm xã hội, ý thức cộng đồng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong việc chặn đứng sự lây lan, tác động tiêu cực của đại dịch, vì sức khỏe và tính mạng của mọi người dân.

GS-TS Nguyễn Đức Khương


Tin tưởng Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch


Trong lời kêu gọi ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhắc đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp vừa hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và "bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao".

Phát biểu trên hoàn toàn nhận được sự đồng tình từ những đồng bào xa xứ.

Các nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội (ảnh: Nam Nguyễn)

Bà Ngọc Hương Gilard, một thành viên của Hội Âu – Việt nhấn mạnh, "Việt Nam đã và đang phòng chống dịch rất tốt". Hội Âu – Việt là được cộng đồng kiều bào tại Pháp biết tới nhờ loạt hoạt động duy trì văn hóa và bản sắc Việt Nam như dạy các trẻ em gốc Việt sinh ra tại Pháp tiếng Việt, lịch sử quê hương và học các nhạc cụ dân tộc truyền thống Việt Nam.

"Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có phản ứng rất nhanh khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện", ông Vương Hữu Nhân của UGVF chỉ ra. "Tôi hy vọng điều này sẽ có lợi cho công cuộc chống dịch lâu dài sau này của đất nước". Trong bối cảnh Pháp đang là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19 tại châu Âu, UGVF đã có một hoạt động vì cộng đồng vô cùng có ý nghĩa, đó chính là kêu gọi và điều phối các hội viên, bạn bè chung tay hỗ trợ những bà con Kiều bào lớn tuổi như giúp đỡ mua nhu yếu phẩm, động viên về mặt tinh thần (gọi điện thoại, gửi email trò chuyện), đóng góp tài chính…

Dựa trên những thông tin từ người thân và bạn bè từ trong nước, tôi nhận thấy nhân dân Việt Nam đang đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ trong việc đảm bảo an toàn cho người dân trong nước trước tình hình hiện nay

Mai Phượng Tellier

Việt Nam từng được dự đoán là một quốc gia có khả năng bị tác động rất lớn khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng lên tại Vũ Hán do có đường biên giới, hoạt động giao thương hàng hóa và du lịch lữ hành cao với Trung Quốc. Tuy nhiên, tới hết ngày 5/4, Việt Nam mới ghi nhận 241 các nhiễm COVID-19 với 91 người đã được chữa khỏi và chưa hề có trường hợp tử vong.

Theo GS-TS Nguyễn Đức Khương, Việt Nam đang được nhắc tới như một ví dụ điển hình về năng lực trong kiểm soát tốt đại dịch với nguồn lực hạn chế: "Tập trung vào kiểm dịch, cách ly với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm và tìm những người có khả năng bị lây nhiễm để cách li là những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Đó cũng là đánh giá gần đây trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và nhìn nhận chung của cộng đồng quốc tế về Việt Nam".

"Khi đại dịch chuyển sang một giai đoạn mới, thách thức và cam go hơn thì vai trò tiên phong của Đảng và sức mạnh của nhân dân là những yếu tố quyết định thành công", Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phân tích. "Chúng ta không chủ quan và đồng lòng thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ thì sẽ sớm chiến thắng trong cuộc chiến lần này vì sức khoẻ, an toàn và hạnh phúc của người dân".

Minh Đức
Nam Nguyễn
08/04/2020 00:00