Sức mạnh đáng nể của siêu tàu đổ bộ Hải quân Mỹ đang cháy nổ dữ dội

Trà Khánh | 13-07-2020 - 08:52 AM

(Tổ Quốc) - Theo truyền thông Mỹ, đã xảy ra một vụ cháy lớn trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard đang neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego vào rạng sáng nay 13/7.

Như chúng tôi trước đó đã đưa tin, vào rạng sáng nay 13/7 (theo giờ Hà Nội) đã xảy ra một vụ cháy lớn trên tàu USS Bonhomme Richard (LHD-6) thuộc lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp của Hải quân Mỹ tại căn cứ hải quân San Diego.

Tính đến 9h sáng nay đám cháy trên tàu USS Bonhomme Richard vẫn chưa bị khống chế. Theo Giám đốc Sở Cứu hỏa San Diego Colin Stowell nói rằng con tàu có thể bốc cháy trong nhiều ngày và có nguy cơ bị chìm.

Được biết, USS Bonhomme Richard là tàu thứ 6 trong 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp, vốn được xem như "nắm đấm thép" trên biển của Hải quân Mỹ. Lớp tàu đổ bộ này giúp Washington có thể triển khai nhanh các đơn vị đơn vị Thủy quân Lục chiến viễn chinh (MEU) đến bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới.

Sức mạnh đáng nể của siêu tàu đổ bộ Hải quân Mỹ đang cháy nổ dữ dội - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ Wasp (LHD-3) mang theo các máy bay MV-22 Osprey trong một nhiệm vụ đổ bộ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Sức mạnh đáng nể của tàu đổ bộ tấn công Wasp

Hiện tại, Hải quân Mỹ đang có trong biên chế khoảng 9 tàu đổ bộ tấn công gồm: 8 chiếc lớp Wasp và một chiếc lớp America. Wasp hiện vẫn là lớp tàu đổ bộ chủ lực, với chiếc đầu tiên được biên chế vào năm 1989.

Wasp là một trong số lớp tàu đổ bộ chở trực thăng LHD (Landing Helicopter Dock) lớn nhất trên thế giới, nó được thiết kế dựa trên lớp tàu đổ bộ Tarawa cũng của Hải quân Mỹ (đã nghỉ hưu) với nhiều cải tiến nhằm tăng khả năng hoạt động của máy bay cũng như năng lực chuyên chở.

Tất cả các tàu đổ bộ Wasp của Hải quân Mỹ đều được đóng bởi hãng đóng tàu Ingalls Shipbuilding. Chiếc đầu tiên của lớp, LHD-1 Wasp chính thức đi vào hoạt động từ 29/7/1989. Đã có tất cả 8 chiếc LHD lớp Wasp được đóng, đánh số thứ tự từ LHD-1 đến LHD-8 và đến nay tất cả đều vẫn còn đang hoạt động.

Khác biệt lớn nhất của lớp Wasp với Tarawa là boong tàu được thiết kế lại cho phép tiếp nhận máy bay phản lực cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier và xuồng đổ bộ đệm khí LCAC (Landing Craft Air Cushion).

Về thông số kỹ thuật một tàu Wasp có lượng giãn nước toàn tải là 41.150 tấn; chiều dài 253,2 m; chiều rộng 31,8 m; mớn nước 8,1m. Thủy thủ đoàn trên tàu hơn 1.000 người, gồm 66 sĩ quan.

Hệ thống động lực chính trên tàu gồm 2 turbin hơi nước 2 trục 70.000 mã lực (52.000 kW) hoặc 2 động cơ turbin khí 2 trục General Electric LM2500 (trên LHD-8 USS Makin Island) cho phép tàu chạy với tốc độ lớn nhất 22 hải lý/h (41km/h), tầm hoạt động tối đa 9.500 hải lý (17.600km) khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h (33km/h).

Như đã nói ở trên các tàu đổ bộ tấn công như Wasp có thể chuyên chở toàn bộ sức mạnh của một đơn vị Thủy quân Lục chiến viễn chinh gồm 1.687 quân, 5 xe tăng M1 Abrams, 25 xe thiết giáp lưỡng cư AAV, 8 pháo M-198, 68 xe tải và tới 12 xe hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, điểm nhấn của Wasp vẫn là khả năng chở theo các loại trực thăng vũ trang gồm: 4 trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, 12 trực thăng vận tải CH-46 Sea Knigh hoặc 4 máy bay MV-22 Osprey, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 Sea Stallion và 3-4 trực thăng đa dụng UH-1N Huey.

Trước đây, Wasp còn được biên chế 6 phản lực cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrie, tuy nhiên Harrie đã bị Thủy quân Lục chiến Mỹ loại biên và sẽ sớm được thay thế bằng những chiếc tiêm kích tàng hình F-35B - phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng (STOVL).

Sức mạnh đáng nể của siêu tàu đổ bộ Hải quân Mỹ đang cháy nổ dữ dội - Ảnh 3.

Tiêm kích F-35B hạ cánh xuống một tàu đổ bộ tấn công Wasp của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Khi tham gia nhiệm vụ đổ bộ, các tàu Wasp sẽ thay đổi số lượng và chủng loại trực thăng mang theo như 42 trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc hơn 22 chiếc MV-22 Osprey. Còn khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát biển, các tàu này sẽ mang theo 20 máy bay AV-8B Harrier II (sẽ được thay thế bởi F-35B) và 6 trực thăng chống ngầm SH-60F/HH-60H.

Đó là về vũ khí tấn công, còn về phòng thủ, lớp Wasp được trang bị 2 bệ phóng Mk 29 cho tên lửa phòng không RIM-7; 2 bệ phóng Mk 49 cho tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe, 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần CIWS Phalanx (2 trên LHD-5 - 8), 4 pháo tự động Mk-38 cỡ 25mm (3 trên LHD-5 - 8) và 4 súng máy hạng nặng M2 BMG 12,7mm.

Nhìn chung các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp sở hữu sức mạnh không hề thua kém các tàu sân bay cỡ nhỏ của hải quân một số nước, thậm chí là vượt trội hơn sau khi được trang bị tiêm kích F-35B. Điều này giúp Wasp có thể tiếp tục phục vụ Hải quân Mỹ ít nhất thêm một thập kỷ nữa.

Tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard bốc cháy dữ dội khi đang neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM