• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ 2: Ước mong về một địa điểm nấu cơm chay, khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở Hà Nội

Văn hoá 09/06/2019 07:26

(Tổ Quốc) - Không chỉ duy trì những chuyến xe cấp cứu miễn phí, cô Phan Thị Bính còn tiếp tục làm nhiều việc thiện nguyện khác. Hiện giờ cô vẫn mong muốn có một địa điểm nấu cơm chay, khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở ngay Thủ đô.

Ấm áp những chuyến xe từ thiện đến với bệnh nhân nghèo

Vượt qua những ngày đầu chuyến xe cấp cứu từ thiện đi vào hoạt động với không ít khó khăn. Giờ đây cô Bính và nhóm thiện nguyện của mình cảm thấy nhẹ nhõm vì việc làm của mình đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng nên những khó khăn đã dần được khắc phục. Giờ đây, có khoảng 10 người sẵn sàng thay nhau tình nguyện làm tài xế và hoàn toàn miễn phí. Chi phí xăng để duy trì cho chuyến xe vận hành cũng được các mạnh thường quân tài trợ. Bởi vậy giờ đây khi nói về hoạt động của chiếc xe cấp cứu này không còn là trở ngại của cô Bính và nhóm thiện nguyện. Thậm chí các bệnh viện còn cung cấp bệnh nhân nghèo cần sự giúp đỡ từ chuyến xe miễn phí. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nghèo cũng tự tìm đến chuyến xe miễn phí để mong nhận được sự giúp đỡ.

Kỳ 2: Ước mong về một địa điểm nấu cơm chay, khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở Hà Nội - Ảnh 1.

Công việc rửa xe để những chuyến chở bệnh nhân miễn phí tiếp tục lên đường

Từ tháng 12 năm 2018 xe cấp cứu miễn phí của nhóm thiện nguyện đã đi vào hoạt động. Đến nay chuyến xe này đã lăn bánh trên nhiều miền quê nghèo, miền núi xa xôi và nhận được nhiều thiện cảm của bệnh nhân. Cô Bính bảo, có đi và gặp gỡ với những hoàn cảnh mới thấy cuộc sống còn nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn và cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Và đó cũng là một trong những lý do khiến cô và nhóm thiện nguyện thấy mình không mệt mỏi và tự nhủ cần phải làm nhiều việc có ích hơn nữa.

Cô Bính kể, có bệnh nhân vừa bị liệt hai chân và bị ung thư, cơ hội sống mong manh, muốn được từ bệnh viện về thẳng quê với mẹ ở bản dân tộc Tày, Yên Bái. Tuy nhiên, vì lường trước về quê ở Yên Bái đường đi lại khó khăn nên gia đình bệnh nhân chỉ xin chuyến xe về cây số thứ 4 ở Yên Bái. Sau đó gia đình sẽ thuê tiếp xe taxi để chuyển tiếp vì không muốn phiền lái xe cấp cứu. Người nhà bệnh nhân cho rằng, xe cấp cứu có kích thước lớn hơn xe taxi nên khi đi vào đường hẹp, không bằng phẳng sẽ di chuyển khó hơn. Thế nhưng bệnh nhân không những đang bị ung thư mà chân còn bị liệt, di chuyển, đi lại vô cùng khó khăn. Chưa kể, nếu phải chuyển sang xe taxi không có cáng thương thì bệnh nhân liệt chân sẽ ngồi thế nào?. Nhóm thiện nguyện đã quyết định sẽ chở bệnh nhân về tận nhà, chuyến xe sẽ không phải dừng để người nhà bệnh nhân bắt xe khác. Khi xe chở bệnh nhân về đến tận nhà, rất nhiều anh em họ hàng của bệnh nhân cảm động, còn các lái xe chứng kiến cảnh gặp gỡ của hai mẹ con cũng quên hết mệt mỏi. Như vậy ít nhất nhóm cũng đã có chuyến xe đưa bệnh nhân về quê hương như ước nguyện được trở về với mẹ của người con trọng bệnh.

Kỳ 2: Ước mong về một địa điểm nấu cơm chay, khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở Hà Nội - Ảnh 2.

Một chuyến xe chở bệnh nhân nghèo miễn phí của nhóm thiện nguyện

Còn có chuyến xe khác khiến cô Bính và cùng những người đi cùng khó quên. Đó là vào 28 tết cô Bính cùng chú Chuyên (lái xe) đưa một bệnh nhân ở bệnh viện 108 bị K xương về Thọ Xuân Thanh hóa. Bệnh viện cho về ăn tết xong ra tết đến viện cưa chân. Hôm đó là ngày nghỉ Tết nên đường rất đông. Cô Bính và chú Chuyên đi từ 8h tới 15h30 mới đến được gia đình bệnh nhân. Nhưng về đến nhà bệnh nhân rồi thì lại tiếp tục chứng kiến những hoàn cảnh vô cùng đáng thương khác đang cùng nhau sống chung một mái nhà chống chọi với nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Nếu không đến tận nhà, không chứng kiến tận mắt những hoàn cảnh thương tâm thế thì khó có thể tin trên đời lại có nhiều số phận éo le, đáng thương đến vậy. Bệnh nhân ra tết phải cưa chân có 19 tuổi. Còn bố bị liệt 2chân, lại đang bị K gan. Mẹ lại bị thần không bình thường. Chỉ có chú của bệnh nhân đứng lên nói lời cảm ơn với cô Bính và lái xe. 21h30 chuyến xe mới quay về được về đến Hà Nội mà mắt ai cũng ướt nhòe. Nhưng hình ảnh những người trong một gia đình cứ mãi hiện lên, trở đi trở lại trong đầu cô Bính và chú lái xe suốt chặng đường rời nhà bệnh nhân cho đến mấy ngày Tết sau đó.

Kỳ 2: Ước mong về một địa điểm nấu cơm chay, khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở Hà Nội - Ảnh 3.

Ngôi nhà của một bệnh nhân nghèo ở Cao Bằng

Cô Bính cho biết, vì thấy chuyến xe cấp cứu miễn phí của nhóm thiện nguyện hoạt động khá hiệu quả nên một đại gia ở An Giang có nhã ý cho cô Bính mượn 1 xe huyndai cứu thương nhập khẩu nguyên chiếc, cùng 2 người lái xe ra theo cùng nhằm nhân rộng, ủng hộ công việc thiện nguyện và ý nghĩa này. Vị đại gia còn nói, trước mắt sẽ cho mượn, nếu cô và nhóm thiện nguyện làm tốt thì sẽ tặng luôn chiếc xe này để sử dụng lâu dài. Cùng với đó, một người Việt ở Thái Lan cũng ngỏ ý cho cô và nhóm thiện nguyện xe cấp cứu. Nhưng trước mắt cô chưa dám nhận vì quả thật bây giờ tìm được một người không vướng bận việc gia đình, bản thân để có thời gian làm công việc từ thiện không dễ dàng. Cô bảo, hiện giờ cô và nhóm thiện nguyện nếu nhận thêm xe thì khó làm được tốt vì thời gian gần như đã kín hết, khi nào tìm được người cô sẽ tính tiếp việc có nhận thêm xe cấp cứu miễn phí hay không.

Nối dài những tấm lòng thiện nguyện

Cô Bính chia sẻ, không phải đến giờ cô mới làm từ thiện mà trong suốt 20 năm qua đã bắt tay làm các việc: Xây cầu bê tông cốt thép, làm đường, xây trường học ở vùng sâu vùng xa, thiên tai lũ lụt, phát cơm cháo ở các bệnh viện, đến thăm hỏi người bị chất độc da cam, trại tâm thần, trại mồ côi vv..vv. Giờ đây, ngoài việc duy trì chuyến xe cứu thương miễn phí dành cho người nghèo, cô Bính cùng nhóm thiện nguyện vẫn nấu cơm hoặc nấu cháo miễn phí phát cho bệnh nhân ở một số bệnh viện. Việc nấu cháo miễn phí này còn được hai con của cô ủng hộ thường xuyên cũng như nhóm thiện nguyện luôn chung tay thực hiện cùng.

Chưa dừng lại ở đó, cô Bính còn cho biết, cô cũng đã xin được tài trợ 300 triệu để tiến hành 300 ca mổ mắt thay thủy tinh thể cho bệnh nhân nghèo.

Kỳ 2: Ước mong về một địa điểm nấu cơm chay, khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở Hà Nội - Ảnh 4.

Cô Bính (thứ 2 từ trái qua) phát cháo tại bệnh viện

Tuy nhiên, còn một việc nữa cô vẫn đau đáu muốn thực hiện và cho rằng nó có tính lâu dài nhưng đang gặp một vài khó khăn. Đó là phòng khám Hương Sen trong An Giang đã mổ mắt cho 23.000 bệnh nhân có mong muốn ra Hà Nội khám chữa bệnh, cũng như phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tuy nhiên hiện giờ cô và nhóm thiện nguyện chưa thể tìm được địa điểm. Cô mong muốn được mượn địa điểm để vừa nấu cơm chay, cháo chay "tùy hỉ" (người đến ăn có thể trả tiền tùy tâm hoặc không trả cũng được), vừa là nơi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Hiện giờ thầy thuốc, thuốc, nhóm thiện nguyện nấu cơm cháo, nhóm sinh viên tình nguyện… đã có, thậm chí bản thân cô sẵn sàng góp một số tiền, nhưng hiện giờ vẫn chưa tìm được địa điểm. Cô Bính nói sẽ quyết tâm tìm, nếu không có địa chỉ cho mượn thì sẽ cân nhắc tính đến phương án đi thuê.

Kỳ 2: Ước mong về một địa điểm nấu cơm chay, khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở Hà Nội - Ảnh 5.

Nhóm thiện nguyện phát cơm miễn phí ở bệnh viện

Được biết, vì ghi nhận những việc làm từ thiện của cô mà cô Phan Thị Bính đã được tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt" năm 2019 của UBND TP Hà Nội. Hỏi cô danh hiệu này có ý nghĩa với cô thế nào, cô chỉ cười và bảo cô làm vì cái tâm, không vì bất cứ danh hiệu nào. Có hay không có danh hiệu thì cô vẫn làm như 20 năm nay và cả sau này, đến khi nào cô thể làm gì được nữa thì mới thôi.

"Làm được nhiều việc tốt thì xã hội tốt lên" – một câu ngắn gọn, giản dị cùng nụ cười tưởng như bình thường ấy được cô nói trong cuối buổi trò chuyện lại khiến nhiều người cảm phục, xúc động và ấm lòng. Trong dòng người vội vã hối hả bọn chen lo cơm áo gạo tiền tưởng chừng không còn thời gian để nghĩ đến cuộc sống ngoài ta hay những số phận không liên quan đến ta. Nhưng không, vẫn còn đó những tấm lòng, những khát khao mà con người dành cho nhau điều tốt đẹp, dù không cùng máu mủ mà chỉ đơn giản họ được gắn kết, đến với nhau, giúp đỡ nhau bởi hai chữ: Tình người!.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ