Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tòa nhà màu trắng ẩn hiện giữa cánh rừng hoa đại không chỉ là một tòa bạch ốc có kiến trúc châu Âu đẹp nổi tiếng ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Bạch Dinh còn là di tích lịch sử, nơi chứng kiến cuộc đời trầm luân của vị vua yêu nước Thành Thái và sự xa xỉ của vua Bảo Đại- ông vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Đến với Bạch Dinh, du khách như ngược dòng lịch sử, trở về không gian của hàng trăm năm trước, cách biệt hoàn toàn với thế giới ngoài kia.

Lạc vào không gian sống hơn 100 năm trước của các vị vua Nguyễn ở Bạch Dinh

Tòa nhà màu trắng ẩn hiện giữa cánh rừng hoa đại không chỉ là một tòa bạch ốc có kiến trúc châu Âu đẹp nổi tiếng ở Bà Rịa- Vũng Tàu. Bạch Dinh còn là di tích lịch sử, nơi chứng kiến cuộc đời trầm luân của vị vua yêu nước Thành Thái và sự xa xỉ của vua Bảo Đại- ông vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Đến với Bạch Dinh, du khách như ngược dòng lịch sử, trở về không gian của hàng trăm năm trước, cách biệt hoàn toàn với thế giới ngoài kia.

Dinh thự trắng giữa rừng hoa

Bạch Dinh (biệt thự trắng) tên tiếng Pháp là Villa Blanche tọa lạc tại số 4 đường Trần Phú, Phường 1, cách thành phố Vũng Tàu khoàng 10km. Theo sử sách ghi lại, Hoàng đế Minh Mạng từng cho xây dựng Pháo đài Phước Thắng tại địa điểm này nhằm dễ bề kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Ngày 10/2/1859, quân dân pháo đài Phước Thắng đã lập chiến công vang dội khi lần đầu tiên nổ súng kháng quân xâm lược Pháp tấn công Nam Kỳ, nhấn chìm nhiều tàu chiến của giặc.

Lạc vào không gian hơn 100 năm trước của các vị vua Nguyễn ở Bạch Dinh - Ảnh 1.

Tuy nhiên, sau khi Pháp chiếm được quyền cai trị Đông Dương, từ năm 1898, đồn Phước Thắng đã bị san phẳng để xây dựng nhà nghỉ mát cho Toàn quyền Pháp tại Đông Dương. Đề án được chính Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và ông cũng là người đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche. Do màu sơn bên ngoài toàn bộ là màu trắng nên người  dân gọi dinh thự này là Bạch Dinh.

Bạch Dinh có thế tọa sơn, hướng thủy (lưng tựa núi, mặt hướng biển), ẩn trong rừng sứ trắng. Chỉ cần bước chân qua cánh cổng, cách dinh thự chừng 4-500 m, bước chân trên con đường nhỏ và những bậc thềm lát đá, dưới những tán cây, trong khí hậu dịu mát của Vũng Tàu khi về chiều, cảm giác như lạcvào một thế giới khác, bình yên, thanh tĩnh đến lạ thường.

Bạch Dinh có thế tọa sơn, hướng thủy (dựa núi, hướng biển) là công trình nghệ thuật đặc sắc theo kiến trúc châu Âu thời cuối thế kỷ XIX. Dinh cao 19m, rộng 15m, dài 28m, gồm 3 tầng: Tầng hầm làm nơi nấu nướng; tầng trệt vừa làm nơi khánh tiết vừa dùng để trưng bày nhiều hiện vật cổ xưa như: Song bình bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ hoàng gia có niên đại Khải Định (năm 1921), cặp ngà voi châu Phi dài 170cm…

Những con đường nhỏ trong rừng hoa đại đều dẫn lối lên Bạch Dinh

Tầng lầu thoáng đạt dành làm nơi nghỉ dưỡng. Điểm nhấn ấn tượng không thể bỏ qua là 8 bức chân dung tạc các vị thần Hy Lạp thời cổ đại gắn trên một đường thẳng bao quanh ba mặt tường chính của tòa nhà. Từ gương mặt, mắt, mũi đến sắc thái của các bức tượng đá này đều biểu hiện rõ ràng, sắc nét và tinh tế.

Đứng từ Bạch Dinh, du khách sẽ được thỏa sức phóng tầm mắt tận hưởng vẻ đẹp mênh mông của biển xanh, thu vào tầm mắt vẻ khoáng đạt của núi rừng. Vào mùa hoa đại, cả rừng hoa xung quanh tòa nhà nở trắng muốt, từ tòa nhà nhìn xuống, như thấy một rừng mây trắng chạy mênh mông quanh Bạch Dinh. Bạch Dinh cổ kính mà sang trọng, hòa lẫn với thiên nhiên trong khu rừng nhiều loại cây cổ thụ, đặc biệt là những cây hoa đại có tuổi đời hàng trăm năm mang một vẻ đẹp riêng không giống với bất cứ nơi nào.

Giữa rừng hoa nghe câu chuyện tình buồn của vua Thành Thái

Ông Phạm Văn Hòa- nhân viên Ban quản lý di tích Bạch Dinh kể cho chúng tôi về câu chuyện cuộc đời vua Thành Thái gắn với Bạch Dinh.  

Lạc vào không gian hơn 100 năm trước của các vị vua Nguyễn ở Bạch Dinh - Ảnh 3.

Phòng khánh tiết trong Bạch Dinh vẫn lưu giữ nguyên vẹn song bình bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ hoàng gia có niên đại Khải Định (năm 1921), cặp ngà voi châu Phi dài 170cm

Tháng 9/1907, Bạch Dinh được dùng làm nơi giam lỏng vua Thành Thái – vị vua thứ 10 của triều Nguyễn. Ông có tinh thần yêu nước và quyết chí kháng Pháp đến cùng. Giặc lo sợ ép ông thoái triều và đưa ông từ Huế vào Vũng Tàu quản thúc ở Bạch Dinh. Hàng ngày ông quanh quẩn trong rừng hoa đại bên sườn núi Lớn, đọc sách và ngắm cảnh non xanh nước biếc, không được liên hệ với ai. Gia đình chỉ có mấy người đi cùng giúp việc và chăm lo cho vua ăn uống nghỉ ngơi. Một cuộc sống buồn tẻ của một kẻ bị cầm tù.  Một ngày mùa hè năm 1916, cựu hoàng Thành Thái khi ấy mới gần 40 tuổi, phóng xe khỏi Bạch Dinh. Nói là đi dạo quanh thành phố Vũng Tàu, nhưng ngài lại vượt đường ven biển tới vùng Đất Đỏ ngắm núi Thùy Vân, rong ruổi đó đây.

Bất ngờ vua nhìn thấy một cô gái phi ngựa đi phía trước, nom thanh tú, cùng với đôi mắt to tròn mạnh mẽ trên yên cương. Thấy gương mặt cô gái thật cá tính, cùng dáng vóc cuốn hút, vua Thành Thái bèn nhấn ga xe đi theo sau. Khi biết nơi ăn chốn ở của cô gái, ở gần đình Phước Thọ; vua gặp ông Hội đồng làng hỏi thăm nom gia đình cô gái, ngỏ ý mình muốn cưới nàng làm thứ phi. 

Phong cảnh tuyệt đẹp từ Bạch Dinh nhìn ra 

Cô thôn nữ đó trên là Trần Thị Đê, sinh năm 1884. Thuận tình, cô Đê về Vũng Tàu sống với vua Thành Thái và trở thành thứ phi, ở tại Bạch Dinh. Hàng ngày thứ phi cưỡi ngựa cùng vua rong chơi lên đỉnh núi Lớn. Hai người hạnh phúc bên nhau. Nhưng chưa được bao lâu, khoảng 5 tháng sau, giặc Pháp bí mật đưa vua Thành Thái cùng con trai là vua Duy Tân xuống tầu đi đầy sang đảo Reunion, tận Châu Phi.

Nhưng cuộc tình của Vua Thành Thái với cô gái nông dân vẫn chưa chấm dứt. Vì khi đó thứ phi Trần Thị Đê đã có thai được 3 tháng và phải trở về quê chờ sinh nở. Đầu năm sau, công chúa Trần Thị Kiều ra đời. Hai mẹ con đùm bọc nhau trong khốn khó. Vua thì bặt vô âm tín. Dòng dã suốt hơn 30 năm sau, bất ngờ vua Thành Thái vẫn còn sống trở về.

Năm 1947 ông được phóng thích, nhưng vẫn bị quản thúc tại Sài Gòn. Vua Thành Thái vội về Vũng Tàu tìm lại người tình xưa. Mừng mừng tủi tủi. Phận vợ chồng vẫn nặng nghĩa đậm duyên. Hai cha con ngọt bùi chia sẻ sau hơn 30 năm xa cách. Bù lại vua Thành Thái dồn hết tâm trí và tiến của cho cô công chúa của mình.

Kiến trúc, hoa văn trên Bạch Dinh

Hàng ngày hai cha con đi đây đó trò chuyện, chụp hình kỷ niệm. Công chúa thường nhắc lại thuở ấu thơ cô đơn buồn tủi của mình. Còn vua Thành Thái vẫn đau đáu nỗi hận trong lòng vì không giúp được gì cho dân tộc. Một kẻ bị cầm tù lưu vong buồn sầu. Có lần về lại Bạch Dinh ông đã làm bài thơ "Sầu tây bể cấp" để bày tỏ nỗi lòng ai oán của mình về đất nước.

Lời thơ ám ảnh lòng người: "Sống thừa nào biết đến hôm nay/ Nhìn thấy núi non đất nước này/ Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ/ Ruột tằm chín khúc mối sầu tây/ Thành xuân muôn dặm mây mù tịt/ Bể cấp tứ bề bủa sóng vây/ Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc/ Dẫu cho sắt đá cũng chau mày". Sau đó, cuộc đoàn viên cũng không được mấy năm, vì bị quản thúc và già yếu bệnh tật, vua Thành Thái vĩnh biệt thế gian vào năm 1954. Bài thơ "Sầu tây bể cấp" hiện được khắc trên bia đặt tại khu di tích Lịch sử Văn hóa Bạch Dinh.

Những vật dụng từ hơn trăm năm trước của các vị vua Triều Nguyễn tại Bạch Dinh

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngày 27/4 năm đó, xe tăng của quân giải phóng đã tấn công chiếm dinh và cắm cờ chiến thắng.

Trải qua hơn 100 năm, giờ đây, Bạch Dinh vẫn giữ nguyên sự sang trọng, hài hòa, uy nghiêm và trở thành điểm du lịch nổi tiếng, hút khách. Từ năm 1991 đến nay, một phần của Bạch Dinh được dùng làm bảo tàng, trưng bày 8.000 hiện vật độc bản nằm trong bộ sưu tập cổ vật gốm sứ có niên hiệu Khang Hy (thế kỷ XVII) được trục vớt từ Hòn Cau - Côn Đảo, cùng nhiều hiện vật có giá trị khác được tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ ở Bà Rịa - Vũng Tàu…

Bạch Dinh đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia ngày 4/8/1992./.