• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ tích lịch sử của Bộ đội tên lửa Việt Nam: Một quả đạn hạ 2 máy bay và chiến công diệt 2 tướng địch

An ninh trật tự 22/10/2020 11:48

(Tổ Quốc) - Địch cho 5 máy bay đến đổ quân xuống xã Nhị Bình. Bùi Anh Tuấn đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ phóng 1 quả đạn, hạ tại chỗ 2 chiếc trực thăng, diệt 30 tên, bắt sống 4 tên.

Tháng 8/1971, như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Bùi Anh Tuấn - chàng thanh niên quê xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Phú Thọ đã hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Vào Quân chủng PK-KQ, anh được tham gia một khóa huấn luyện cấp tốc sử dụng lọại vũ khí mới do Liên Xô vừa viện trợ. Đó là tên lửa phòng không vác vai A72 của Bộ đội tên lửa Việt Nam.

Sau khi kết thúc khóa huấn luyện, đầu tháng 2/1972, Bùi Anh Tuấn và các đồng đội được biên chế thành 2 Đại đội để thành lập Tiểu đoàn 172 rồi được lệnh hành quân bộ vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường B2 (Miền Đông Nam bộ).

Liên tiếp lập công

Sau gần 3 tháng lặn lội vượt núi băng rừng, ngày 30/4/1972, đơn vị vào tới Xê Nun (Campuchia). Tập kết ở đó vài ngày để ổn định đội hình thì được lệnh phân đi các hướng, trong đó có hướng quan trọng là tham gia chiến dịch Quang Trung đánh địch ở thị xã Bình Long - Lộc Ninh và đường 13.

Một hướng khác được biên chế thành 2 Trung đội trực thuộc các Trung đoàn của Sư đoàn 5 bộ binh về đồng bằng sông Cửu Long. Bùi Anh Tuấn được giao nhiệm vụ đi theo hướng này dưới quyền chỉ huy của Trung đội trưởng Ngô Mậu Chiến.

Kỳ tích lịch sử của Bộ đội tên lửa Việt Nam: Một quả đạn hạ 2 máy bay và chiến công diệt 2 tướng địch - Ảnh 1.

Theo ký ức của CCB Ngô Mậu Chiến, sau này là Đại tá - Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377, thì ở mặt trận đồng bằng sông Cửu Long ngày ấy, bộ đội ta chiến đấu vô cùng khó khăn và ác liệt.

Các loại máy bay Mỹ ngụy thả sức làm mưa làm gió: F5 và A37 bổ nhào ném bom, trực thăng từng đàn 8 - 10 chiếc bay rất thấp, súng AK có thể bắn được nhưng A72 và 12 ly 7 không được bắn sợ lộ đội hình ém quân.

Nhưng chẳng lẽ bó tay? Được cấp trên đồng ý, ông Chiến tổ chức cho anh em tên lửa vác vai A72 đi đánh phục kích máy bay địch.

Bước đầu, Trung đội tổ chức 2 tổ, mỗi tổ 3 người mang 1 cơ cấu phóng, 2 quả đạn A72 và 2 súng AK do du kích địa phương dẫn đường chọn vị trí tốt phục kích đón lõng máy bay địch nhưng phải hết sức giữ bí mật vì nếu lộ ra thì bị máy bay trực thăng của chúng sẽ đổ chụp bắt sống.

Kết quả là trong ngày thứ hai đi phục kích, bắt đầu có máy bay OV10 trinh sát vào khu vực của tổ Bùi Anh Tuấn đón lõng. Thời tiết lúc này khá đẹp, trời trong xanh.

Chớp đúng thời cơ, Bùi Anh Tuấn phóng quả tên lửa A72 lên đã bám sát mục tiêu và trúng chiếc OV10 khiến nó bùng cháy rơi tại chỗ.

Lần đầu tiên chứng kiến cảnh máy bay Mỹ bị tên lửa A72 của ta bắn tan xác trên bầu trời, ngay tại khu vực mà chúng làm mưa làm gió bao lâu nay thì quân và dân ta vô cùng hả hê, sung sướng! Ngay lập tức, các xạ thủ tên lửa A72 được cấp trên gửi điện khen.

Kỳ tích lịch sử của Bộ đội tên lửa Việt Nam: Một quả đạn hạ 2 máy bay và chiến công diệt 2 tướng địch - Ảnh 2.

Phòng không Việt Nam trong đó có bộ đội tên lửa đã nhiều lần khiến Không quân Mỹ toát mồ hôi hột. Ảnh minh họa.

Tiếp đó, ngày 9/9/1972, địch cho 5 máy bay lên thẳng đến đổ quân xuống xã Nhị Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho cũ).

Bùi Anh Tuấn đã mưu trí, táo bạo bố trí trận địa ngay giữa cánh đồng trống, bất ngờ phóng 1 quả đạn, hạ tại chỗ 2 chiếc trực thăng, diệt 30 tên địch trên máy bay, bắt sống 4 tên. Đây là kỳ tích trong lịch sử chiến đấu của Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam.

Chiến công bắn rơi chiếc CH-47 chở 2 viên tướng địch

Vẫn theo ký ức của Đại tá Ngô Mậu Chiến, ngày 30/10/1972, Trung đội A72 của ông nhận được nhiệm vụ triển khai tác chiến sẵn sàng đánh địch khi chúng có hành động bất thường bởi theo thông báo của trên, Hiệp định Paris về Việt Nam có thể sẽ được ký tắt vào buổi tối ngày hôm đó.

Nhận nhiệm vụ, ông Chiến tổ chức 3 tổ chiến đấu đi phục kích, trong đó ông Chiến trực tiếp phụ trách 1 tổ gồm xạ thủ Bùi Anh Tuấn và chiến sỹ y tá kiêm liên lạc của Trung đội. Gần hết ngày mà chưa có máy bay nào bay qua.

Hôm ấy trời mưa nhưng khi tổ phục kích chuẩn bị rút quân về thì trời hết mưa. Vài phút sau bỗng xuất hiện 1 chiếc máy bay trực thăng CH-47 bay từ Mỹ Tho về hướng Cần Thơ. Ông Chiến lệnh cho Bùi Anh Tuấn chuẩn bị chiến đấu.

Kỳ tích lịch sử của Bộ đội tên lửa Việt Nam: Một quả đạn hạ 2 máy bay và chiến công diệt 2 tướng địch - Ảnh 3.

Trực thăng vận tải quân sự CH-47 của Mỹ. Ảnh minh họa.

Khi chiếc CH-47 bay qua, độ cao khoảng 1.000m, Tuấn bắt được mục tiêu khoảng 5 giây thì máy bay chui qua một đám mây trắng. Rê ống phóng đến chỗ trời xanh chờ máy bay qua đám mây, Tuấn nâng ống phóng ngắm tiếp 2 giây nữa thì còi kêu, đèn sáng.

Ngay lập tức Tuấn bình tĩnh bóp cò. 1 tiếng "kít", quả đạn phóng lên lao tới mục tiêu làm máy bay nổ tung. Cánh quạt sau văng ra còn thân và cánh quạt trước rơi xuống cánh đồng Sáu Não thuộc huyện Cai Lậy Nam.

Nhân dân gần đó biết tên lửa A72 của ta vừa bắn rơi máy bay địch đã đến chúc mừng nhưng ông Chiến cho anh em thu xếp khí tài, rút quân nhanh để đề phòng bọn địch phản kích.

Y như rằng, khi tổ phục kích vừa rút đi chừng 5 phút thì 5 chiếc máy bay từ căn cứ Bình Đức bay tới phóng rocket xung quanh khu vực máy bay rơi. Khoảng 30 phút sau thì chúng đổ quân xuống đào, cẩu móc đầu và thân máy bay lên để lấy xác chết.

Bầu trời cánh đồng Sáu Não đêm ấy pháo sáng như ban ngày. Ít ngày sau, cấp trên thông báo cho biết trong chiếc máy bay CH-47 bị bắn rơi ấy có 41 sĩ quan cao cấp của địch, trong đó có 1 Chuẩn tướng Mỹ và 1 Thiếu tướng quân đội VNCH đang trên đường bay về Cần Thơ.

Với chiến công đó, Bùi Anh Tuấn được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.

Một chiến công đáng nhớ nữa của Bùi Anh Tuấn là chiều ngày 26/1/1973, Trung đội A72 được giao nhiệm vụ triển khai hết lực lượng tác chiến vì ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực.

Ngay chiều hôm đó, Bùi Anh Tuấn đã bắn rơi 1 chiếc máy bay L19 khi nó đang bay thấp để tuyên truyền xuyên tạc về Hiệp định Paris. Đây là chiếc máy bay thứ 6 của địch bị Bùi Anh Tuấn bắn rơi kể từ ngày vào chiến đấu ở chiến trường B2.

Kỳ tích lịch sử của Bộ đội tên lửa Việt Nam: Một quả đạn hạ 2 máy bay và chiến công diệt 2 tướng địch - Ảnh 4.

Các đồng đội tên lửa A72 trong một lần về thăm mẹ của Liệt sỹ Anh hùng Bùi Anh Tuấn

Quên mình vì đồng đội

Sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, Mỹ và chính quyền Sài Gòn không chấp hành mà vẫn tiếp tục hành quân lấn chiếm vùng giải phóng.

Lúc này Trung đội A72 được ghép thêm 1 Tiểu đội B72 là loại tên lửa mặt đất. Trong số các xạ thủ tên lửa chống tăng B72 đó có Nguyễn Thế Việt. Nhớ lại những ngày chiến đấu ấy, CCB Nguyễn Thế Việt xúc động kể:

"Sau ngày Hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Sài Gòn chẳng những không thi hành mà chúng còn tổ chức nhiều cuộc hành quân tái chiếm lãnh thổ, liên tục ném bom bắn phá vùng giải phóng.

Đặc biêt vùng Cai Lậy Nam là trong điểm ngày nào chúng cũng hành quân càn quét, bắn phá và treo giải 10 triệu đồng tiền Sài Gòn cho ai phát hiện được "nơi cất giấu tên lửa của Việt cộng". Cho đến hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên sự kiện bi tráng ngày 10/3/1973.

Hôm ấy khoảng 6 giờ 30 sáng, khi anh em chúng tôi đang chuẩn bị ăn sáng thì nghe ầm ầm tiếng trực thăng địch tổ chức đổ quân xuống cánh đồng ấp Tân Hội - Cai Lậy Nam.

Ngay lập tức mọi người bỏ cơm, xách vũ khí nhanh chóng băng theo dòng kênh chạy về phía trong vườn cây là nơi có công sự chiến đấu và bãi mìn bảo vệ cách đó khoảng 500 mét. Trên trời, trực thăng địch thi nhau nhả đạn và bắn rocket xuống khu vực đơn vị trú quân.

Không may, tôi dính đạn địch bị thương được Bùi Anh Tuấn kéo vào hầm băng bó vết thương tạm thời. Xong, bất chấp mưa đạn, anh Tuấn vẫn lao ra khỏi hầm một lát sau đem về 3 cây chuối rồi kết thành bè đặt tôi và 1 quả đạn A72 lên bè chuối.

Chờ tốp trực thăng bay thấp qua đầu, anh Tuấn vội quàng ba lô và khẩu AK lên vai và đẩy chiếc bè chuối ra dòng kênh để về nơi an toàn. Nhưng bất ngờ, một loạt rocket của địch phóng xuống ngay sau lưng Bùi Anh Tuấn và anh đã hy sinh!

Kỳ tích lịch sử của Bộ đội tên lửa Việt Nam: Một quả đạn hạ 2 máy bay và chiến công diệt 2 tướng địch - Ảnh 5.

Một số đồng đội A72 về dự lễ tang Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Sáo - mẹ của Liệt sỹ Anh hùng Bùi Anh Tuấn vừa mất năm 2019. Mặc áo trắng đứng thứ hai (từ phải sang) là CCB Nguyễn Thế Việt - người được Bùi Anh Tuấn quên mình cứu sống năm xưa.

Còn chiếc bè chuối có tôi nằm trên đó may mắn an toàn… Phải mất đến 6 ngày sau, các anh Ngô Mậu Chiến, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Vũ Thành, Nguyễn Văn Sích mới tìm được thi thể của Bùi Anh Tuấn và an táng anh bên bờ kênh ấp Tân Hội…".

Bùi Anh Tuấn hy sinh là tổn thất lớn của đơn vị A72 chiến trường đồng bằng Nam bộ. Cán bộ và chiến sỹ trong đơn vị đều vô cùng thương tiếc anh - một xạ thủ giỏi, còn rất trẻ, ở chiến trường chưa đầy 1 năm mà đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bắn rơi 6 máy bay địch, trong đó có những chiếc máy bay địch bị bắn rơi rất có ý nghĩa.

Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc đó, ngày 6/11/1978, Liệt sỹ Bùi Anh Tuấn đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Cuối năm 1981, hài cốt của Liệt sỹ Anh hùng Bùi Anh Tuấn đã được đơn vị và các đồng đội cũ đưa từ ấp Tân Hội, xã Cai Lậy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang về an táng tại quê nhà xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Phú Thọ.

Đó cũng chính là tâm nguyện của mẹ anh - cụ Trần Thị Sáo, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có 2 người con trai là Bùi Anh Tuấn và Bùi Minh Tiến đã hy sinh vì Tổ quốc!

Nguyễn Hữu Mão - CCB Trung đoàn tên lửa 236

NỔI BẬT TRANG CHỦ