• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế thế giới phục hồi và tăng trưởng

Thế giới 10/10/2017 08:20

(Tổ Quốc) - Tình hình kinh tế thế giới đã được cải thiện so với hồi đầu năm nay.  

Hiếm có lúc nào kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008-2009, tình hình các nền kinh tế thế giới chủ yếu lại đồng thời có dấu hiệu khả quan như hiện nay. Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai đầu tàu tăng trưởng.

Kinh tế Mỹ tiếp tục có thêm các tín hiệu sáng sủa. Kể từ đầu năm đến nay, kinh tế Mỹ tạo thêm bình quân 176.000 việc làm/tháng. Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp bình quân trong bốn tuần qua đã giảm 9.500 đơn xuống 268.250 đơn. Tính chung trong một năm qua, số người Mỹ trong diện đăng ký không có việc làm đã giảm 6,2% xuống 1,94 triệu người. 



Bộ Thương mại Mỹ cho hay lượng đơn đặt hàng từ các nhà máy của Mỹ trong tháng 8/2017 đã tăng 1,2%, chủ yếu nhờ nhu cầu mua tăng khá cao đối với máy móc công nghiệp, ô tô, nhôm và các kim loại khác. Đồng USD mạnh lên và đà phục hồi tích cực của nền kinh tế toàn cầu cũng góp phần hỗ trợ các nhà chế tạo Mỹ. 



Xuất khẩu gia tăng trong lúc nhập khẩu giảm sút đã đưa thâm hụt thương mại của Mỹ xuống còn 42,4 tỷ USD trong tháng 8, mức thấp nhất 11 tháng qua.

Kinh tế Trung Quốc hồi phục tốt hơn dự kiến, được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh và phục hồi nhanh giữa bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát các rủi ro về nợ. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò do hãng tin Reuters dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bước vào quý IV/2017 với nhiều động lực. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể ở mức 6,7%.

Kinh tế Trung Quốc ang bước vào quý IV/2017 với nhiều động lực.

Trung Quốc bước năm Đại hội ĐCS 19, Bắc Kinh đã thực hiện chương trình kích thích kinh tế mạnh mẽ, với nhiều khoản chi dành cho hạ tầng, tiếp lực cho giai đoạn bùng nổ xây dựng trong nhiều năm qua. Các ngân hàng Trung Quốc đã cấp thêm 1.100 tỷ nhân dân tệ (165,33 tỷ USD) khoản cho vay mới trong tháng 9/2017, tăng so với 1.090 tỷ NDT tháng 8/2017.

Sản lượng công nghiệp dự đoán tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2016. Đầu tư vào tài sản cố định được cho là đã tăng 7,7% trong ba quý của năm so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc có thể lên tới 10,2%. 



Với Nhật Bản, tiền lương tăng tạo kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng thêm khởi sắc. Tiền lương người lao động tăng cả về danh nghĩa và điều chỉnh theo lạm phát sẽ giúp giảm bớt lo ngại về tính bền vững của việc cải thiện chi tiêu tiêu dùng.

Kinh tế Đức đang trên đà phát triển tích cực. Chính phủ Đức đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và 2018 nhờ những số liệu tích cực của kinh tế Đức cũng như kinh tế thế giới: từ 1,5% lên 1,9% trong năm 2017; năm 2018, các chuyên gia kỳ vọng kinh tế Đức sẽ đạt tăng trưởng 2%.

Kinh tế Pháp có nhiều dấu hiệu khả quan khi chi tiêu tiêu dùng tăng 1,1%. Nhu cầu toàn cầu gia tăng cũng giúp xuất khẩu của Pháp ước tăng 3,3%. Viện Nghiên cứu kinh tế và thống kê quốc gia Pháp (Insee) dự báo kinh tế nước này có thể tăng trưởng 1,8% trong năm 2017, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 6 vừa qua. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của Pháp kể từ năm 2012. 



Ngành công nghiệp Pháp thậm chí đã trở lại thời kỳ vàng trước khủng hoảng kinh tế, trong khi lợi nhuận tăng cao nhờ sự khôi phục của kinh tế toàn cầu cũng như của nhu cầu trong nước. 

Kinh tế Nga thực tế đã thích ứng với tình hình mới bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh tay của phương Tây và giá dầu thế giới đi xuống, bắt đầu phục hồi. 

Số liệu chính thức cho thấy năm 2016, GDP của Nga giảm 0,2%, thấp hơn mức suy giảm 2,8% của năm 2015. Lạm phát của Nga đã ghi nhận mức thấp kỷ lục với 5,4% trong năm 2016, sau khi tăng lên mức 12,9% của năm 2015. Hiện Nga đặt mục tiêu tăng trưởng từ 1,5-2% và lạm phát mục tiêu là 4% trong năm 2017.

Xét trên bình diện toàn cầu, bên cạnh nhu cầu tiêu dùng nội địa nở rộ, việc các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh hơn, cùng với giá hàng hóa và thương mại toàn cầu phục hồi nhẹ là những yếu tố khách quan thuận lợi cho các nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 những năm gần đây cũng tỏ ra tác động tích cực vào sự khởi sắc của kinh tế thế giới.

Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mới đây đặt ra vấn đề liệu thế giới có thể nắm bắt cơ hội này để phục hồi và xây dựng một nền kinh tế bao trùm hơn đem lại lợi ích cho tất cả. Không những kêu gọi các nước ban hành các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng, Giám đốc Christine Lagarde cũng cho rằng các quốc gia cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào công tác nghiên cứu và phát triển nhằm tăng năng suất lao động và thúc đẩy nhu cầu, từ đó làm giảm tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ