Kinh tế số có đủ sức kéo tăng trưởng cuối năm?

(Tổ Quốc) - Ông Trương Văn Phước, nguyên Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: “Kinh tế số là vấn đề dài hạn của đất nước”, trong khi PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định lĩnh vực này đã và sẽ phát triển mạnh hơn sau dịch Covid-19.

Về các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm, nhận định chung của nhiều thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng là xuất khẩu sẽ gặp khó khăn vì chuỗi cung ứng đứt gãy. Bên cạnh đó, sức tiêu dùng trong nước thì còn yếu so với năng lực sản xuất nên không thể thay thế xuất khẩu.

Các chuyên gia đều thống nhất rằng, đầu tư công sẽ là yếu tố khả thi để tập trung thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm vì có sức lan tỏa lớn, và Việt Nam có quyền chủ động điều tiết. Vậy trong bối cảnh hiện tại, khi các yếu tố truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức vì dịch bệnh, liệu kinh tế số có thể góp sức để kéo tăng trưởng đi lên?

Ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói với Trí Thức Trẻ: "Chúng ta cần lưu ý một điều, kinh tế số thực chất đã có từ lâu và chuyển đổi số không phải đột nhiên được đánh thức sau một giấc mơ. Đừng nghĩ rằng Việt Nam đang ngủ mê và Covid-19 làm chúng ta "rùng mình" tỉnh dậy. Và để thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh hơn thì chúng ta cần hành động nhiều hơn".

Theo ông Phước, quá trình chuyển đổi sang kinh tế số của một quốc gia cần tương thích với cơ sở, thiết chế về mặt luật pháp của quốc gia đó. Cũng vì thế Mobile Money – yếu tố đang dược nhiều người kỳ vọng, cần có hạ tầng về luật pháp để phát triển.

Nguyên Q. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc cho nhận xét: "Kinh tế số rất quan trọng trong sự phát triển, nhưng kỳ vọng quá nhiều vào kinh tế số trong việc tác động vào tăng trưởng 6 tháng cuối năm thì tôi cho rằng khó khả thi. Đó là một vấn đề mang tính dài hạn của đất nước".

Kinh tế số có đủ sức kéo tăng trưởng cuối năm? - Ảnh 1.

Ở một góc nhìn khác, TS Trần Đình Thiên – một thành viên khác của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: đó là một lĩnh vực sẽ phát triển mạnh mẽ trong và sau dịch Covid-19. Theo ông Thiên: "Trước đây, người ta ra chợ hàng ngày, ngày nào cũng mua. Thời Covid-19, do lo ngại về dịch bệnh, họ sẽ giảm việc tự đi chợ. Việc mua hàng sẽ bị giảm. Nhưng nhờ thương mại điện tử, việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện, người ta vẫn duy trì được việc mua hàng tương đối bình thường. Thương mại điện tử và nhiều dịch vụ số khác sẽ phát triển mạnh hơn khi Covid-19 xuất hiện. Cấu trúc thương mại và cơ cấu tiêu dung sẽ thay đổi mạnh. Đó là cơ hội lớn để thương mại điện tử nói riêng, các giao dịch điện tử nói riêng có bước nhảy vọt".

Tuy nhiên, dù nhận định về triển vọng lạc quan của kinh tế số, ông Trần Đình Thiên cũng đồng tình với nhận định của ông Trương Văn Phước về ý kiến không nên kỳ vọng quá nhiều vào kinh tế số trong việc thúc đẩy mạnh tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Ông Thiên nói: "Về mặt tương quan, trong đại dịch, kinh tế số chắc chắn sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, kinh tế số với thương mại điện tử và thanh toán điện tử hỗ trợ việc bán hàng, chỉ có thể giúp cho bán lẻ không giảm nữa chứ khó lòng thúc đẩy việc tăng trưởng mạnh. Bởi lẽ khi thu nhập giảm thì nhu cầu tiêu dùng (mua hàng hóa, dịch vụ) cũng khó tăng mạnh".

Về các biện pháp thúc đẩy kinh tế số, ông Thiên cũng chia sẻ với người đồng sự trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về việc cần phải xây dựng cơ chế vận hành phù hợp cho các nguồn lực về trí tuệ, công nghệ thông tin.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "Ta có luật sở hữu trí tuệ nhưng chưa tương thích. Luật bây giờ áp dụng cho kinh tế vật thể chứ không phải cho kinh tế số, cho nền kinh tế tri thức. Chưa có điều đó thì giống như kinh tế thị trường mà chưa có luật thị trường ấy, rất rủi ro. Chúng ta muốn phát triển kinh tế số thì điều cực kì quan trọng là phải có hệ thống cơ chế, thể chế tương thích. Đây là vấn đề thời đại chứ không phải là một luật, hai luật".

Theo ông Trần Đình Thiên, câu chuyện của kinh tế số hay một nền kinh tế phát triển dựa vào sáng tạo công nghệ sẽ đưa Việt Nam tới những cơ hội hoàn toàn mới. Thế nhưng, cơ hội đó sẽ đòi hỏi "sự thay đổi cấu trúc toàn diện, thể chế để khơi không nguồn lực trong nền kinh tế và cả người xử lý nguồn lực ấy" – ông Thiên nói.

H.A

Tin mới