• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ 1: 30 năm bị bán sang Trung Quốc, người phụ nữ Nam Định phải ở với trâu, uống nước suối, ăn rau rừng để sống sót

Thời sự 29/05/2019 13:09

(Tổ Quốc) - Hai tháng qua, người dân tại xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngạc nhiên sửng sốt vì người phụ nữ mang tên Cao Thị Dậu (sinh năm 1962) đã trở về làng sau nhiều năm mất tích trong bộ dạng của một người đàn bà nhỏ bé, nhăn nheo, mắt đục mờ và răng thì bị gãy gần hết.

Bằng thứ tiếng Việt không còn chuẩn và nhiều từ chưa rõ nghĩa, bà Cao Thị Dậu vừa quệt nước mắt vừa kể với phóng viên về câu chuyện 30 năm sống không khác gì làm nô lệ, chăn trâu cho 3 người đàn ông Trung Quốc.

Vào khoảng tháng 9/1989, một hôm bà Dậu (khi đó 28 tuổi) ra ngõ đứng thì gặp ông Cao Văn H. (là chị em con chú con bác- ở xóm A, xã Xuân Tân). Ông H. nói, nếu đồng ý sang Trung Quốc ắt sẽ có cuộc sống sung sướng.

Sau đó, ông H. có đưa cho bà Dậu một chiếc kẹo ngậm và cứ thế đi bộ theo người đàn ông này tới tận bến xe Giao Thủy, tất nhiên, bà Dậu không mang theo thứ giấy tờ tùy thân gì. Trên xe còn có ông H., bà Tho, bà Thi (hai người chị gái của ông Hồng). Khi tỉnh dậy, bà Dậu đã thấy mình ở Trung Quốc nhưng hai người em của ông H. đi hướng khác, còn bà Dậu được ông H. dẫn tới một hướng có 3 người đàn ông Trung Quốc đang chờ sẵn.

Kỳ 1: 30 năm bị bán sang Trung Quốc, người phụ nữ Nam Định phải ở với trâu, uống nước suối, ăn rau rừng để sống sót - Ảnh 1.

Bà Cao Thị Dậu (phía trái ảnh) trở về Việt Nam sau 30 năm mất tích. Ảnh: Gia đình cung cấp

"Tôi thấy 3 người đàn ông đó đưa cho ông H. một tập tiền, rồi ông H. đi về. Tôi có hỏi ông ấy: không cho tiền chị à thì bị ông này tát và bỏ về mà không cho tôi đi theo" – bà Dậu kể lại.

Từ lúc ấy, số phận của bà Dậu đã rơi vào tay 3 người đàn ông kia. Chúng đưa bà vào rừng sâu sau 2 ngày đường và giao phải chăm sóc cho một đàn trâu với khoảng 50 con.

Không giường chiếu, không chỗ ở, bà Dậu kể lại mình sống với cả bầy trâu, thi thoảng 3 người đàn ông mang cơm vào cho bà Dậu, còn lại bà lần tìm quả sung, quả vả, uống nước suối cạnh chuồng trâu… sống qua ngày.

Chỉ cần một con trâu nào bị đói, chúng lao vào đánh bà Dậu khắp người bằng roi to. Thậm chí hàm răng của bà Dậu giờ chỉ còn phần chân lởm chởm do chúng căng mồm, lấy kìm bấm gần hết hàm răng, máu chảy ròng ròng.

"Tôi bị đánh nhiều, rất thậm tệ, cứ trâu đói là bị đánh. Nếu làm mất trâu là sẽ bị chôn sống tới ngang ngực trong một ngày và sau đó mới được lôi lên. Trời rét không có quần áo dày, lấy bao tải cuốn. Tôi ở luôn trong khu chuồng trâu, dùng cây rừng buộc thành các ô ngăn trâu sang chỗ ngủ"- bà Dậu kể lại trong nước mắt.

Nhóm người này duy trì đàn trâu ở mức 50 con, chỉ cần bà Dậu nuôi tới thời điểm nào đó chúng sẽ vào lấy trâu to bán đi và đưa trâu nhỏ về.

Cũng trong suốt 30 năm qua, bà Dậu không gặp bất kể một người nào, trừ 3 người đàn ông Trung Quốc nói với nhau bằng thứ tiếng mà bà không biết.

Để duy trì vốn tiếng Việt, chờ cơ hội tìm ngày về Việt Nam, hàng ngày bà Dậu nói chuyện với những con trâu để vừa không quên tiếng Việt và đỡ buồn tủi.

"Những ngày tháng đó, lúc nào tôi cũng nghĩ về bố mẹ, gia đình, anh em, muốn về mà không về được. Một mình lủi thủi trong rừng cũng không biết đấy là khu vực nào, không biết tên chúng là ai, chúng nói những gì"- bà Dậu nói.

Đã có 2 lần, bà Dậu định trốn thoát khỏi nơi địa ngục trần gian này nhưng không thành và thậm chí bị chúng hành hạ tàn nhẫn nhưng bà chưa một lần nghĩ tới chuyện tự tử. "Tôi chỉ mong một ngày nào đó được về nhà gặp mẹ, gặp anh em"- bà Dậu nhớ lại.

Cách đây 2 tháng, có lẽ do bà đã già yếu, không thể tận dụng được nữa, nhóm người Trung Quốc kia đã tiêm thuốc mê và khi tỉnh dậy, bà Dậu đã thấy mình nằm phía bên kia biên giới. May mắn, bà được một người dân Quảng Ninh đưa về chăm tới khi tỉnh, hỏi rõ ngọn ngành và đưa ra bến xe về Xuân Trường, Nam Định. Sau đó gia đình đã tới Công an Huyện Xuân Trường để làm các thủ tục đón bà Dậu về trong niềm hân hoan và ngạc nhiên tột độ. Nhiều ngày qua, gia đình đã đưa bà Dậu đi nhiều bệnh viện để khám và điều trị đủ loại bệnh, cùng nhau dạy cho bà cách sinh hoạt hàng ngày từ vệ sinh tới ăn uống, dạy tiếng Việt để bà có thể nói sõi hơn… Điều đau khổ không kém trong quãng đời sống như nô lệ 30 năm qua với bà Dậu đó là khi trở về quê hương, bà chỉ còn được gặp lại người mẹ năm nay đã gần 100 tuổi, còn người cha đã chẳng thể chờ đợi người con gái mất tích năm nào trở về…

Kỳ 2: Công an huyện Xuân Trường đang thụ lý vụ việc đưa bà Cao Thị Dậu sang Trung Quốc

Thái Linh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ