• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018): Nhà sàn Bác Hồ - Nơi ghi dấu những kỷ niệm

16/05/2018 07:00

(Cinet) - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác kính yêu với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.

(Cinet) - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác kính yêu với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.

Nhớ đến Bác là nhớ về một vị anh hùng dân tộc rất đỗi giản dị, thân thương. Sinh thời, Người từng sống và làm việc ở nhiều nơi trong nước và trên thế giới. Hiện nay, trên cả nước có gần 700 di tích và điểm di tích ở 35 tỉnh, thành phố liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch. Trong hệ thống di sản văn hóa đó, những mái Nhà sàn gắn bó với Người từ chiến khu Việt Bắc tới khi trở về thủ đô Hà Nội đã trở thành hình tượng vô cùng gần gũi, thân quen đối với nhân dân ta. Trong quần thể Khu di tích Phủ chủ tịch – nơi chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc 15 năm cuối đời (1954 – 1969, Nhà sàn cùng vườn cây, ao cá là nơi Người đã gắn bó lâu nhất và đây cũng là di tích trung tâm trên cả phương diện vị trí, ý nghĩa, lẫn sự cuốn hút và lan tỏa. 

Nhà sàn Bác Hồ với vườn cây, ao cá và hàng rào râm bụt. Ảnh: Minh Khánh

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trở về thủ đô. Mặc dù ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Người không muốn có mức sống cách biệt so với mức sống của đa số nhân dân, vì vậy Người đã từ chối ở trong dinh thự của Toàn quyền Đông Dương cũ và chọn căn nhà nhỏ của người thợ điện để ở (nay là di tích 54). Để đảm bảo cho sức khỏe của Chủ tịch và thuận tiện cho những nghi lễ ngoại giao, các đồng chí trong Trung ương đã đề nghị được xây dựng cho người một ngôi nhà khác. Có lẽ, trong ký ức của vị Chủ tịch nước, kỷ niệm trong những năm kháng chiến gian khổ ở ATK Việt Bắc với nếp nhà sàn của đồng bào các dân tộc vẫn luôn hiện hữu. 

Nhà được khởi công xây dựng vào đầu tháng 4/1958 và hoàn thành vào đúng dịp sinh nhật thứ 68 của Người. Nhà làm bằng gỗ thường, mái lợp ngói, nhìn ra hồ nước theo hướng đông nam. Tầng dưới nhà không thưng vách mà chỉ treo mành che cho thoáng mát. Bệ xây xung quanh làm ghế ngồi cho các cháu thiếu nhi, đặt cạnh đó là bệ cá vàng nhỏ, ở giữa phòng kê một bộ bàn ghế lớn dùng làm nơi họp Bộ Chính trị, làm việc với các cán bộ đầu ngành, tiếp bạn bè, đồng chí. Tầng trên có hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng 10m2 với những tiện nghi sinh hoạt hết sức giản đơn: một giường, một bàn, ghế, giá sách, máy chữ, quạt lá cọ… Nổi bật là hàng trăm cuốn sách gồm các chủ đề từ chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật được viết bằng nhiều thứ tiếng.

Bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Khánh

Quanh nhà sàn trồng rất nhiều loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây bóng mát như nhài, ngâu, mẫu đơn, dừa, vú sữa đan xen với các cây bóng mát như thường xanh, bụt mọc, ngân hoa, xoài… Nổi bật là hình ảnh đường xoài đã đi vào thi ca “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa”. Hàng rào râm bụt phía trước và sau nhà sàn, quanh ao cá gợi nhớ đến cảnh làng quê Việt Nam và nơi Người đã sống những ngày thơ ấu.

Không gian trước nhà sàn được mở ra với một hồ nước mát rộng hơn 3.300 m2, đó chính là ao cá Bác Hồ với đủ loại: Chép, trắm, trôi, mè, rô phi… Sinh thời, sau giờ làm việc hàng ngày Bác Hồ thường chăm sóc cây trong vườn, cá dưới ao. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Nhà sàn ngày 12/9/1960. Ảnh Tư liệu/ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Ở giữa thủ đô hoa lệ, đứng trước ngôi nhà sàn Bác Hồ, ta chợt thấy mình thật nhỏ bé trước sự giản dị, tinh tế, cũng như tình thương bao la, tấm lòng của Người dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, khác biệt với các công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế như Phủ chủ tịch và các ngôi nhà xây dựng bằng những nguyên liệu bền vững như sắt, thép, xi măng… trong khu vực, ngôi nhà sàn của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch trở nên hết sức gần gũi và quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.

Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét “Nhà sàn vỏn vẹn có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại  thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Ông Joel Pick- Khách du lịch người Mỹ  khi tới tham quan Di tích Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch chia sẻ “Đây là một nơi có phong cảnh kiến trúc rất đẹp. Tôi thật sự ấn tượng khi được nhìn thấy lối sống của một vị Chủ tịch. Người thật giản dị. Ngôi nhà của Người chỉ có một căn phòng nhỏ với  nội thất đơn xơ, một chiếc bàn cùng những quyển sách…”

Thời gian 11 năm sống và làm việc tại Nhà sàn từ (5/1958 đến tháng 9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trung ương Đảng, Chính phủ vạch ra những chiến lược, sách lược, hoạch định đường lối và chỉ đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Nhà sàn đã đi vào lịch sử với lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, để rồi mỗi độ xuân về, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại được nghe lời Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Cũng tại ngôi nhà sàn này, Bác Hồ đã viết lời kêu gọi đồng bào quyết tâm đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và Bản Di chúc lịch sử, để lại cho đời sau những lời căn dặn tâm huyết của mình. 

Ngôi nhà sàn là nơi ghi dấu những thời khắc quan trọng trong 11 năm cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những giá trị lịch sử của ngôi nhà sàn vẫn còn mãi với thời gian. Bởi những gì đã “chứng kiến”, những gì hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại di tích Nhà sàn, có thể khẳng định ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là di sản về cuộc sống sinh hoạt của Người trong những năm cuối đời mà còn là biểu trưng cho giá trị tư tưởng, đạo đức, và phong cách sống giản dị mà thanh cao cùng những phẩm chất cách mạng của một con người vĩ đại./.

Gia Linh

 

 

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ