Kinh tế buồn mùa dịch, "gia sư online" là cách người trẻ tự chuyển dịch để thích nghi với tình hình hiện tại

Quiry | 29-03-2020 - 07:24 AM

(Tổ Quốc) - Khi việc dạy học offline bị gián đoạn vì dịch Covid-19 thì giải pháp gia sư online là điều mà các bạn trẻ thường nghĩ đến.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài vùng chịu thiệt hại. Học sinh, giáo viên không thể lên lớp học như bình thường. Thay vào đó, công tác dạy học online được đẩy mạnh để người học không bị mất kiến thức cũng như giáo viên vẫn đảm bảo thu nhập của mình.

Bên cạnh việc học online trên lớp chính khoá, học sinh còn chọn học trực tuyến tại các lớp học thêm, gia sư. Đây là cơ hội để cho các bạn trẻ có thể tiếp tục công việc gia sư mình đảm nhiệm. Nhưng việc dịch chuyển từ gia sư offline sang online có những điều bất cập hay thách thức, cơ hội nào? Cùng nghe chia sẻ từ chính những bạn trẻ đang hết mình vì sự nghiệp gia sư trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 nhé!

Sĩ số các lớp gần như không đổi, phụ huynh ủng hộ việc dạy trực tuyến nhưng học sinh dễ mất tập trung

Bạn Hằng Bùi, 23 tuổi Hà Nội chia sẻ "Những lớp học mình dạy online có số lượng học viên khoảng 5-15 người/lớp. Số lượng này không có thay đổi gì so với trước đây. Tuy nhiên, lớp cho các bạn 7-8 tuổi đang bị tạm dừng vì đây là độ tuổi đặt ra cho mình nhiều khó khăn khi dạy online, yêu cầu sự đầu tư về mặt nội dung, công cụ giảng dạy công phu."

Kinh tế buồn mùa dịch, "gia sư online" là cách người trẻ tự chuyển dịch để thích nghi với tình hình hiện tại - Ảnh 1.

Ngoài ra, khi được hỏi về những bất cập khi dạy online, Hằng còn cho biết "Trở ngại thứ nhất là về thiết bị. Với sinh viên hay người đi làm thì không lo lắm nhưng nhiều bạn học sinh cấp 2 thì nhà chỉ có laptop, điện thoại của cha mẹ nên các lớp online bắt buộc phải dời lịch sang tối.  

Tiếp đến là chất lượng giảng dạy. Giáo viên sẽ gặp khó khăn khi truyền đạt kiến thức bởi các yếu tố khách quan như internet, âm thanh, ánh sáng. Khi dạy offline, mình thường quan sát biểu hiện của học sinh để điều chỉnh bài giảng, tốc độ dạy, còn dạy online thì khó để làm như vậy vì hầu hết các bạn ấy thường tắt camera cá nhân để đường truyền âm thanh, hình ảnh của giáo viên rõ hơn. Theo trải nghiệm của mình, học online có xu hướng “vắt kiệt" giáo viên nhưng lại “gây ỳ" ở học sinh."

Kinh tế buồn mùa dịch, "gia sư online" là cách người trẻ tự chuyển dịch để thích nghi với tình hình hiện tại - Ảnh 2.

Còn với anh Huy, 25 tuổi dạy IELTS ở Hà Nội thì cho hay "Dạy gia sư online thiếu sự tương tác giữa giáo viên - học sinh. Tương tác online chỉ là tương tác ảo nên bớt thực tế. Hơn nữa nhìn vào màn hình nhiều thì khiến cả giáo viên lẫn học sinh đều mỏi mắt. Cuối cùng là tính nghiêm túc của việc học. Chắc chắn sẽ xảy ra việc lơ đãng nhưng chỉ là số ít của một vài bạn thiếu kỷ luật.

Cha mẹ của học sinh cũng ủng hộ việc học này lắm. Họ muốn con mình khoẻ mạnh và đảm bảo đủ kiến thức, nên nhiều người còn sắm sửa các thiết bị mới cho con đầy đủ điều kiện học tập. Anh chủ yếu dùng Hangout Meet để dạy học, tốc độ ổn định và dễ dùng."

Ngoài ra, chị Thu Hà ở Đống Đa, Hà Nội cho biết chị không kèm cặp, giám sát con học online được nhưng vì muốn tốt cho con nên vẫn đăng ký các lớp gia sư online. 

Gia sư online: Không chỉ là duy trì thu nhập mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta hoàn thiện bản thân

Kinh tế buồn mùa dịch, "gia sư online" là cách người trẻ tự chuyển dịch để thích nghi với tình hình hiện tại - Ảnh 3.

Bạn Phương Anh, sinh viên năm 3 của Đại học Sư Phạm cho hay: "Mình nghĩ gia sư online là cơ hội để không chỉ mình mà những sinh viên Sư phạm nói chung có thể ứng dụng công nghệ vào việc dạy học. Hình thức này chưa được phổ biến nên bọn mình còn gặp nhiều thách thức, từ việc xây dựng bài giảng, soạn tài liệu và bài tập để thích hợp với việc dạy online đến hình thức tương tác với học sinh cũng khác. Tuy nhiên, mình thấy việc học trực tuyến thuận tiện hơn với học sinh, mà hiệu quả đạt được thậm chí còn hơn so với học offline. Do đó mình hy vọng việc học online sẽ phát triển và phổ biến rộng rãi hơn."

Đồng ý kiến với Phương Anh, Hằng Bùi nghĩ rằng "Nói thật là mình khá low-tech (kém công nghệ) nên việc làm quen với các phần mềm dạy học, soạn bài giảng điện tử... sẽ giúp mình hoàn thiện các kỹ năng, nâng cao trình độ. Sau này nếu muốn mở rộng mảng online hoặc trường hợp bắt buộc phải dạy online thì mình cũng coi như có chút kinh nghiệm, không còn bị động nữa.

Kinh tế buồn mùa dịch, "gia sư online" là cách người trẻ tự chuyển dịch để thích nghi với tình hình hiện tại - Ảnh 4.

Mình vẫn chưa hoàn hảo, kĩ năng sư phạm còn nhiều thiếu sót, mình cũng vẫn đang phải tự học hàng ngày và mình cần thời gian để làm tốt hơn, mình mong các bạn học sinh cũng như phụ huynh hiểu được điều đó và cùng cố gắng vượt qua những khó khăn."

Như vậy, qua chia sẻ của các bạn trẻ này, chúng ta có thể thấy được quan điểm rất hiện đại và mới mẻ trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Thay vì ngồi yên một chỗ không làm gì, họ biết cách dịch chuyển công việc của mình để hợp thời hơn. Họ tự biết cố gắng thay đổi bản thân thích nghi với công nghệ mới không chỉ là đảm bảo đồng lương hàng ngày mà đợt này còn là cơ hội tốt để chúng ta hoàn thiện những gì mình thiếu sót. 

Xin chúc tất cả mọi người sẽ tìm được hướng đi cho bản thân và rồi khi mọi thứ đã dịu xuống, chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống thường ngày với tâm thế vững vàng.

Kinh tế buồn mùa dịch, "gia sư online" là cách người trẻ tự chuyển dịch để thích nghi với tình hình hiện tại - Ảnh 5.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM