• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm ngơ cho Israel tại Syria, Nga “đào sâu” rạn nứt với Iran?

Thế giới 15/05/2018 08:03

(Tổ Quốc) - Phản ứng “im lặng” của Nga trước việc Israel tấn công lực lượng Iran tại Syria cho thấy rạn nứt trong quan hệ giữa Moscow và Tehran.

Tờ Wall Street Journal nhận định, liên minh quân sự Nga – Iran tại Syria đang có dấu hiệu rạn nứt sau hành động tấn công của Israel vào các lực lượng người Iran.

Cuộc tấn công của Israel diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tham dự lễ diễu binh thường niên kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít, diễn ra tại Moscow vào tuần trước. Phản ứng của Nga trước sự kiện trên là… im lặng; trong khi ông Fyodor Lukyanov, người đứng đầu một cơ quan cố vấn của Điện Kremlin tuyên bố, hai nhà lãnh đạo Nga và Israel gần như chắc chắn đã thống nhất về các mục tiêu có thể chấp nhận được.

Liên minh “thực dụng” rạn nứt?

Thái độ thù địch ngày càng gia tăng của Israel đang góp phần khuấy động mâu thuẫn trong mối quan hệ của Moscow với Tehran. Liên minh Nga – Iran đã đóng một vai trò đáng kể, giúp cuộc xung đột Syria xoay theo chiều hướng có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad; cũng như đưa Nga một lần nữa nổi lên như một cường quốc toàn cầu, còn Iran không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông.

Giờ đây, khi ông Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước, Nga và Iran lại cho thấy sự khác biệt lợi ích rõ rệt tại Syria. Đặc biệt, theo các chuyên gia Nga nhận định, Moscow đang lo ngại, Iran muốn sử dụng Syria như một vị trí trọng yếu để đe doạ Israel, và gia tăng quyền lực với Lebanon, Jordan và Palestine.

“Nga muốn thấy ảnh hưởng của Iran sụt giảm tại Syria, đặc biệt kể từ khi hai bên có những cái nhìn khác nhau về một Syria hậu chiến,” Nikolay Kozhanov, một cựu nhân viên ngoại giao Nga tại Iran, và hiện đang là Giáo sư tại Đại học châu Âu ở St. Petersburg, cho biết.

Những căng thẳng hiện tại không gây nguy hại đến mối quan hệ trao đổi giữa Nga và Iran tại những khu vực như Afghanistan, Trung Á và vùng Caspi – nơi cả hai nước đều có ảnh hưởng mạnh. Nga muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Iran trong lĩnh vực dầu mỏ, và hy vọng có thể mở rộng sự hiện diện tại Iraq – vùng đất mà tiếng nói của Iran cũng rất có trọng lượng.

Tại Syria, quan hệ đối tác Nga – Iran ra đời để ngăn cản sự sụp đổ của Tổng thống Assad. Ngay cả trước khi Nga tiến hành can thiệp quân sự, các phái đoàn Iran từng tới Moscow để bàn bạc về một chiến dịch, cho phép quân lính trên chiến trường của Iran và không quân Nga cùng tồn tại ở Syria. Một quan chức thân với Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, Iran thậm chí từng bí mật để Nga sử dụng một trong các căn cứ không quân của mình tại Syria, là Hamadan, trong chiến dịch không kích.

Dina Esfandiary, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phân tích: “Iran hài lòng với một đối tác như Nga. Nhưng Iran biết, đó là một mối quan hệ thực dụng, và Nga không phải là một đồng minh sẽ bên cạnh họ cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa”.

Còn theo Điện Kremlin, quan hệ Nga – Iran không thể được đo lường thông qua lăng kính các cuộc tấn công của Israel. “Chúng có một khía cạnh độc lập,” phát ngôn viêc Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Nhiều nhà phân tích chỉ ra, việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran và có vẻ ngày càng tiến về phía Israel hơn – đã làm dấy lên các nguy cơ, đồng thời dồn Iran vào thế chân tường.

Trong quá khứ, giới chức Iran thường nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết với Moscow, khi cả hai nước cùng có mặt tại Syria. Tuy nhiên, Nga nhìn nhận sự hiện diện đang gia tăng của Iran gần biên giới Israel, là một vấn đề; đồng thời đã cố gắng sử dụng ảnh hưởng, vốn khá giới hạn của mình lên Iran – để thoả mãn các yêu cầu từ phía Israel.

Quân đội Nga từng cảnh báo Iran rằng, họ sẽ không tiến hành yểm trợ trên không cho quân đội chính phủ hoặc các lực lượng thân cận Iran xuất hiện ở tây nam Syria.

Ông Kozhanov cho biết, Moscow thậm chí còn mở các kênh ngoại giao không chính thức giữa Israel và Iran. Gần đây, Moscow đã để các công dân Nga có mối quan hệ chặt chẽ với Israel đến Tehran, và mang theo một số thông điệp từ Israel.

Thủ tướng Netanyahu từng cố gắng gây dựng một mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thông qua việc nhiều lần công du Nga, cũng như nỗ lực chứng chỉ ra những nguy cơ mà Israel nhìn thấy từ sự hiện diện của Iran dọc theo biên giới. 

Tuần trước, những nguy cơ này đã biến thành một cuộc khủng hoảng khi Israel tuyên bố, Iran nổ súng tại biên giới phía bắc Israel với Syria. Israel cũng cho biết, họ đã đáp trả, nhắm vào các mục tiêu của Iran tại Syria… Trước đó, Israel cũng từng tấn công vào các lợi ích quân sự của Iran ở Syria.

(Trái qua phải): Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một cuộc gặp tại Tehran năm ngoái. 

Chia rẽ vì “chiến lợi phẩm” chiến tranh

Trong lúc này, Tehran và Moscow đang bị chia rẽ những “chiến lợi phẩm” chiến tranh. Theo Báo cáo Syria, một ấn phẩm về kinh tế Syria, Nga mới đây đã nhận được quyền trợ giúp chính phủ Syria phát triển một mỏ phốt-phát gần Palmyra. Đáng lưu ý, động thái này diễn ra nhiều tháng sau khi một công ty Iran được cho là đã giành được thoả thuận trên.

Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, năm ngoái, các tay súng do Iran chống lưng, đã bỏ qua các mục tiêu từng được cả Moscow và Tehran thống nhất, và tự đề xuất các mục tiêu khác để Nga tiến hành không kích. Điều này, không nghi ngờ gì đã khiến Bộ Tư lệnh Nga và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu “tức điên” lên.

Tổng thống Assad cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến các rạn nứt giữa Nga và Iran. “Damascus rất giỏi trong việc khiến Nga rời xa Tehran khi nói ‘có thể chúng tôi sẽ dựa vào Iran nhiều hơn”, một nhà ngoại giao châu Âu đánh giá.

Nga hiện đã đạt được một lợi thế so với Iran nhờ các cuộc nói chuyện với lực lượng đối lập tại Syria, trong khi lực lượng này “ca ngợi”, gặp gỡ với Nga giúp họ “nâng cao danh tiếng quốc tế”.

“Họ có những xung đột thực sự về lợi ích, bởi vì các kế hoạch của họ khác nhau,” Yahya Al-Aridi, phát ngôn viên của một tổ chức chính trị đại diện cho lực lượng đối lập Syria, nói.

Không có một chiến lược rộng hơn, Tổng thống Putin đang đi theo chiều hướng quen thuộc là chờ đợi và quan sát. Hiện tại, Moscow hy vọng, Israel và Iran có thể “tấn công qua lại” mà không ảnh hưởng tới các lợi ích của Nga tại Syria, hoặc tạo nên một cuộc xung đột khu vực khác.

“Đối với ông Putin, Israel và Iran có thể tiếp tục đánh nhau chừng nào hai bên giữ cho các chiến dịch của mình trong tầm giới hạn nhất định”, Giáo sư Lukyanov dự đoán.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ