• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế số: “Ngạo nghễ” với đại dịch Covid-19

Kinh tế 30/03/2020 15:27

(Tổ Quốc) - Kinh tế số thời đại dịch Covid-19 đã giúp cho hàng nghìn doanh nghiệp, hộ doanh nghiệp thoát cảnh đóng cửa và tạo thêm nhiều việc làm khác. Điều đó dường như thêm một cách nhìn mới cho việc phát triển kinh tế số…

Kinh tế số: “Ngạo nghễ” với  đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành học trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams, kể từ khi nghỉ học vì dịch Covid-19

Kinh tế số ở Việt Nam, theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cơ bản là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Và nó là một phần của nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. 

Thương mại điện tử nổi bật thời Covid-19

Như vậy kinh tế số sẽ bao gồm các lĩnh vực như công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI),  phương tiện truyền thông xã hội, thương mại điện tử và các ngành, nghề  truyền thống có sử dụng công nghệ số hỗ trợ; các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông; các dịch vụ và đào tạo liên quan cùng với các doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông….

Và người ta bỗng thấy trong thời gian dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra ở Việt Nam thì thương mại điện tử, học, họp trực tuyến (online), dịch vụ khám chữa bệnh từ xa… đã trở thành những hoạt động nổi bật nhiều tiện lợi. Ngoài ra còn những ứng dụng trên các Smart phone như khai báo y tế, thông tin đến người dân tình hình dịch bệnh…

Bằng chứng doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội đã tăng thêm 20%. Số lao động tìm việc giao hàng đi các nơi cũng tăng lên đáng kể, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp trên thị trường lao động.  Đến mức nhiều người còn cho rằng nếu không có sự tham gia của các sàn như Tiki, Lazada cùng các kênh phân phối online khác trên cả nước thì chắc chắn số doanh nghiệp ảnh hưởng do dịch Covid-19 còn khủng hơn.

Thương mại điện tử, học, họp trực tuyến (online), dịch vụ khám chữa bệnh từ xa… đã trở thành những hoạt động nổi bật nhiều tiện lợi trong thời gian dịch bệnh Covid -19

Hiện con số doanh nghiệp ảnh hưởng vì dịch do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đưa ra của 30 tỉnh thành là  553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ kinh doanh  phải dừng hoạt động. Riêng Hà Nội  có khoảng 3.000 hộ kinh doanh các mặt hàng phải  đóng cửa.

Về giáo dục, đào tạo khi học sinh, sinh viên không đến trường trong thời gian dài do dịch bệnh thì các hình thực đào tạo trực tuyến đã phát huy hiệu quả tại các nhà trường. Tạo ra một thói quen mới cho thầy, trò. Một số phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đào tạo tiếng Anh online, tập yoga, khí công, thể hình.. đã được giới thiệu miễn phí khiến cho các Trung tâm đào tạo, huấn luyện không những duy trì được hoạt động mà còn kéo thêm nhiều học viên tham gia…    

Đặc biệt trong việc ứng dụng phục vụ cho công tác kiểm soát dịch bệnh, phục vụ bệnh nhân lại đang cực kỳ hữu dụng.  Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI),  các robot đã được đưa vào thay thế những nhiệm vụ của điều dưỡng, y tá, hướng dẫn nhắc nhở  bệnh nhân… Việc ứng dụng AI có thể giúp con người vượt qua một số sai sót đến từ lỗi bất cẩn, quên sót trong khâu phục vụ thống kê của ngành Y tế, kiểm soát dịch bệnh… Vì thế, ông Phạm Minh Tuấn, CEO FPT Software cho rằng việc ứng dụng AI trong y tế mang lại nhiều lợi ích như năng suất phục vụ cao, có thể phục vụ người bệnh mọi lúc mọi nơi và thường có tỷ lệ sai sót thấp.

"Ngủ đông" hay chuyển đổi sang công nghệ mới?

 Để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh  sau khi hết dịch, một số chuyên gia kinh tế đã khuyên  các doanh nghiệp (DN) nên thực hiện giải pháp chuyển sang trạng thái "ngủ đông", nghĩa là chỉ duy trì dòng tiền tối thiểu, giữ nguyên bộ máy chủ chốt. Điều này chắc hẳn còn phụ thuộc vào "sức khỏe" và cách nhìn vào đại dịch của từng DN.

Ở một góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng dịch Covid-19 đem lại cơ hội cho kinh tế nền tảng số và nó sẽ khiến nền kinh tế nói chung thay đổi về cách thức phát triển.

Phát triển kinh tế số là câu chuyện tự thân nhưng để giúp các doanh nghiệp này đưa được các ứng dụng vào thực tế nhằm giải quyết các khó khăn trong từng thời điểm đang rất cần sự hỗ trợ về chính sách

Hơn nữa, đây còn là cú thúc để nhiều doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm theo hướng  "dịch chuyển từ sản xuất công nghiệp sang dịch vụ". Với tình hình chống dịch Covid -19 hiện nay sẽ rất thuận lợi cho các startup về  trí tuệ nhân tạo (AI), về công nghệ, thương mại điện tử biết thể hiện mình trong phát triển kinh tế, phòng chống dịch. 

Các doanh nghiệp này (đa số là  quy mô nhỏ, nhân sự trẻ) sẽ không tính đến phương án "ngủ đông"  bởi họ dễ thích nghi chuyển đổi sang công nghệ mới lại có hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt. Và như ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, Covid-19 có tác động tiêu cực nhưng cũng có mặt giúp Việt Nam nhìn ra vấn đề của mình, đó là ứng dụng công nghệ vào phát triển như thanh toán mua hàng, dạy học...

Tất nhiên, việc phát triển kinh tế số là câu chuyện tự thân. Nhưng để giúp các DN này đưa  các ứng dụng vào thực tế nhằm  giải quyết các khó khăn tại thời điểm này vẫn đang rất cần sự hỗ trợ về chính sách. Trước hết, là sự hỗ trợ  vốn vay bằng cách  cụ thể hóa chính sách từ Ngân hàng Nhà nước. Đó là những giải pháp: hạ lãi suất, nới tăng trưởng tín dụng thỏa mạn lợi ích từ DN vay tới ngân hàng cho vay.

Tiếp đó, là nghiên cứu để đưa ra một khuôn khổ pháp lý chuẩn thích nghi với kinh tế nền tảng số, kể cả khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh, các nhân tố sử dụng, vận hành trên các nền tảng số đó.  Bởi hệ thống luật pháp điều hành các hoạt động kinh tế truyền thống đã không phù hợp để quản lý các nền tảng kinh tế số. Và  ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN mong rằng, việc tổ chức lại bộ máy quản lý Nhà nước là nhằm đáp ứng với các nền tảng kinh tế mới, trong đó có nền tảng kinh tế số.

Lý Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ