Kỳ thị, xúc phạm người mắc Covid-19 có thể đối diện án hình sự và bồi thường thiệt hại

(Tổ Quốc) - Theo luật sư Cường, người nào có hành vi tung tin thất thiệt về người mắc Covid-19 hoặc trở về từ vùng dịch khiến họ bị ảnh hưởng uy tín, danh dự có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, vẫn còn một bộ phận người dân tỏ ra kỳ thị với những người nghi ngờ, người nhiễm virus Sars-CoV-2, thậm chí cả người ở vùng bị cách ly với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau. 

Điển hình như hành vi đưa hình ảnh của bệnh nhân mắc Covid-19 cũng như việc tấn công, quy kết họ trên mạng xã hội cũng là một biểu hiện của sự xa lánh, kỳ thị đối với người bị mắc, nghi nhiễm Covid-19.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: "Trong thời gian vừa qua, để kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh Covid-19, cơ quan chức năng đã buộc công khai danh tính của bệnh nhân nhiễm bệnh, người bị cách ly để những người từng tiếp xúc với họ được biết và kịp thời khai báo chính xác nhằm đảm bảo an toàn cho cá nhân và những người xung quanh. 

Thế nhưng, lợi dụng tình trạng đó, nhiều người đã lan truyền, chia sẻ hình ảnh, nhân thân của một số người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 khiến cho họ trở thành đề tài công kích của nhiều thành viên không tích cực trên mạng xã hội, thậm chí có những thông tin vu khống, xúc phạm danh dự của những người này và cả người thân của họ. Tôi cho rằng hành vi đưa thông tin sai lệch có mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự uy tín của người khác là hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định".

Kỳ thị, xúc phạm người mắc Covid-19 có thể đối diện án hình sự và bồi thường thiệt hại - Ảnh 1.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội

Luật sư Cường phân tích, cụ thể, dưới góc độ pháp lý, Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 

Đồng thời, Điều 9 Luật khám chữa bệnh 2009 quy định về quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội. 

Do đó, bất kỳ hành vi nào nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bệnh cũng như những người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Kỳ thị, xúc phạm người mắc Covid-19 có thể đối diện án hình sự và bồi thường thiệt hại - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Trong trường hợp người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự. 

Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc cao nhất là 05 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật hình sự.

"Còn trong trường hợp người nào có các hành vi như bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự. Tùy từng tính chất, mức độ của hành vi thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm hoặc cao nhất đến 07 năm tù. 

Ngoài ra, trong các trường hợp trên, người bị hại có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm, bao gồm các bồi thường về tổn thất về tinh thần, các thiệt hại khác nếu có theo quy định của Bộ luật dân sự", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.


Tin mới